Trung Quốc mở cửa du lịch: chưa thể đón ngay dòng khách thuần túy

19:28 | 16/01/2023

|
(Tạp chí Du lịch) – Nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên thị trường Trung Quốc (TQ) nhận định, khả năng đón ngay lập tức dòng khách du lịch thuần túy (inbound và outbound) là rất khó, cho dù toàn bộ các hoạt động du lịch đã được TQ mở lại từ 8/1/2023.
Ô tô điện Trung Quốc đang 'đe dọa' lấn lướt các hãng xe châu ÂuÔ tô điện Trung Quốc đang 'đe dọa' lấn lướt các hãng xe châu Âu
YangWang U9: Siêu xe điện nhái Lamborghini đến từ Trung QuốcYangWang U9: Siêu xe điện nhái Lamborghini đến từ Trung Quốc

Trao đổi với Tạp chí Du lịch, bà Nguyễn Lệ Bình, Giám đốc Công ty Du lịch Hải ngoại Quảng Tây (TQ) cho biết, Cục Xuất nhập cảnh TQ đã có văn bản thông báo về việc cho phép làm lại hộ chiếu, visa xuất nhập cảnh sau ngày 8/1, tuy nhiên cơ quan quản lý du lịch hiện vẫn chưa có hướng dẫn. Các doanh nghiệp lữ hành đang chờ thông báo cụ thể từ cơ quan chức năng mới có thể triển khai hoạt động liên quan.

“Sau 3 năm dừng hoạt động, tất cả mọi thứ đều thay đổi, trong đó chuỗi cung ứng dịch vụ, điểm tham quan, khách sạn nhà hàng đóng cửa rất nhiều, nay phải setup lại toàn bộ nên cho dù du lịch mở cửa cũng không thể vận hành ngay mà cần có khoảng thời gian để các đơn vị khôi phục”, bà Bình nói.

Ngay cả với doanh nghiệp Hải ngoại Quảng Tây – một thương hiệu rất mạnh về outbound khách TQ sang Việt Nam cũng như inbound khách Việt Nam sang TQ cũng có sự biến động rất lớn. 3 năm du lịch đóng băng, công ty vẫn duy trì điểm làm việc nhưng toàn bộ nhân sự đã chuyển nghề, đây là một khó khăn lớn khi du lịch khởi động lại, nhất là về hướng dẫn viên tiếng Việt.

“Chúng tôi đang tuyển dụng nhân sự mới, làm mới lại các chương trình du lịch, tuyến điểm truyền thống, kết nối các dịch vụ điểm tham quan, lưu trú… dự kiến ngay sau Tết nguyên đán sẽ tổ chức Famtrip với các DN lữ hành Việt Nam để có sự đánh giá thực tế nhất, từ đó mới bàn thảo các kế hoạch cụ thể các DN 2 bên”, bà Bình cho hay.

Trung Quốc mở cửa du lịch: chưa thể đón ngay dòng khách thuần túy
Phượng Hoàng cổ trấn - một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách du lịch Việt Nam

Một nội dung khác được các DN hết sức quan tâm là vấn đề giá tour khi thị trường được nối lại sau 3 năm gián đoạn. Theo bà Bình, bên cạnh các yếu tố như nguồn cung thiếu, nhân sự biến động thì nhiều thay đổi về tuyến đường vào điểm du lịch (do đường cao tốc mới được đưa vào hoạt động), hoặc thêm tàu cao tốc… dẫn đến khả năng tăng giá là không thể tránh được. Thêm vào đó, nhu cầu du lịch nội địa của người dân tăng lên sau 3 năm “tù chân” vì đại dịch cũng là một lý do khiến giá dịch vụ tăng lên.

“Thời gian này các DN 2 bên đang làm công tác chuẩn bị, về cơ bản các DN đều sẵn sàng, tuy nhiên tín hiệu thị trường cho thấy phải sau ít nhất khoảng 2 tháng nữa hoạt động trao đổi khách mới có thể vào guồng”, bà Bình nói.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế (Lantours) Bùi Tuyết Lan - đơn vị chuyên tổ chức tour Tây Tạng (TQ), thời điểm trước dịch, một tour Tây Tạng (8 ngày 7 đêm) có giá khoảng 28,5 triệu đồng, tuy nhiên thời điểm này chưa thể “chốt” được giá bán là bao nhiêu, do phụ thuộc vào giá vé hàng không đưa ra, vì đặc thù của tuyến Tây Tạng là điểm đến xa, bay nhiều chặng…

Ông Hoàng Hậu Dương, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Continental nhận định, thời điểm TQ mở cửa du lịch cận kề với tết âm lịch – một cái tết đặc biệt quan trọng với người TQ vì đây là tết cổ truyền của họ (phong tục, tập quán đón tết của TQ tương đồng với Việt Nam) nên nhiều người đặt ưu tiên số 1 là về quê sau thời gian dài bị phong tỏa, do đó, du lịch chưa được tính đến.

Mặt khác, ông Dương cho rằng, tại thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 tại TQ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các ca nhiễm tăng cao, nên du khách cũng phải cân nhắc trước khi quyết định đi du lịch.

Chia sẻ về sản phẩm du lịch, Tổng giám đốc Continental cho biết, các DN sẽ vẫn tập trung vào các tour truyền thống như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng cổ trấn, Thiên Môn Sơn, Bắc Kinh -Thượng Hải - Hàng Châu – Tô Châu... “Trước mắt phải nối lại với các đối tác để triển khai dịch vụ vì sau một thời gian dài gián đoạn rất nhiều thứ thay đổi”, ông Dương cho hay.

“Ngay lập tức có sự khởi sắc là rất khó, tuy nhiên đối tượng khách lẻ cũng sẽ tạo ra một không khí khác, bởi du lịch TQ –Việt Nam có lợi thế là điểm đến gần, giá cả vừa phải”, ông Dương cho biết thêm.

Ông Từ Quý Thành, Tổng giám đốc Liên Bang Travel - một doanh nghiệp lữ hành có thế mạnh về thị trường khách tiếng Hoa bày tỏ, hầu như các DN lữ hành tại Việt Nam chuyên về thị trường TQ sẵn sàng, tuy nhiên vẫn phải chờ thông tin chính thức từ phía chính phủ TQ mới có thể triển khai các hoạt động cụ thể. Ông Thành cho biết, hiện tại nhiều đối tượng như công nhân, người lao động, khách du lịch bản địa có nhu cầu đi ra nước ngoài nhưng hộ chiếu đến hạn phải cấp lại, hiện Cục quản lý xuất nhập cảnh TQ bắt đầu cấp lại hộ chiếu, nên cũng cần thời gian để oàn tất các thủ tục cần thiết.

“Đối tượng đầu tiên từ TQ đi ra nước ngoài sẽ là khách thương mại, khách bị kẹt lại do phong tỏa, khách có công việc riêng; đối tượng khách du lịch thuần túy chưa thể đi ngay vì vẫn phải chờ các quy định của TQ cũng như các nước nhập cảnh yêu cầu xét nghiệm như thế nào”, ông Thành nói.

“TQ là thị trường du lịch lớn với khoảng 120 triệu khách đi du lịch nước ngoài mỗi năm (thời điểm trước dịch), trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách đến Việt Nam, đây là thị trường hết sức quan trọng của du lịch Việt Nam. Do đó, TQ mở lại du lịch là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên, sau đại dịch, rất nhiều biến động khó phán đoán. Tôi cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch 2 chiều giữa 2 nước mới chỉ là bước khởi động, chưa thể khởi sắc”, ông Từ Quý Thành nhận định.

Nguồn: Trung Quốc mở cửa du lịch: chưa thể đón ngay dòng khách thuần túy

Viễn Nguyệt

www.vtr.org.vn