Trí tuệ nhân tạo (AI) "thay máu" doanh nghiệp thế nào?

11:30 | 29/03/2024

|
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại hiệu quả quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp như: cải thiện trải nghiệm người dùng, tối ưu quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hoá chiến lược marketing...

Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) không ngừng phát triển, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem như một nhân tố góp phần thay đổi lớn cách thức vận hành của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại hiệu quả quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp TMĐT nhờ việc cải thiện trải nghiệm người dùng, tối ưu quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hoá chiến lược marketing TMĐT và góp phần hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) "thay máu" doanh nghiệp thế nào?
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại hiệu quả quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp thương mại điện tử - Ảnh: IT

Theo một nghiên cứu của McKinsey, việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm có thể tăng doanh số bán hàng lên đến 10-15%. AI đang mở ra những cơ hội mới để tạo ra trải nghiệm người dùng mang tính cá nhân hóa, giúp tăng cường sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Đồng thời, góp phần tăng cường độ chính xác và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm, nâng cao hiệu quả bán hàng của doanh nghiệp.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận AI có khả năng gợi ý sản phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích của khách hàng nhờ việc phân tích dữ liệu lớn từ hành vi mua sắm trước đây của họ, bao gồm cả lịch sử mua hàng, sản phẩm đã xem, và thậm chí cả phản hồi hoặc đánh giá sản phẩm. Bên cạnh đó, AI cũng giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng trên trang web và ứng dụng bao gồm việc điều chỉnh bố cục, màu sắc, hoặc thậm chí cả nội dung hiển thị để phù hợp với từng người dùng. Các nền tảng như Netflix và Spotify sử dụng AI để phân tích sở thích và hành vi của người dùng, từ đó tối ưu hóa nội dung được hiển thị cho mỗi cá nhân.

Phân tích cảm xúc và ý kiến người dùng cũng là một điểm thú vị của AI. Dựa trên các bài đánh giá, bình luận online hoặc phản hồi trực tiếp, phân tích của AI giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về trải nghiệm, cảm nhận và mong muốn của khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến lược tiếp thị để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Về cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm người dùng, Amazon là một trong những công ty tiên phong trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo. Amazon sử dụng AI để phân tích hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó đề xuất sản phẩm phù hợp. Công ty tuyên bố rằng 35% doanh thu của họ đến từ các gợi ý sản phẩm cá nhân hóa.

AI không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng của mình mà còn cung cấp các công cụ để tạo ra những chiến dịch marketing cá nhân hóa, hiệu quả và tự động hóa.

Doanh nghiệp có thể phân tích lượng lớn dữ liệu từ khách hàng nhờ ứng dụng AI, từ hành vi mua sắm, lịch sử tìm kiếm, đánh giá sản phẩm, đến tương tác trên mạng xã hội. Từ phân tích đó, AI giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích và hành vi của khách hàng, cho phép tạo ra các chiến lược marketing và sản phẩm phù hợp hơn. Các nội dung marketing cũng có tính cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng, từ email marketing, quảng cáo trực tuyến đến nội dung trên trang web.

Công nghệ này có thể tự động tạo ra các tin nhắn và nội dung phù hợp với từng khách hàng, tăng cường sự tương tác và khả năng chuyển đổi. Từ dữ liệu thị trường và dữ liệu từ khách hàng, AI có thể dự báo xu hướng và nhu cầu sản phẩm trong tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản phẩm và marketing để đáp ứng nhu cầu thị trường, giữ vững lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, AI giúp các chiến dịch quảng cáo được tối ưu hoá nhờ việc phân tích hiệu suất của các quảng cáo và tự động điều chỉnh ngân sách, mục tiêu, và nội dung quảng cáo để đạt được kết quả tốt nhất. Công nghệ này cũng giúp nhắm mục tiêu quảng cáo đến những khách hàng tiềm năng cao nhất.

Theo WordStream, việc sử dụng AI trong quảng cáo trực tuyến có thể giảm chi phí quảng cáo lên đến 50% và tăng doanh thu lên đến 34%. Có thể lấy ví dụ Netflix, dù không phải là một nền tảng thương mại điện tử truyền thống, nhưng Netflix sử dụng AI để phân tích sở thích của người dùng và đề xuất nội dung phù hợp. Kết quả là, khoảng 80% thời lượng xem trên Netflix đến từ các gợi ý của hệ thống. Điều này chứng minh rõ tác động của AI trong việc tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và tăng cường sự hài lòng của khách hàng.

Sự kết hợp giữa AI và các công nghệ tiên tiến khác đã đang mở ra những cơ hội mới để tăng hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện và tối ưu hóa quản lý kho hàng và chuỗi cung ứng trong TMĐT. Theo Harvard Business Review, việc sử dụng AI trong quản lý kho hàng có thể giảm chi phí tồn kho lên đến 20-50%.

Về khả năng dự báo nhu cầu, AI có thể phân tích dữ liệu lịch sử, xu hướng thị trường, mùa vụ, và các yếu tố khác để dự báo nhu cầu sản phẩm một cách chính xác. Điều này giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất và tồn kho, tránh tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho quá mức. Ngoài ra, việc quản lý tồn kho cũng hiệu quả hơn nhờ hệ thống AI tự động theo dõi mức tồn kho và đặt hàng lại khi cần thiết, giảm thiểu rủi ro hết hàng và giảm bớt công việc quản lý tồn kho cho nhân viên.

Trong quản lý vị trí tồn kho, AI giúp xác định vị trí lý tưởng trong kho để lưu trữ hàng hóa dựa trên các yếu tố như tần suất lấy hàng, kích thước và trọng lượng sản phẩm. Điều này giúp tối ưu hóa không gian kho và giảm thời gian chuẩn bị đơn hàng. Các quy trình cũng được tự động hoá bởi AI có thể thực hiện các nhiệm vụ như đóng gói, sắp xếp và vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu sự cần thiết của lao động thủ công và tăng hiệu quả hoạt động.

Trên thực tế, Alibaba - "gã khổng lồ" TMĐT của Trung Quốc, đã triển khai hệ thống kho hàng tự động với sự hỗ trợ của robot và AI. Các robot này có thể tự động chọn và đóng gói hàng hóa, sắp xếp chúng vào vị trí lưu trữ tối ưu, và thậm chí chuẩn bị đơn hàng cho việc vận chuyển. Điều này giúp giảm đáng kể thời gian xử lý đơn hàng và tăng cường hiệu quả hoạt động của kho hàng.

AI đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện dịch vụ hỗ trợ khách hàng trong TMĐT. Chatbots và trợ lý ảo là ứng dụng phổ biến và có tương tác trực tiếp với khách hàng của doanh nghiệp. Giải pháp chatbots và trợ lý ảo có khả năng xử lý hàng nghìn cuộc trò chuyện cùng một lúc, đáp ứng 24/7, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ mua hàng, và cung cấp thông tin sản phẩm một cách tức thì. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi của khách hàng, giảm bớt gánh nặng cho bộ phận chăm sóc khách hàng và tăng sự thỏa mãn của khách hàng. Theo Juniper Research, việc sử dụng chatbot trong dịch vụ khách hàng có thể giảm chi phí lên đến 30%.

Trong dịch vụ khách hàng, AI có thể tự động hóa quy trình xử lý vấn đề, từ việc xác định vấn đề, đề xuất giải pháp, đến việc thực hiện các bước cần thiết để giải quyết, giảm thiểu sự cần thiết của sự can thiệp từ con người. Ngoài ra, AI có khả năng dự báo và phòng ngừa vấn đề nhờ phát hiện các vấn đề tiềm ẩn trong dịch vụ khách hàng, cho phép doanh nghiệp chủ động giải quyết trước khi chúng trở thành rủi ro lớn.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhờ vào sự hỗ trợ của AI, các doanh nghiệp TMĐT có thể cung cấp dịch vụ khách hàng nhanh chóng, cá nhân hóa và hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự thành công trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ AI trong TMĐT mang lại nhiều lợi ích, hứa hẹn nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Nhưng các doanh nghiệp cũng cần phải đối mặt với những thách thức như chi phí đầu tư, vấn đề về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu, cũng như thách thức về nhân lực chuyên môn. Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi ích của AI trong xu hướng phát triển TMĐT, các doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược từng bước triển khai phù hợp.

Nguồn: Trí tuệ nhân tạo (AI) 'thay máu' doanh nghiệp thế nào?

1thegioi.vn