Trào lưu chữa lành: Khi ai cũng cần được vỗ về, xoa dịu

14:10 | 27/09/2023

|
Chưa bao giờ người ta lại cần được chữa lành nhiều đến thế. Có phải do cuộc sống ngày càng áp lực, do sức chịu đựng ngày càng kém đi hay đến bây giờ nhận thức về sức khỏe tinh thần mới được chú trọng?
Sự tử tế có thể thay đổi thế giới không?Sự tử tế có thể thay đổi thế giới không?
4 điều nên làm để 'sống chậm lại giữa thế gian vội vã'4 điều nên làm để 'sống chậm lại giữa thế gian vội vã'

Chữa lành là gì và từ đâu mà có?

Chữa lành có thể hiểu là quá trình cả thiện sức khỏe và phục hồi cả thể chất và tinh thần từ tình trạng bệnh tật hoặc tổn thương. Chữa lành có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau gồm can thiệp y tế như dùng thuốc, trị liệu. Ngoài ra, một người gặp các vấn đề về sức khỏe cũng có thể tích cực tự chữa lành cho bản thân thông qua những hoạt động như nghỉ ngơi, tập yoga, thiền, sống lành mạnh, hài hòa với thiên nhiên. Đôi khi, chữa lành không nhất thiết phải khắc phục vấn đề hoàn toàn mà chủ yếu làm cho con người cảm thấy tốt hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn.

Chữa lành vốn không phải là điều gì xa lạ. Trước khi trở thành phong trào được nhiều người hưởng ứng, người ta đã quen với những khái niệm như “chữa lành”, “chánh niệm”, “sống cho hiện tại”,… được xem là bất nguồn từ hệ tư tưởng cốt lõi trong tôn giáo, triết học Á Đông. Tuy nhiên qua sự truyền bá của những diễn giả phương Tây, trào lưu chữa lành mới trở nên phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến.

Trào lưu chữa lành: Khi ai cũng cần được vỗ về, xoa dịu

Ở phương Tây, trào lưu chữa lành phổ biến với thế hệ Millennials nhưng ở Việt Nam, chúng được quan tâm nhiều hơn bởi thế hệ Z. Bởi lẽ sau thời kỳ Đổi mới từ năm 1986, văn hóa phương Tây mới du nhập mạnh mẽ vào nước ta. Có một số lý do có thể giải thích tại sao trào lưu chữa lành ngày càng phổ biến.

Sự cần thiết với cuộc sống hiện đại: cuộc sống ngày nay, tuy đã giảm cảnh thiếu ăn, thiếu mặc so với trước đây nhưng sự lo âu, áp lực tinh thần ngày càng có chiều hướng gia tăng. Điều này khiến nhiều người muốn tìm các hoạt động giảm căng thẳng và cân bằng cuộc sống. Chữa lành vì thế gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bùng nổ thành trào lưu.

Tăng cường nhân thức về sức khỏe tinh thần: cộng đồng bây giờ, đặc biệt là giới trẻ ngày càng nhận thức tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và ảnh hưởng của nó lên mọi mặt của đời sống.

Sự phát triển của công nghệ và truyền thông đã tạo điều kiện để chữa lành ngày càng phổ biến.

Trào lưu chữa lành: Khi ai cũng cần được vỗ về, xoa dịu

Khi ai cũng cần được vỗ về, xoa dịu

Việc chữa lành ngày càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng với đời sống xã hội khi cả thế giới vừa trải qua một đợt đại dịch, thiên tai, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại và cuộc suy thoái kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhiều người vừa trải qua sự kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần sau khi chống trọi với dịch bệnh thì lại phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất việc giữa làn sóng sa thải.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “chữa lành” là hàng loạt bài viết xuất hiện, từ cách chữa lành tâm hồn sau một năm khó khăn đến 7 cách chữa lành vết thương tâm lý, những phương pháp tự chữa lành. Người ta tìm đến chữa lành thông qua nhiều hoạt động như thiền định, du lịch, phim ảnh, sách, các podcast, workshop,…

Bản chất của chữa lành là quay vào bên trong, xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, chăm sóc những tổn thương để đạt được trạng thái bình yên. Từ đó giúp con người sống hạnh phúc hơn, làm việc hiệu quả hơn, tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Khi nội tâm an ổn thì cuộc sống bên ngoài mới tốt lành.

Tuy nhiên, không phải lúc nào khái niệm “chữa lành” cũng được hiểu đúng và có hiệu quả tích cực. Nhiều hoạt động chữa lành mới chỉ nằm ở bề nổi, thiên về hô hào, hình thức chứ chưa thật sự mang lại hiệu quả. Có những sản phẩm, dịch vụ chạy theo trào lưu, gắn mác chữa lành để thu hút khách, nhưng chữa mãi không “lành”.

Sức khỏe tinh thần là lĩnh vực đang được nhiều người quan tâm, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc chữa lành như thế nào lại là vấn đề mà người trong cuộc nên tỉnh táo và đi đúng hướng. Tránh trường hợp chữa lành nhưng… lành ít dữ nhiều.

Trào lưu chữa lành: Khi ai cũng cần được vỗ về, xoa dịu

Một trong những hoạt động hỗ trợ cho việc chữa lành đơn giản, không tốn quá nhiều chi phí mà ai cũng có thể thử, đó là nghỉ ngơi và hòa mình vào thiên nhiên. Chữa lành phổ biến thông qua nhiều hình thức nghệ thuật như âm nhạc, văn chương, trong đó phải kể đến tầm quan trọng của phim ảnh. Đầu năm nay, bộ phim Đi đến nơi có gió (去有风的地方) trở thành hiện tượng đã khiến phong trào du lịch chữa lành càng nở rộ. Bộ phim thuộc thể loại Slice of life (Lát cắt cuộc sống) khai thác đề tài chữa lành, xoay quanh hành trình bỏ phố về quê lập nghiệp và câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng giữa Hứa Hồng Đậu và Tạ Chi Dao.

Khung cảnh thiên nhiên đẹp và quá đỗi yên bình trong phim đã khiến nhu cầu đi du lịch đến Sa Khê cổ trấn ở Đại Lý, Vân Nam tăng vọt. Đứng trước khung cảnh lộng gió, không còn tiếng còi xe, khói bụi ồn ào, cô gái từng bị cuộc sống đô thị cuốn đi đã thật sự dành cho bản thân những ngày tháng bình yên và tìm lại chính mình. Môi trường sống trong lành dần giúp Hồng Đậu trở nên lạc quan, yêu đời hơn.

Những yếu tố thiên nhiên như tiếng nước chảy, tiếng mưa, mùi cỏ cây đều giúp con người giảm căng thẳng, tinh thần phấn chấn hơn. Thiên nhiên chính là liệu pháp tốt nhất giúp con người sống cân bằng hơn. Vậy nên, chữa lành không phải là thứ gì đó cao siêu, xa vời hay tốn kém. Bản thân mỗi chúng ta đều có thể tự chữa lành cho chính mình hoặc chủ động tạo ra một cuộc sống an lành thông qua những hoạt động như nghỉ ngơi, tập trung vào hiện tại, thiền, chánh niệm và mỗi khi bất an mỏi mệt, ta đều có thể quay về với thiên nhiên để được vỗ về, xoa dịu.

Nguồn:Trào lưu chữa lành: Khi ai cũng cần được vỗ về, xoa dịu

I Am NGA

emdep.vn