Tinh thần xung kích của thầy thuốc áo lính

17:10 | 05/08/2021

|
Trước giờ các cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 105 thuộc Tổng cục Hậu cần lên đường vào tỉnh Bình Dương thiết lập Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm (BVDCTN) số 5D để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi tới hỏi chuyện một gia đình đang quây quần trên chiếc ghế đá.

Ngồi giữa là Thượng úy QNCN Đỗ Văn Cường mặc bộ quân phục dã chiến, chiếc ba lô căng phồng đặt ngay ngắn trước mặt. Cạnh anh là người vợ trẻ và hai cậu con trai. Anh Cường là điều dưỡng viên Khoa Nội truyền nhiễm và Da liễu của BVQY 105, còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Phượng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành ở gần bệnh viện. Vừa chỉnh lại cho chồng chiếc ve áo, chị Phượng vừa kể: “Tối qua, tôi hì hụi chuẩn bị cho chồng rất nhiều đồ, nhưng anh bớt lại, bảo đi làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện dã chiến nên chủ yếu mặc đồ bảo hộ phòng dịch, chỉ mong ở nhà, vợ con giữ gìn sức khỏe, vậy là yên tâm”.

Tinh thần xung kích của thầy thuốc áo lính
Vợ chồng Thượng úy QNCN Đỗ Văn Cường trước lúc tạm biệt.

Đang dặn dò hai con trai (14 tuổi và 10 tuổi) ở nhà chăm ngoan, thấy vợ nhắc đến mình, anh Cường quay sang tâm sự: “Năm 2012-2013, tôi đã xung phong đi làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Vừa qua, nghe thông tin dịch Covid-19 ở phía Nam diễn biến phức tạp, tôi rất nóng ruột nên khi cấp trên có chủ trương thành lập BVDCTN số 5D, tôi liền đăng ký. Nhiệm vụ của các điều dưỡng viên trong đó chắc chắn sẽ rất vất vả, khó khăn, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần, sẽ nỗ lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân và bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

Trao đổi với Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Chinh, Phó giám đốc BVQY 105, Giám đốc BVDCTN số 5D, tôi được biết, trong biên chế 130 cán bộ, nhân viên BVDCTN số 5D, có 43 đồng chí của BVQY 105 và hầu hết anh chị em đều xung phong lên đường làm nhiệm vụ. “Thấy nhiều cán bộ, nhân viên hăng hái xung phong tham gia BVDCTN số 5D, lãnh đạo, chỉ huy bệnh viện rất phấn khởi, tự hào. Trước đây, bệnh viện đã nhiều lần tổ chức đoàn công tác đến các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa để khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc, có những chuyến sang cả nước bạn Lào, song lần này anh chị em có khí thế quyết tâm cao hơn hẳn”.

Tinh thần xung kích của thầy thuốc áo lính
Gửi niềm tin chiến thắng dịch Covid-19.

Tìm hiểu thêm, tôi thực sự cảm phục những thầy thuốc quân y luôn đề cao tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ. Như Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tiến (công tác tại Khoa Nội Truyền nhiễm và Da liễu) từng xung phong ra đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ năm 2016, có vợ là Nguyễn Thị Hiên, nhân viên điều dưỡng của bệnh viện. Dù hai con còn nhỏ nhưng anh Tiến đã bàn với vợ gửi hai con về quê, nhờ ông bà nội chăm sóc để anh xung phong vào miền Nam tham gia chống dịch. Hay Đại úy QNCN Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (nhân viên Ban Kế hoạch tổng hợp) trước khi tạm biệt chồng (Thượng úy Vương Anh Thắng, bác sĩ Khoa Thận nhân tạo) để lên đường đã... lau nước mắt. Nhưng thấy tôi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe, Nguyệt lại cười: “Em xung phong đi và tin tưởng chồng ở nhà sẽ chăm sóc con chu đáo, sắp xếp tốt công việc gia đình nên rất yên tâm. Không phải em khóc đâu. Thấy các anh, các chị cùng cơ quan đến chia tay, dặn dò chu đáo quá nên xúc động, tự nhiên rơi nước mắt thôi”...

Dưới làn mưa lất phất, đoàn xe chở các cán bộ, nhân viên BVDCTN số 5D với lực lượng nòng cốt là các cán bộ, nhân viên BVQY 105 và Viện Y học cổ truyền Quân đội lăn bánh ra sân bay Nội Bài để vào miền Nam tham gia dập dịch. Qua cửa kính xe, các thầy thuốc quân y tươi cười vẫy tay chào người ở lại, gương mặt họ đầy khí thế. Với tinh thần xung kích ấy, chắc chắn họ sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguồn: Tinh thần xung kích của thầy thuốc áo lính

Văn Chiến

qdnd.vn