Tin ngân hàng ngày 25/7: Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng

18:50 | 25/07/2022

|
HDBank và Unilever Việt Nam hợp tác, nâng cao lợi ích cho doanh nghiệp; Nợ xấu ngân hàng có thể gia tăng; MSB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 23/7: Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúngTin ngân hàng ngày 23/7: Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng
Tin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USDTin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD

Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng

Gần đây, các nhóm tội phạm thậm chí gia tăng chiêu thức giả mạo các cơ quan chức năng. Quả thực là các nạn nhân rất khó đối phó khi mà nghe tới pháp lý, vi phạm phải nộp phạt là nhiều người rất sợ. Trên thực tế là các cơ quan công quyền, cơ quan công an sẽ không thực hiện công bố xử phạt qua điện thoại, không yêu cầu nộp tiền hay cung cấp thông tin qua hình thức này.

Tin ngân hàng ngày 25/7: Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bên cạnh các cơ quan chức năng, chính các ngân hàng, nơi giữ tiền của người dùng cũng gặp phải tình trạng trên. Mạo danh ngân hàng mời chào dịch vụ tài chính và yêu cầu nộp các khoản phí để chiếm đoạt. Mới đây, nhiều ngân hàng đã phải lên tiếng. Chẳng hạn, đại diện ngân hàng VPBank cho biết: "Các đối tượng hay sử dụng tin nhắn, email thông báo đến khách hàng và yêu cầu khách hàng có những khoản chi ngoài. Chúng tôi khẳng định là có quy trình phê duyệt tín dụng và cấp tín dụng rất chặt chẽ bảo đảm an toàn và không bao giờ có bất kỳ một yêu cầu thu khoản phí nào qua kênh này".

Một người dân ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Khi bị phát hiện đối tượng lừa, chúng tôi lập tức liên hệ với ngân hàng. Ngân hàng đã yêu cầu chúng tôi phải có cơ quan công an mới vào cuộc được. Chúng tôi đã liên hệ bên cơ quan điều tra, bên an ninh, tuy nhiên, sự phối hợp giữa công an và ngân hàng phải mất thời gian rất nhiều".

Việc chuyển và rút tiền đều được tiến hành thông qua các tài khoản giả mạo với các thủ thuật như ăn cắp thông tin của người khác, làm giả chứng minh thư, để mở tài khoản ngân hàng.

Theo luật sư, để ngăn ngừa đấu tranh ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, cần phải phải có những điều chỉnh về các quy định để rút ngắn thời gian phối hợp, chẳng hạn như giao quyền nhiều hơn cho các ngân hàng trong những trường hợp nghi vấn.

Mới đây, lực lượng công an đã triệt phá ổ nhóm mua bán tài khoản ngân hàng. Cứ 400 ngàn đồng/tài khoản ngân hàng đăng ký chính chủ bởi các học sinh, sinh viên. Nhóm đối tượng này sẽ mua rồi bán lại cho bên thứ 3 sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Không chỉ thu mua, các đối tượng còn làm giả chứng minh thư, căn cước để mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại với giá 1 triệu/tài khoản. Với thủ đoạn này, các nhóm lừa đảo có thể sở hữu hàng trăm thậm chí hàng ngàn tài khoản khác nhau mà chẳng cần lộ diện. Vì vậy, sau khi chiếm đoạt tiền, chúng xoá dấu vết nguồn tiền bẩn thông qua các tài khoản này khiến việc xác minh, điều tra, phong toả và thu hồi của cơ quan chức năng là rất khó khăn.

HDBank và Unilever Việt Nam hợp tác, nâng cao lợi ích cho doanh nghiệp

Mới đây, HDBank và Unilever Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược, cam kết mang đến lợi ích cao nhất cho khách hàng và doanh nghiệp, góp phần tối ưu hóa chuỗi cung ứng, chủ động chi phí tài chính trong kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hợp tác này đánh dấu cột mốc quan trọng giữa HDBank - một trong những Ngân hàng Thương mại hàng đầu Việt Nam, đang mạnh mẽ vươn ra thế giới và Unilever Việt Nam – công ty hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam và toàn cầu. Thỏa thuận đặt trên nền tảng kết nối vì sự phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội.

Tiếp nối thành công của hơn 3 năm đồng hành, hợp tác lần này giữa HDBank và Unilever Việt Nam phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, mang đến lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp, nhà phân phối và các điểm bán lẻ trong quá trình vận hành kinh doanh.

Theo đó, HDBank sẽ mang đến các gói giải pháp tài trợ từ nhà phân phối đến điểm bán lẻ. Bên cạnh các chiến lược, ưu đãi về hàng hóa từ Unilever Việt Nam, các nhà phân phối và các điểm bán lẻ sẽ được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng đặc biệt từ HDBank.

Khách hàng có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua siêu ứng dụng trên điện thoại thông minh và công nghệ QR Pay của HDBank. Với công nghệ bảo mật hiện đại và cách sao kê thông minh trong hệ thống của HDBank, khách hàng sẽ giảm áp lực về kiểm soát tài chính, tránh phương thức dùng tiền mặt vốn cồng kềnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhằm giải bài toán dòng tiền cho các điểm bán hàng, HDBank cùng Unilever Việt Nam sẽ đẩy mạnh các chương trình tài trợ cho nhà phân phối, cửa hàng thông qua hình thức tín dụng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo. Các điểm bán hàng có thể tư tin nhập hàng để tối ưu chi phí vốn, có động lực để đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động.

Trong xu hướng thanh toán không tiền mặt, tiến tới quốc gia không tiền mặt, với các thành tựu của cuộc cách mạnh công nghệ 4.0, hợp tác giữa HDBank và Unilever Việt Nam sẽ mở ra bức tranh thị trường mới, hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Nợ xấu ngân hàng có thể gia tăng

Báo cáo cập nhật ngành NH của Công ty Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của các NH có thể đạt khoảng 26%-29% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 10,3% so với đầu năm), biên độ lợi nhuận (NIM) tăng và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải (do các NH lớn đã trích lập dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu do dịch Covid-19 trong năm 2021).

Dù vậy, SSI cũng đưa ra cảnh báo: "Để kiểm soát lạm phát, NH Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các NH phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro". Theo SSI, nếu các NH thương mại không được nới hạn mức (room tín dụng) trong 6 tháng cuối năm, bức tranh lợi nhuận sẽ thay đổi.

Trong khi đó, qua thống kê 27 NH niêm yết của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinGroup cho thấy tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,42%, chưa bao gồm các khoản nợ tái cơ cấu do dịch Covid-19 (tính đến hết quý I/2022). Tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể tiếp tục tăng khi các NH chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt khi thời hạn tái cơ cấu nợ của Thông tư số 14 không còn.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nhận định lợi nhuận NH lớn và các NH "đua" báo lãi nhưng áp lực nợ xấu trong tương lai là rất lớn, có thể "ăn mòn" lợi nhuận. Theo ông Thịnh, Thông tư 14 liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và DN do dịch Covid-19 đã hết hạn vào 30-6 và NH Nhà nước không gia hạn. Do đó, các NH đang phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu có thể gia tăng thời gian tới.

Các chuyên gia của FiinGroup thông tin thêm ngoài những NH đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các NH còn lại. Những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi, cộng thêm sức khỏe của các DN bất động sản đang gặp khó sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các NH.

MSB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với sự tăng trưởng về tổng cho vay khách hàng, tổng tiền gửi và thu nhập lãi thuần. Chất lượng tài sản vẫn ở mức tốt khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tính theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN chỉ 1,1%.

Tin ngân hàng ngày 25/7: Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng
MSB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kết thúc quý II/2022, MSB ghi nhận mức tăng trưởng tổng tài sản 6,5% so với ngày 30/6/2021, đạt trên 195.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng cho vay khách hàng đạt gần 110.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhu cầu tín dụng tăng trưởng với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 28% và dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.

Về huy động vốn, tổng tiền gửi tại ngày 30/6/2022 vượt 98.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với quý II/2021. Tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi đạt 36,72%, tăng nhẹ so với cuối năm 2021, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường. Đây là kết quả từ việc MSB đẩy mạnh triển khai các sản phẩm – dịch vụ và chương trình khuyến mại hấp dẫn, mang tới giá trị cao cho khách hàng, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa cấu trúc vốn. Điều này cũng tác động trực tiếp đến biên lãi ròng (NIM), đưa chỉ số này tăng lên 4,05% vào cuối quý II/2022.

Tổng thu nhập thuần của riêng quý II/2022 chạm mốc 2.800 tỷ đồng, trong đó ghi nhận sự đóng góp phần lớn từ thu nhập lãi thuần 2.060 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Mảng thu nhập ngoài lãi ghi nhận sự đóng góp đột phá từ kinh doanh ngoại hối khi lãi thuần mảng hoạt động này đạt hơn 315 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế của riêng quý II/2022 của MSB vượt 1.840 tỷ đồng. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB đạt tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỷ đồng, tăng trường 7% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, MSB ghi nhận 1 khoản thu phí từ hợp đồng hợp tác bán Bancassurance với Prudential và được tính vào quý II/2022, loại bỏ khoản thu bất thường này thì ngân hàng có tăng trưởng mạnh mẽ từ hoạt động lõi so với cùng kỳ 2021.

Quý II/2022, MSB cũng chú trọng nâng cao tỷ lệ an toàn vốn và chất lượng tài sản. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (theo Thông tư 41) hợp nhất của MSB đạt mức 12,17%.

Nguồn; Tin ngân hàng ngày 25/7: Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn