Abe Shinzo: Người đi giữa những "tương phản" của xã hội Nhật Bản

11:10 | 12/07/2022

|
Cả nước Nhật bị hai phát súng làm cho vừa bàng hoàng vừa tỉnh thức. Sẽ không còn là Nhật Bản của những ngày chưa có việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát.

Xã hội Nhật Bản sau vụ việc này sẽ nhìn nhận sâu sắc hơn về những mảng màu tương phản, về kinh tế, xã hội, an ninh, về phân cách giàu nghèo...

Tôi cũng là một người nằm trong số người yêu thích Abe Shinzo - vì ông yêu mến đất nước và con người Việt Nam. Trong nhiệm kì của mình, cựu Thủ tướng Abe đã đưa ra chính sách kinh tế xã hội được nhiều người khen, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối.

Chủ đề về những sự tương phản trong xã hội, trong chính những con người Nhật Bản có lẽ khó có thể nói hết cho thấu đáo.

Abe Shinzo: Người đi giữa những "tương phản" của xã hội Nhật Bản

Sự kiên cường của người Nhật

Sự kiên cường của người Nhật được tôi rèn qua nhiều thử thách thiên tai, qua nhiều nhịn nhục để vươn lên sau chiến tranh, và khiến cả thế giới khâm phục với tốc độ phát triển thần kì trong những năm 1950-1970.

Sự kiên cường của người dân đối mặt với thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 khiến hơn 20 ngàn người chết và mất tích, cùng với thiệt hại kinh tế nặng nề - mà vẫn phải tiếp tục khắc phục cho đến tận ngày hôm nay… cũng làm thế giới ngả mũ.

Những con người kiên cường như vậy thì đương nhiên, Thủ tướng của họ cũng không thể không "ganbaru" - cố gắng.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ, Thủ tướng Abe đã có chuỗi làm việc gần 150 ngày không nghỉ. Một thủ tướng kiên cường nhanh nhẹn, có mặt bất cứ khi nào đất nước cần, là hình ảnh đẹp làm an lòng người dân.

Chuỗi làm việc này đã khiến sức khỏe ông Abe bị ảnh hưởng và sau đó ông từ chức, nhường lại ghế nóng cho ông Suga - người kế cận hiểu rất rõ các chính sách Abenomics, kiên quyết đi theo con đường này với một vài chỉnh sửa.

Làm việc chăm chỉ là một "bitoku" - đạo đức đẹp của người Nhật, nhưng còn là đặc tính kiên cường ở một đất nước tài nguyên không có gì ngoài con người, và một xã hội lấy sự tự lực, kỉ luật làm trọng.

Cựu Thủ tướng Abe ra đi khi ông đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng là ủng hộ các ứng viên của đảng Dân chủ tự do (LDP) trong đợt bầu cử Thượng viện. Ông Abe vẫn canh cánh việc sửa điều 9 Hiến pháp - mà theo ông, nước Nhật sẽ trở nên có vị thế quốc tế hơn, mạnh mẽ hơn nhờ điều đó.

Biết cúi đầu, khiêm nhường

Không hẳn là một sự tương phản tuyệt đối, mà có thể là sự tương phản liên đới: Khi mạnh mẽ, kiên cường thì đồng thời người ta biết giá trị của sự hòa giải, sự khiêm nhường để cúi đầu đúng lúc.

Abe Shinzo: Người đi giữa những "tương phản" của xã hội Nhật Bản

Cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo sinh ra trong một gia đình 3 đời làm chính trị. Ông nội là nghị sĩ Kan Abe, một người đầy ảnh hưởng hồi thập niên 1930 và đầu những năm 1940. Ông ngoại là cố Thủ tướng Kishi Nobusuke (nhiệm kỳ 1957 - 1960) và cha là cố Ngoại trưởng Shintaro Abe (nhiệm kỳ 1982 - 1986). Xuất thân từ danh gia vọng tộc, ông Abe cũng sớm bước chân vào chính trường và từ năm 1993 đã thăng tiến liên tục trong đảng LDP.

Năm 1993, ông Abe được bầu vào Hạ viện và sau đó giữ nhiều chức vụ trong chính phủ. Đến năm 2003, ông trở thành Tổng thư ký LDP. Năm 2006, sau khi ông Junichiro Koizumi rời chức lãnh đạo LDP, ông Abe được bầu thay vào vai trò Thủ tướng.

Ông Abe là một chính trị gia cởi mở, gần gũi và cho người dân cảm giác hòa đồng. Ông biết cúi đầu thấp hơn người nông dân, biết cúi đầu lắng nghe để hòa giải một phần với Hàn Quốc, biết cúi đầu để tự rời bỏ chức vụ khi thấy sức khỏe không cho phép làm việc với sự tận lực.

Người dân đều đánh giá khá cao những lần phải rời vị trí của ông Abe Shinzo vì sự khiêm nhường cống hiến ấy cho dân tộc và đất nước Nhật Bản.

Nhiều thông điệp chính trị đều xuất phát từ văn hóa lâu đời - liên quan đến tôn sùng danh gia vọng tộc nhưng lại muốn sự hài hòa, bình dân. Abe Shinzo là con người hội tụ được cả hai yếu tố đó. Điều này giải thích một phần vì sao ông là người tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại với cương vị người đứng đầu đất nước.

Người dân Nhật vốn hiền hòa, tốt bụng và rất khiêm nhường cho dù họ có là những tài năng ẩn dật trên nhiều lĩnh vực. Sự khiêm nhường và biết cúi đầu vươn lên của Nhật Bản có lẽ cần vực dậy nhiều hơn nữa trong bối cảnh xứ anh đào đang có rất nhiều thử thách phải vượt qua.

Hy vọng quyết tâm ấy sẽ khiến người Nhật tiếp tục tinh thần kiên cường và khiêm nhường để vượt qua những ngày đau thương này.

Kỳ tới: Ông Abe với mong muốn một “Nhật Bản hùng cường trở lại”

Nguồn: Abe Shinzo: Người đi giữa những 'tương phản' của xã hội Nhật Bản

Nguyễn Việt Hà

vietnamnet.vn