Tuổi trẻ Trường Sa 45 năm trước hướng về Tổng tuyển cử: Khát khao cống hiến, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc

12:21 | 05/09/2021

|
Những ngày này 45 năm trước, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Hải quân Cam Ranh đã có nhiều hoạt động thi đua thiết thực chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước. Những hoạt động đó đã thể hiện ước mơ, hoài bão mong muốn được cống hiến sức trẻ trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Hải quân Cam Ranh, trong đó có Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, đơn vị đã tham gia giải phóng Trường Sa. Báo Quân đội nhân dân đầu năm 1976 đã có những bài viết đầu tiên về Trường Sa, ghi lại những tình cảm đó.

Nhân dịp này, Báo QĐND Điện tử xin giới thiệu lại bài viết "Sẵn sàng trở lại Trường Sa" xuất bản ngày 3-4-1976 và "Tuổi của đôi cánh hải âu" xuất bản ngày 2-4-1976 trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày nói về nhiệt huyết tuổi trẻ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Hải quân Cam Ranh thời điểm đó:

Sẵn sàng trở lại Trường Sa

(Viết về Đại đội 1, ba lần được tuyên dương Anh hùng, đã tham gia giải phóng Trường Sa)

Đêm liên hoan nội bộ Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Bộ đội Hải quân Cam Ranh) bắt đầu. Trên sân khấu, cảnh một căn cứ địch, lúc ẩn, lúc hiện theo ánh sáng đèn pha quét ngang, quét dọc. Bốn chiến sĩ đặc công hải quân lướt nhanh như những chiếc bóng, dừng lại trước hàng rào dây thép gai. Người chỉ huy đi đầu, vẫy tay cho đồng đội tiến theo mình. Nhưng bỗng một ánh đèn pha quét tới đúng chỗ 4 người. Họ bị lộ. Các cỡ súng trong căn cứ địch bắn ra ầm ầm. Cả tổ dán mình xuống đất. Một phút trôi qua, người chỉ huy vụt đứng dậy, xông tới sát hàng rào. Vừa tới nơi, anh ngã xuống. Hình như anh bị thương. Đúng anh bị thương mất rồi! Anh cố đứng dậy loạng choạng, lại ngã xuống. Nhưng kìa, anh đã bật dậy lần nữa, vung mạnh tay hạ một mệnh lệnh gì đó cho các chiến sĩ rồi lao người về phía trước. Phút chốc, cả thân người của anh đã vắt gọn qua chiếc hàng rao dây thép gai: Anh lấy thân mình làm cầu để đồng đội vượt hàng rào. Ba chiến sĩ nhổm người lên ngập ngừng. Tình thế không cho phép họ do dự. Họ lao tới bước lên lưng người chỉ huy, xông vào đồn địch. Bóng họ chìm đi. Những luồng đạn của địch bắn ra càng dữ dội. Một phút, hai phút... Chợt một cột lửa bùng lên. Rồi một tiếng nổ dữ dội. Cả căn cứ địch chìm trong biển lửa và khói...

Tuổi trẻ Trường Sa 45 năm trước hướng về Tổng tuyển cử: Khát khao cống hiến, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Bài viết "Sẵn sàng trở lại Trường Sa" đăng tải trên báo Quân đội nhân dân.

Đây là hoạt cảnh "Chiếc cầu người", kể lại chuyện Chính trị viên Tống Như Kiên, một trong những Chính trị viên cũ của Đại đội 1 trong trận đánh vào Cửa Việt năm xưa, khi bị thương đã lấy thân mình làm cầu cho đồng đội vượt rào vào đánh địch. Người xem – toàn là cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, người nhà cả - lặng đi một lát rồi xôn xao, xôn xao. Mấy chiến sĩ mới hỏi:

- Anh Kiên dũng cảm quá nhỉ!

Trên sân khấu lại bắt đầu hoạt cảnh số hai: Giải phóng Trường Sa. Người xem đã được đọc trên báo tường đại đội bài về phân đoàn trưởng thanh niên Đỗ Minh Tâm – người đã tham gia giải phóng đảo X (Trường Sa) – kể chuyện về trận đánh lên đảo X, nên hiểu rất nhanh các tình tiết của màn hoạt cảnh. Đây là các chiến sĩ của Đại đội 1 trên tàu vượt sóng to, gió lớn, một số anh em say sóng, vẫn cố đứng lên để giữ vị trí. Rồi cảnh anh em chèo xuồng cao tốc cao su tiến vào đảo, tháo hơi, giấu xuồng, đổ bộ vào đảo. Trận chiến diễn ra khá gay go. Bọn lính ngụy Sài Gòn nổ súng chống cự. Một chiến sĩ của ta ngã xuống. Người xem đều biết đó là Ngô Văn Quyền, Tổ trưởng tổ 1, nhưng tất cả các mũi tiến công đã đồng loạt xung phong. Kẻ địch bỏ súng, giơ tay xin hàng...

