Tin ngân hàng ngày 26/4: Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.306 tỷ đồng

14:51 | 26/04/2022

|
Năm 2022, MB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng; Ngân hàng chuẩn bị tăng phát hành trái phiếu trở lại; LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 đạt 4.800 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 25/4: Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng caoTin ngân hàng ngày 25/4: Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng cao
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Techcombank tiếp tục không chia cổ tức, đặt mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Techcombank tiếp tục không chia cổ tức, đặt mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷ

Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.306 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất Quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.306,4 tỷ đồng, tăng trưởng 87,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tin ngân hàng ngày 26/4: Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.306 tỷ đồng
Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.306 tỷ đồng

Theo đó, tính đến hết 31/3/2022, tổng tài sản của SeABank đạt 231.222 tỷ đồng, tăng 19.558 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021.

Nhờ liên tục cải tiến và đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, quý I/2022 SeABank tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.306,4 tỷ đồng, tăng 87,1%; Tổng thu thuần đạt hơn 2.322 tỷ đồng, tăng 61,28%; Thu thuần từ dịch vụ đạt 274,21 tỷ đồng, tăng 122,65%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABankcũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng 126,47%, đạt 757,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tiếp tục giảm mạnh xuống mức 28,32%, đảm bảo đúng theo định hướng kinh doanh của Ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) duy trì ổn định ở mức 1,64%.

Trong quý I/2022, SeABank đã thực hiện chào bán thành công 181.311.631 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng.

Năm 2022, MB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng

Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2022. Một trong những nội dung quan trọng được nhắc đến trong cuộc họp là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng.

Cụ thể, MB sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng bằng việc chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2021.

Với phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2022, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương với tỷ lệ 20%.

Ngoài ra, trong năm nay ngân hàng cũng sẽ chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới, giá thỏa thuận thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023.

Năm ngoái MB cũng công bố chủ trương tăng vốn giai đoạn 2021-2023, trong đó ngân hàng dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 1-2%/vốn điều lệ MB/năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính/ tài chính - công nghệ (fintech)/ kinh doanh nền tảng viễn thông/ kinh doanh chuỗi có có khả năng và sẵn sàng hợp tác để tạo nền tảng liên kết, phát triển khách hàng, tạo hệ sinh thái số nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho MB.

Được biết, Viettel là một cổ đông lớn của MB, hỗ trợ nền tảng khách hàng và công nghệ thông tin cho MB.

Năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế theo kịch bản dự kiến tăng 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với 2021.

Ngân hàng chuẩn bị tăng phát hành trái phiếu trở lại

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong nửa đầu tháng 4/2022 có 8 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, với tổng giá trị là 4.300 tỷ đồng.

Trong đó, các ngân hàng đã thực hiện các đợt phát hành giai đoạn này gồm có: Ngân hàng TMCP Bản Việt (300 tỷ đồng qua 2 đợt), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (200 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Á Châu (1.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (2.400 tỷ đồng).

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.696 tỷ đồng, tăng 14,66% (chiếm khoảng 14% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 53,432 tỷ đồng, giảm 17,35% (chiếm khoảng 86% tổng giá trị phát hành).

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu với tư cách là nhà phát hành trái phiếu giúp các tổ chức này có thêm kênh huy động vốn quan trọng.

Cụ thể, thông qua thị trường này, tổ chức tín dụng có thể huy động được nguồn vốn trung dài hạn, giúp cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn.

Với nhà đầu tư mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng có được quyền lợi tương tự như người gửi tiền, khi đến hạn sẽ được tổ chức tín dụng chi trả đầy đủ gốc, lãi như các khoản tiền gửi./.

LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 đạt 4.800 tỷ đồng

Theo kế hoạch ngân hàng trình ĐHCĐ sắp tới, năm 2022 dự kiến tổng tài sản đạt 336.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm ngoái. Tổng giá trị huy động thị trường 1 là 257.070 tỷ đồng tương đương với mức tăng trưởng 18,4%. Trong đó, tín dụng thị trường 1 năm 2022 có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Còn theo kế hoạch của nhà băng này, tín dụng thị trường 1 năm 2022 có thể tăng thêm gần 38.000 tỷ đồng so với năm 2021, lên mức 246.650 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 26/4: Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.306 tỷ đồng
LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 đạt 4.800 tỷ đồng

Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của LienVietPostBank đạt gần 1.800 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm ngân hàng này đã hoàn thành 37,5% kế hoạch năm 2022.Thu dịch vụ dự kiến tăng trưởng 34% so với năm 2021, có thể đạt mức 1.150 tỷ đồng vào năm nay. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế có thể đạt 4.800 tỷ, tương ứng mức tăng trưởng 32% so với năm ngoái.

Theo LPB, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh nêu trên, ngân hàng đã xây dựng các giải pháp để triển khai trong năm 2022. Cụ thể, xây dựng cơ cấu nguồn và cân đối nguồn vốn hiệu quả nhằm giảm chi phí vốn. Tập trung tăng trưởng tín dụng bán lẻ, an toàn. Bên cạnh đó, LPB sẽ quyết liệt trong công tác thu hồi nợ xấu, đồng thời đầu tư vào công nghệ, hiện đại hóa ngân hàng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, năm 2022, LienVietPostBank có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 6.200 tỷ đồng thông qua 3 hình thức. Huy động 2.255 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021. LPB cũng sẽ chào bán 95.859 cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau phát hành tối đa là 9,99%. Bên cạnh đó, 300.000 cổ phiếu sẽ được chào bán cho các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.

Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của LPB dự kiến tăng 41,6%, đạt gần 21.300 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, LPB sẽ mở rộng quy mô cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh nhằm mục tiêu tăng trưởng quy mô ngân hàng, mở rộng thị phần, tận dụng thế mạnh mạng lưới rộng khắp để trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 26/4: Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 1.306 tỷ đồng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn