Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app

15:28 | 12/06/2022

|
ACB giảm giá ít nhất ngành ngân hàng trong đợt điều chỉnh vừa qua; Bộ Công an cho phép, ngân hàng mới được cung cấp dịch vụ định danh eKYC; 90% người dân trên 15 tuổi thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2025; Agribank tiếp tục đăng ký bán toàn bộ hơn 2,9 triệu cổ phiếu CMG… là những tin tức tài chính và ngân hang nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 11/6: Nam A Bank mở mới 5 chi nhánh với hơn 30 điểm giao dịchTin ngân hàng ngày 11/6: Nam A Bank mở mới 5 chi nhánh với hơn 30 điểm giao dịch
Tin ngân hàng ngày 10/6: Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kémTin ngân hàng ngày 10/6: Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém

Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app

Vừa qua, tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận thực tiễn hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), cho vay qua app online tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an ninh xã hội.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app

Mới đây, giám đốc một công ty xây dựng ở TP HCM cho hay ông vừa phải hỗ trợ nhân viên trong công ty hơn 400 triệu đồng để trả nợ vay từ tín dụng đen và vay tiền qua app online đến mức không có khả năng trả nợ. "Tình trạng một người vay, cả công ty bị "khủng bố" đòi nợ đang xảy ra ngày càng nhiều" - vị này nhận xét.

Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua website: canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các app liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30%. Những tín dụng đen dạng này đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay và không cần tài sản thế chấp nhưng lãi suất lại rất cao...

Trước khi cho vay, các đối tượng thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại... "Đáng chú ý, để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND/CCCD để khi người nợ chậm trả lãi, họ sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực" - NCSC nhận định.

Trong khi chờ hành lang pháp lý, các chuyên gia kinh tế và người vay kiến nghị cần có biện pháp để sớm dẹp nạn cho vay qua app. Trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, NSCS khuyến nghị người vay cần tìm hiểu ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả...) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

ACB giảm giá ít nhất ngành ngân hàng trong đợt điều chỉnh vừa qua

Theo VnDirect, ACB có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này.

Trong báo cáo mới phát hành, VnDirect cho biết việc Chính phủ có những bước đầu giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động của thị trường vốn Việt Nam đã dẫn đến hiệu ứng bán tháo trên thị trường chứng khoán từ tháng 4/2022 và ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ kể.

Theo VnDirect, những hành động và chỉ thị nói trên nhằm tăng cường tính minh bạch và bền vững của thị trường và nâng cao uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những sự việc trên đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực ngắn hạn khi hàng loạt giám đốc/chủ doanh nghiệp Việt Nam bị bắt giữ, theo đó mang lại tâm lý tiêu cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thể thấy, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh mạnh 15,4% kể từ mức đỉnh vào đầu tháng 4/2022, chủ yếu do tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và hiệu ứng "margin call".

Với sự liên quan mật thiết đến lĩnh vực bất động sản và thị trường TPDN, ngành ngân hàng cũng ghi nhận đà giảm giá rất mạnh kể từ đó (-16,6%). Tuy nhiên, ACB lại ghi nhận mức giảm giá thấp nhất so với toàn ngành (chỉ - 4%).

Nhóm phân tích cho rằng, ACB là một trong những ngân hàng bán lẻ tốt tại Việt Nam và là một ngân hàng có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); do đó ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này.

Mặt khác, cho vay bất động sản chiếm 18% danh mục của ACB tuy nhiên chủ yếu đến từ cho vay mua nhà (15%), vì vậy ACB sẽ không chịu tác động đáng kể nào trước động thái giám sát chặt chẽ các khoản vay vào lĩnh vực bất động sản.

''Nói cách khác, mô hình ngân hàng thận trọng và bền vững của ACB đã giúp ngân hàng vượt qua sự khó khăn trước các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn trên thị trường vốn Việt Nam'', VnDirect cho biết.

Bộ Công an cho phép, ngân hàng mới được cung cấp dịch vụ định danh eKYC?

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app
Bộ Công an cho phép, ngân hàng mới được cung cấp dịch vụ định danh eKYC?

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức họp góp ý nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm đảm bảo văn bản sau khi ban hành có khả năng thực thi cao cũng như tạo thuận lợi cho các tổ chức và người dân.

Chia sẻ tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, quy định tại Dự thảo có thể hiểu rằng tất các các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) hiện nay cũng buộc phải được Bộ Công an cho phép mới được hoạt động, việc hoạt động eKYC của tất cả các ngân hàng và tổ chức hiện nay có thể bị xem là chưa phù hợp quy định pháp luật.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ phạm vi của “Dịch vụ định danh và xác thực điện tử” được hiểu trong nghị định này chỉ là “Dịch vụ định danh và xác thực điện tử có sử dụng dữ liệu cư dân quốc gia” để tránh hiểu lầm với các dịch vụ xác thực người dùng điện tử (eKYC) khác trên thị trường”, ông Long nói.

Hiện, Dự thảo quy định tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến, đa số các tổ chức tín dụng, các công ty Fintech, các trung gian thanh toán... đều kiến nghị được kết nối trực tiếp thay vì phải thông qua một bên trung gian.

Cụ thể, đại diện một ngân hàng thương mại cho hay, ngân hàng này đã triển khai phương thức xác thực eKYC từ lâu nên đề nghị cho phép kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để định danh khách hàng.

Tương tự, đại diện một đơn vị trung gian thanh toán cho biết, Nghị định cần quy định để đảm bảo sự kết nối thuận tiện, dễ dàng. Kinh nghiệm của đơn vị này cho thấy, khi kết nối qua các tổ chức trung gian, tỷ lệ lỗi phát sinh rất nhiều, tăng gấp 2, gấp 3 so với bình thường và việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

“Do đó, các tổ chức tín dụng cần được kết nối, khai thác dữ liệu định danh điện tử trong hoạt động của mình nhằm xác minh, xác thực khách hàng cho mục đích phòng chống rửa tiền và gian lận, lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng. Đối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, Bộ Công an nên xem xét mở API cho các bên vào đối chiếu không tính phí”- ông Nguyễn Thành Long nói.

Hạ Long (Quảng Ninh): 90% người dân trên 15 tuổi thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2025

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, do UBND TP. Hạ Long tổ chức . Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Từ 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 16.798 điểm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%.

Đối với các dịch vụ công, 100% cơ sở giáo dục, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh, 65% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị thực hiện thanh toán không tiền mặt.

Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, các chỉ tiêu này nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, giảm bớt chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả giám sát quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.

Trước đó, tháng 4/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý đề xuất của Sở Du lịch và Liên ngành Sở Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh xem xét triển khai thí điểm mô hình Khu du lịch thông minh không sử dụng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu.

Agribank tiếp tục đăng ký bán toàn bộ hơn 2,9 triệu cổ phiếu CMG

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app
Agribank tiếp tục đăng ký bán toàn bộ hơn 2,9 triệu cổ phiếu CMG

Mới đây, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), Agribank đăng ký bán toàn bộ 2,9 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG), tương đương 2,67% vốn, theo phương thức khớp lệnh. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến 29/6-28/7.

Kết phiên giao dịch ngày 10/6, giá cổ phiếu CMG ở mức 59.900 đồng/cp, nếu giao dịch hoàn tất Agribank dự kiến sẽ thu về khoảng 173 tỷ đồng.

Việc chuyển nhượng vốn của Agribank tại CMC nhằm thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về phương án sắp xếp lại công ty con và các khoản đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác của Agribank.

Từ ngày 7/2 đến ngày 8/3, Agribank từng đăng ký bán hết toàn bộ 2,87% tổng số cổ phần nắm giữ, tương ứng 2,87 triệu cổ phiếu CMG nhưng bất thành, do giá thị trường của cổ phiếu CMG giảm dưới giá khởi điểm chuyển nhượng cổ phiếu theo quyết định ngày 7/4 - là 63.300 đồng/cp.

Sau đó, Agribank nhận cổ tức bằng cổ phiếu thêm 258.219 cổ phiếu, số lượng cổ phiếu CMG mà ngân hàng đang nắm giữ là hơn 3,12 triệu cổ phiếu.

Ngày 7/5-3/6, Agribank tiếp tục chào bán toàn bộ hơn 3,12 triệu cổ phiếu CMG sở hữu, tương đương 2,87% vốn của Tập đoàn công nghệ CMC. Tuy nhiên, kết thúc ngày 3/6, Agribank chỉ bán thành công 220.300 cổ phiếu và còn lại hơn 2,9 triệu cổ phiếu CMG. Phía ngân hàng cho biết lý do không hoàn tất giao dịch là giá thị trường giảm dưới giá khởi điểm chuyền nhượng cổ phần.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn