Trả tiền tỷ mời giáo sư về trường chuyên - đề xuất gây tranh cãi

20:06 | 12/03/2022

|
Chính sách chi một tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình bị nhiều nhà giáo, chuyên gia đánh giá "không khả thi".

Tỉnh Hòa Bình dự kiến hỗ trợ một tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư; 300 triệu đồng cho tiến sĩ về làm việc tại trường chuyên, cam kết giảng dạy 10 năm trở lên. Chính sách này đang ở giai đoạn dự thảo, chuẩn bị trình HĐND tỉnh; kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước.

Hòa Bình có duy nhất trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, hiện chưa có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy. Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục, cho rằng, việc này gây ra nhiều hạn chế trong quá trình đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.

"Chúng tôi quan niệm có thầy giỏi mới có trò giỏi. Trường chuyên là nơi hội tụ những học sinh có học lực tốt nhất. Vì vậy, môi trường này rất cần giáo viên có trình độ cao về chuyên môn, giúp các em phát triển tối đa trí tuệ và năng lực sẵn có. Người có trình độ cao ngoài giảng dạy còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh", bà Tuyến chia sẻ.

Trả tiền tỷ mời giáo sư về trường chuyên - đề xuất gây tranh cãi
Giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM coi thi tuyển sinh lớp 10, tháng 5/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Nhưng nhiều chuyên gia giáo dục không nghĩ như vậy. Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng, chính sách thu hút nhân sự chuyên môn cao của Hòa Bình không khả thi.

Công việc của giáo sư, phó giáo sư là giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học. Họ gợi mở, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu cho sinh viên, trong khi ở bậc phổ thông, giáo viên phải truyền đạt kiến thức cặn kẽ.

"Cách giảng dạy ở hai bậc học hoàn toàn khác nhau. Chưa chắc giáo sư dạy ở phổ thông đã tốt hơn một giáo viên trình độ cử nhân sư phạm", ông Ngai nói.

Bà Phạm Thị Ngân, Hiệu trưởng THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam tán thành ý kiến này. "Nếu xét về nghiệp vụ sư phạm, chưa chắc giáo sư, phó giáo sư hơn giáo viên. Chúng ta cần nhìn vào sự phù hợp", bà nói và giải thích thêm, giáo viên các trường chuyên vốn được tuyển chọn rất gắt gao với nhiều tiêu chí nhằm đảm bảo có kỹ năng, trình độ cao. Trong quá trình giảng dạy, họ cũng được yêu cầu trau dồi, nâng chuẩn liên tục. Do đó, họ đủ năng lực đáp ứng chương trình phổ thông.

Vì vậy, theo bà, không nhất thiết ràng buộc giáo sư vào biên chế, nhà trường có thể mời họ giảng các chuyên đề hoặc tổ chức những buổi nói chuyện với học sinh.

Lãnh đạo một trường THPT chuyên ở phía Nam đánh giá chính sách của Hòa Bình hướng tới mục đích tốt nhưng cách làm không khoa học. Thông thường, trường chuyên ở mỗi tỉnh đều có đội ngũ giáo viên nòng cốt để bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Công việc này đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn qua hàng loạt kỳ thi ở mọi cấp độ.

"Sẽ là sai lầm nếu cho rằng các giáo sư bồi dưỡng học sinh giỏi hiệu quả hơn. Chưa kể, trường có hàng chục lớp với nhiều môn chuyên khác nhau. Vậy phải chiêu mộ bao nhiêu giáo sư, phó giáo sư cho đủ?", người này nói.

TP HCM có hai trường chuyên và nhiều lớp chuyên ở các trường thường. Làm quản lý ở Sở hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Ngai nhận thấy điểm yếu của các trường chuyên là thiếu kinh phí cho việc đãi ngộ. Lương thấp, không tương xứng với năng lực, nhiều giáo viên giỏi bỏ trường.

"Thay vì bỏ một tỷ đồng thu hút giáo sư, tỉnh Hòa Bình nên dùng nguồn tiền này cải thiện chính sách tiền lương cho giáo viên chuyên, hỗ trợ nhà trường. Việc này có ý nghĩa căn cơ, bền vững hơn", ông Ngai đề xuất.

Ngoài Hoà Bình, nhiều tỉnh, thành khác cũng có chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên. Đây là một mục tiêu của Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.

Bắc Ninh có nghị quyết quy định một số chế độ chính sách với trường THPT chuyên, được thông qua hồi tháng 7/2021. Theo đó, giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ làm việc tại trường THPT chuyên Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ 100 đến 220 triệu đồng.

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh cam kết giảng dạy lâu dài (ít nhất 10 năm) tại THPT chuyên Bắc Ninh được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá một tỷ đồng.

Hiện Bắc Ninh chưa có thống kê về kết quả của chính sách này.

Trả tiền tỷ mời giáo sư về trường chuyên - đề xuất gây tranh cãi
Học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM trong giờ học tháng 12/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Các giáo sư, phó giáo sư - những người được "trải thảm đỏ" - không mấy mặn mà với chính sách thu hút về trường chuyên.

Một phó giáo sư dưới 40 tuổi, công tác tại một đại học lớn ở TP HCM, thẳng thắn: "Giả sử TP HCM hoặc một tỉnh lân cận đãi ngộ 5 tỷ, tôi cũng không về trường chuyên. Vấn đề không phải là tiền mà là môi trường, hệ sinh thái làm việc".

Theo ông, chỉ môi trường đại học hoặc viện nghiên cứu, giáo sư, phó giáo sư mới phát huy hết khả năng. "Công việc của giáo sư là hướng dẫn nghiên cứu, đi tìm tri thức mới. Trong khi đó, ở bậc phổ thông, dù là hệ chuyên, bồi dưỡng học sinh giỏi, bản chất vẫn là giải các bài tập đã có đáp án", ông giải thích.

Theo ông, khoản hỗ trợ một tỷ đồng với cam kết giảng dạy 10 năm trở lên là không đủ hấp dẫn. Bởi thu nhập, đãi ngộ cho một giáo sư, công tác ở bậc đại học tại Hà Nội, TP HCM hay các đô thị lớn vượt xa con số này.

Đồng quan điểm, một phó giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho rằng, giáo sư - tiến sĩ là chuyên gia trong lĩnh vực rất hẹp. Họ "chỉ nên tham gia ở một số chuyên đề hẹp, thuộc chuyên môn của họ".

"Tôi có thể nói rất sâu về ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, nhưng không phù hợp đứng lớp dạy chuyên Văn hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi Văn. Đó là những công việc khác nhau", ông chia sẻ.

Nguồn: Trả tiền tỷ mời giáo sư về trường chuyên - đề xuất gây tranh cãi

Mạnh Tùng - Thanh Hằng

vnexpress.net