Tuổi trẻ Trường Sa 45 năm trước hướng về Tổng tuyển cử: Khát khao cống hiến, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa canh giữ biển, đảo Tổ quốc.

Màn hoạt cảnh Giải phóng Trường Sa kết thúc trong những tràng vỗ tay kéo dài. Tiếp đó là những màn đồng ca, chèo, độc tấu, đơn ca... Phần lớn các tiết mục đều phản ánh các mặt sinh hoạt và những câu chuyện truyền thống của Đại đội 1. Đây không phải là việc làm ngẫu nhiên, mà là việc làm có chủ trương của đơn vị. Ở Đại đội 1, việc giáo dục truyền thống đặc biệt được chú ý, nhất là với thanh niên, với các chiến sĩ mới. Đại đội 1 và chi đoàn thành niên của đơn vị đã tận dụng mọi hình thức để làm cho thanh niên hiểu được sâu sắc lịch sử của đơn vị. Những bài giới thiệu thành tích đơn giản của chính trị viên. Những tiết mục văn nghệ. Những buổi kể chuyện. Những dịp các anh hùng, các cán bộ cũ về thăm đơn vị. Những bài báo tường. Những bức tranh... Đại đội 1 đã 3 lần được tuyên dương Anh hùng. Lần thứ nhất vào năm 1969. Lần thứ 2 vào năm 1972. Lần thứ 3 là 1975. Những chiến sĩ mới nhất, trẻ nhất đều hiểu rõ vì sao Đại đội 1 được nhiều lần tuyên dương như vậy.

Biết bao chiến công, thành tích và cũng bao hy sinh, tổn thất. Các chiến sĩ trẻ rất đỗi tự hào, nhưng cũng thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Anh em bảo nhau:

- Chúng ta phải làm sao để xứng đáng là chiến sĩ của đơn vị được ba lần tuyên dương Anh hùng.

Chi đoàn thanh niên đã chỉ cho anh em thấy rõ: Để xứng đáng là chiến sĩ Đại đội 1 ba lần Anh hùng, phải luôn luôn nêu cao lý tưởng cách mạng của thanh niên. Chính vì xác định rõ lý tưởng và quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng mà chúng ta đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, Đại đội 1 đã xây dựng được truyền thống vẻ vang. Ngày nay cũng vậy, xác định rõ lý tưởng, tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng, đó là hành động cách mạng, là sức mạnh của Đại đội 1 ta để giữ vững và phát huy truyền thống, để hoàn thành nhiệm vụ của tuổi trẻ trong thời kỳ cách mạng mới.

Quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng phải được thể hiện bằng hành động. Qua những cuộc diễn đàn về nghĩa vụ lớn của thanh niên hiện nay, qua nhiều cuộc họp bàn về quyết tâm “sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất kỳ nhiệm vụ gì, khó khăn, gian khổ mấy cũng vượt qua”, chi đoàn đã quyết nghị rõ ràng:

- Sẵn sàng ra đảo Trường Sa lần hai nếu có lệnh; có lệnh, chỉ sau 3 phút, có thể lên đường. Sẵn sàng ở lại đảo lâu dài, làm nhiệm vụ bảo vệ đảo lâu dài.

- Sẵn sàng đi bất kỳ nơi nào khác theo yêu cầu của cách mạng, lên biên giới, đi lao động sản xuất ở nơi khó khăn nhất.

- Trước mắt, ra sức học tập kỹ thuật, chiến thuật, nâng cao bản lĩnh chiến đấu và trình độ mọi mặt bắn giỏi, bơi giỏi, sức khỏe giỏi, rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật và nếp sống cách mạng, sẵn sàng đáp ứng với mọi nhiệm vụ mới.

Tất cả đoàn viên và thanh niên đều viết quyết tâm thư gửi chi bộ và cấp trên, dẫn đầu chính là những chiến sĩ tham gia chiến đấu giải phóng Trường Sa và lập thành tích xuất sắc: Đào Mạnh Hống, Nguyễn Sĩ Niệm, Đỗ Minh Tâm, Lê Hồng Thái...

Ở trên đất Cam Ranh này, trong khu doanh trại tương đối đầy đủ về tiện nghi sinh hoạt, tuổi trẻ Đại đội 1, cũng như các đơn vị Hải quân khác không có tư tưởng “bám rễ tại chỗ để an cư, lạc nghiệp”, mà luôn luôn hướng về những nơi, những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhất, trước hết là Trường Sa. Hướng về Trường Sa bằng những hành động, thành tích cụ thể: Trong kỳ hội thao Quyết thắng của Bộ đội Hải quân Cam Ranh, về các môn thi, Đại đội 1 đã dẫn đầu nhiều môn. Bắn súng bài 1: Đơn vị đạt loại giỏi. Bơi 100% đạt yêu cầu, có 90% đạt giỏi và khá.

Nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 đều có một điểm không hài lòng trong hội thao Quyết thắng, Đại đội 1 còn xếp sau Đại đội 4, đơn vị dẫn đầu hội thao. Chỉ kém “nửa bánh xe” thôi. Nhưng thế cũng đủ để Đại đội 1 “ăn không ngon, ngủ không yên”. Họ quyết tâm vượt lên trong cuộc thi đua đang tiếp diễn. Họ đang tự đặt ra cho mình những yêu cầu cao nhất, đang lao vào tập luyện trong mọi thời tiết. Mưa to, gió lớn vẫn tập, càng phải tập! Rét quá, lên bờ đốt lửa sưởi rồi lại lao xuống nước. Gặp dông cứ bơi, có khi cơn dông làm nát đội hình, đơn vị phải chèo xuồng đi vớt các chiến sĩ mới. Nhưng buổi bơi vẫn cứ tiếp tục...

Bài hát truyền thống của Đại đội 1 ngày ngày vang lên giục giã: “...Tim ta mang truyền thống đơn vị Anh hùng, noi gương những người đi trước, tô thắm thêm trang sử huy hoàng...”.

Vũ Hồ

Tuổi của đôi cánh hải âu

Hải quân đánh bộ hay hải quân lục chiến, cái tên chưa được thống nhất trên báo chí, nhưng tuổi trẻ của họ, tuổi của đôi cánh hải âu thì đã được khẳng định sức mạnh vượt đại dương, cũng có nghĩa là sức mạnh vượt bất kỳ khó khăn nào của bão táp xa khơi, của bom đạn ác liệt, đi bất cứ nơi đâu theo mệnh lệnh của Tổ quốc.

Tôi muốn nói về những chiến sĩ hải quân Cam Ranh đã bền bỉ rèn luyện ngày đêm, nhanh chóng tạo cho mình một bản lĩnh chiến đấu tuyệt diệu Việt Nam, để thực sự làm chủ toàn bộ vùng biển giàu có của Tổ quốc thân yêu.

Sự thật đã thuyết phục chúng tôi. Những chiến sĩ mới nhất ở đây hôm nay như Nguyễn Duy Hiệu, Trần Ngọc Thương chẳng hạn, quê nhà có con suối cạn xắn quần lội qua, có biết bơi lội là gì, mà bây giờ lao xuống biển, lướt trên sông nước Cam Ranh cũng có thể bơi một mạch 5 ki-lô-mét, thả ngầm dưới nước đã bắt trúng được mục tiêu giữa biển và mục tiêu ven bờ. Còn đối với những đồng chí "nhập ngũ từ năm 1974 trở về trước, thì bơi 20 ki-lô-mét là chuyện bình thường, các khoa mục cả dưới nước và trên cạn đều thành thạo. Đồng chí nào cũng đã được góp phần mình vào thành tích của đơn vị diệt hơn 300 tàu chiến của Mỹ - Ngụy trước đây. Nguyễn Văn Thạch, người chiến sĩ đã tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây, kể rằng có thể bơi cả ngày, miễn là đến bữa được ăn uống. Hỏi: Ăn như thế nào? Trả lời: Vừa bơi vừa ăn.

Tuổi trẻ Trường Sa 45 năm trước hướng về Tổng tuyển cử: Khát khao cống hiến, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Các chiến sĩ Hải quân Cam Ranh chuẩn bị luyện tập.

Đại đội 1, đơn vị đã được tuyên dương Anh hùng lần thứ 3 thì đều giỏi cả, bơi nhanh lẫn bơi dai sức, tập chiến đấu xuất sắc như chiến sĩ đặc công nước và ở trên bờ thì chạy vũ trang, thi chiến đấu như một chiến sĩ đặc công khô, đánh các loại mục tiêu đều tài giỏi. Đào Mạnh Hống, Trung đội trưởng của trung đội có thành tích huấn luyện cao nhất, nói rất có lý:

- Người chiến sĩ muốn làm tròn nhiệm vụ thì không thể cứ nói cho thật kêu lên rằng: “Sống có lý tưởng, sống có lý tưởng” là đủ. Anh bảo anh sẽ đi bất cứ vùng biển đầy bão táp nào, sẽ khắc phục bất cứ khó khăn nào đề giữ gìn trọn vẹn biển trời Tổ quốc, mà anh lại không chăm lo tập luyện, bơi vài ba cây số đã thấy mệt, chạy vài ba cây số đã thở hồng hộc, thì làm sao có thể thực hiện lý tưởng chiến đấu của mình. Thanh niên phải giàu ước mơ, nhưng chỉ ước mơ không thôi thì những điều mình mơ ước chẳng bao giờ đến cả. Nó chỉ đến bằng thực tiễn phấn đấu của đời mình. Ví như ở đơn vị tôi, các đồng chí Đức, Ninh, Tràng, Cơ, Tám, Học, Điều... là những người đã được đi giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa... thì trước hết có quyết tâm cao, nhưng lại nói về hành động chiến đấu dũng cảm và tài giỏi. Giải phóng Trường Sa, tàu có cập bờ mà đổ bộ được đâu. Thuyền cao su cũng không sử dụng được, vì bị san hô cứa thủng. Bản lĩnh chiến đấu của các đồng chí ấy đã khắc phục được mọi khó khăn cả dưới nước, lẫn trên cạn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng đảo trong một đêm. Quyết tâm cao mà anh không có biểu hiện trong rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chiến đấu, thì quyết tâm của anh chỉ có giá trị “hô khẩu hiệu” thôi.

Anh hùng Đỗ Việt Cường, Đại đội phó Đại đội 1 anh hùng, kể rằng, các chiến sĩ mới bổ sung chỉ mong được thay thế cho các đơn vị ngoài quần đảo Trường Sa. Chúng tôi hỏi:

- Anh em đã biết cuộc sống ngoài Trường Sa như thế nào chưa?

- Biết chứ, đồng chí Cường nói quả quyết. Biết rõ nữa là khác. Bởi vì trong đơn vị chúng tôi, từ cán bộ tiểu đội trở lên, hầu hết đã tham gia giải phóng Trường Sa, rồi nhận nhiệm vụ chốt giữ ngoài đó suốt thời gian nhiều sóng gió nhất. Phải xông pha bãi cát ra sao? Phải tắm bằng cát như thế nào? Rồi cuộc sống thiếu biết bao thứ không thể khắc phục được... tất cả ai cũng đều đã trải qua hoặc nghe kể lại tường tận. Nhưng chẳng vì thế mà giảm quyết tâm. Anh em nói: “Được ở binh chủng Hải quân đánh bộ này mà lại không được thử thách ở Trường Sa thì có thể nói chưa trọn vẹn phận sự của mình”.

Tuổi trẻ Trường Sa 45 năm trước hướng về Tổng tuyển cử: Khát khao cống hiến, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Bài viết "Tuổi của đôi cánh hải âu" trên ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân hằng ngày xuất bản ngày 2-4-1976.

Hai anh em Nguyễn Đăng Giao và Nguyễn Đăng Hùng cũng rất mong muốn được ra Trường Sa. Đó là hai chiến sĩ có thân hình vạm vỡ, nước da cháy nắng, chứng tỏ đã trải qua rất nhiều ngày giãi dầu sóng gió thao trường. Quê hương ở vùng biển Khánh Hòa. Giao cũng như Hùng đều hiểu rất rõ cảng Cam Ranh giàu có với những sản phẩm nổi tiếng như “nai khô Diên Khánh, tôm hùm Bình Ba”, với diện tích vịnh đủ chỗ đậu cho một hạm đội lớn, với lượng san hô có thể làm phân bón đủ cho toàn bộ đất đai trồng trọt miền Trung, có 8 ki-lô-mét bờ biển cát đã đóng cục lấp lánh như pha lê với trên dưới 5 triệu tấn cát dùng cho công nghiệp thủy tinh... Nhưng, cả hai anh em đều sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của bất cứ vùng biển nào của Tổ quốc, đi ra Trường Sa... Và muốn đạt được nguyện vọng ấy, thì phải khổ công rèn luyện làm chủ sóng nước. Dẫu cho đã quen như đi trên cạn qua vùng biển Nha Trang, Hòn Tre những năm đánh Mỹ, nhưng bây giờ yêu cầu kỹ thuật và chiến thuật, vẫn đòi hỏi hai con cá kình này những cố gắng, nhiều khi không tưởng tượng nổi. Hùng kể rằng, những ngày đầu tập thả bắt mục tiêu, nước tràn vào miệng cứ phải nuốt. Có buổi tập nuốt đến no cả bụng. Nước mặt chát, thành ra ở dưới nước mà thấy khát đắng cổ? Nhưng có tập nuốt như thế thì mới giữ được bí mật. Hàng tháng trời vật lộn với sóng nước dần dần cũng quen đi, bớt để cho nước tràn vào miệng. Rồi phải luyện chịu đựng những tiếng nổ trong nước ra sao, luyện chiến đấu chống người nhái của địch như thế nào... Tôi hỏi thăm về tình hình cá mập ở cảng Cam Ranh, hỏi xem khi tập luyện có cần đề phòng không, anh em có ai lo lắng không? Hùng nói ngay.

- Chúng tôi biết là trước đây bọn Mỹ đã nuôi cá mập ở trong vịnh. Cứ ngày ngày ném cả con lợn xuống cho cá mập ăn. Chúng nó sợ đặc công nước của ta đột nhập bằng đường dưới nước. Nhưng đã là đặc công nước thì không sợ cá mập, ta có cách trị nó; đối với người chiến sĩ ở binh chủng chúng tôi, thì cũng như vậy.

Hùng liền kể đến các trận đánh của đơn vị mà anh đã được nghe. Chuyện các dòng chí đã phải chống chọi với cá sấu, cá mập ra sao? Chuyện các anh hùng như đồng chí Nguyễn Văn Tình, đánh chiếc tàu đầu tiên mắc cạn ở Cửa Việt, đồng chí Hoàng Kim Nông đem vũ khí của mình đi diệt tàu địch, diệt xong cái thứ nhất quay về lại đem vũ khí của bạn đi diệt luôn cái thứ hai trong đêm; đồng chí Nguyễn Hồng Lễ đánh một trận diệt 7 tàu địch... ai cũng đều đã gặp những khó khăn gấp mấy lần phải chống chọi với cá mập, mà vẫn vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ. Hùng vui vẻ nói:

- Chúng tôi không muốn phải loại khỏi vị trí chiến đấu, không vượt được sông biển, chỉ vì sợ cá mập.

Tuổi của đôi cánh hải âu! Những ngày đầu đến đây, chúng tôi đã nghĩ nhiều về câu nói thật là đẹp ấy của đồng chí Chính ủy Lữ đoàn, khi đồng chí ấy muốn hình tượng hóa sức trẻ của các chiến sĩ trong đơn vị mình. Càng sống ở đây, chúng tôi càng được thuyết phục bởi một nếp sống cách mạng rất chặt chẽ mà cũng rất sinh động. Mỗi chiến sĩ trẻ dù là cũ hay mới, có thể khác nhau một phần về trình độ và thành tích chiến đấu, nhưng anh em rất giống nhau trong niềm suy nghĩ về nhiệm vụ và lẽ sống: Nguyễn Thái Học đã được khen thưởng trong trận giải phóng đảo Trường Sa, tâm sự rằng:

- Tôi nghĩ về Trường Sa như nghĩ về một miền quê vô cùng thân thiết vậy. Bởi vì ở đây có dấu tích của lịch sử cần được bồi đắp, ở đây đồng đội của tôi đã đổ máu mới giành lại được; bởi vì ở đây tình thương yêu như là một cốt cách huyết thống, như vốn dĩ sinh ra đã như vậy khi chúng tôi không cần một cái gì cho riêng mình, không đành lòng chỉ biết sống riêng mình; bởi vì ở đây, chúng tôi sống cuộc sống không chỉ có sóng gào bốn phía, ra san hô vào vẫn chỉ san hô, mà cuộc sống tập thể rất vui...

Tuổi trẻ của đôi cánh hải âu! Câu nói của đồng chí Chính ủy Lữ đoàn như đang bay trong tâm hồn các chiến sĩ hải quân Cam Ranh, bay tới khắp mọi vùng sóng gió mà Tổ quốc kêu gọi!

Khánh Vân

Nguồn: Tuổi trẻ Trường Sa 45 năm trước hướng về Tổng tuyển cử: Khát khao cống hiến, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc

Tuấn Sơn

qdnd.vn