An Giang: Bảy Núi mùa vắng những cơn mưa

16:20 | 31/03/2023

|
Khi tiết Xuân mát mẻ đi qua, vùng Bảy Núi dần bước vào mùa khô, với những nét độc đáo từ cảnh vật và cuộc sống người dân. Đó là thời điểm Bảy Núi nhộn nhịp nhất trong năm và những đặc sản cũng dần bước vào mùa.
An Giang nỗ lực đưa hàng Việt về nông thônAn Giang nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn
An Giang: Bánh Kà tum – Nét ẩm thực độc đáo của đồng bào  dân tộc thiểu số KhmerAn Giang: Bánh Kà tum – Nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Sức nóng của đất trời

Những ngày nắng cháy, dạo quanh mấy con đường nắng đổ ở vùng Bảy Núi, mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dưới đồng bằng, cây cối còn níu kéo được màu xanh. Trên non cao, chỉ còn những cành khô trụi lá. Lang thang ở vùng Bảy Núi vào buổi trưa, đôi mắt của tôi cứ hấp háy bởi những cơn gió nóng hầm hập thổi. Đó đây, vẫn thấy những rẫy khoai mì phủ màu xanh giữa mênh mông cát trắng.

Đã 6 năm, ông Chau Xinh (ngụ xã An Cư, huyện Tịnh Biên) gắn bó với cây khoai mì công nghiệp. Mảnh đất rộng chừng 1 mẫu nép mình bên Tỉnh lộ 949 của ông dường như chỉ hợp với cây khoai mì. Ông Chau Xinh cho biết: “Hồi trước, trồng lúa không có ăn. Từ ngày chuyển qua khoai mì mới có đồng lời. Năm nào thất, bỏ túi khoảng 2 triệu đồng/công. Có năm tui còn lời nhiều hơn. Muốn trồng lúa, phải đợi mưa già nhưng đồng lời không đủ ăn. Mấy đứa con đi làm ở xa hết rồi, mình ở nhà sống với mấy công khoai mì, không lo đói”.

Nông dân ở vùng Bảy Núi thu hoạch lúa mùa trong những tháng mùa khô

Tu một hơi cạn chai nước, Chau Xinh chỉ tay lên núi Phú Cường. Ông cho biết vào cao điểm mùa khô, cây cối trên núi chỉ toàn “chìa gai”. Phải đợi mưa vài đám, màu xanh mới trở lại với non cao. Trước mắt chúng tôi, dãy núi Phú Cường như co mình lại trước cái nắng ban trưa đổ lửa. Trên trời, không gợn đám mây. Dưới chân, cát nóng hôi hổi. Giữa không gian tĩnh lặng, câu chuyện của chúng tôi lẫn vào tiếng ve đầu mùa ra rả.

“Vùng này mùa nắng khắc nghiệt lắm. Hồi trước, bước qua tháng Giêng là dân lo thiếu nước. Bây giờ, cuộc sống tiện nghi hơn, ống nước máy chạy tới nhà nên đời sống người dân đỡ cực hơn nhiều. Chỗ tôi làm rẫy thì ít nước, chứ xuống tới ấp Pô Thi hướng chạy về ấp Tà Lọt (xã An Hảo), người ta làm ruộng giữa mùa khô là chuyện bình thường. Ở đó có Trạm bơm 3/2 nên người dân có thể trồng lúa hay đậu phộng, nhờ vậy mà đồng vô của họ có quanh năm” - Chau Xinh thật tình.

Như lời Chau Xinh nói, cánh đồng Vĩnh Thượng (xã An Cư) những ngày này vẫn xanh màu lúa. Đến đây, cứ nghĩ mình đang ở đồng bằng trù phú, bởi giữa cái nắng tháng 3 mà ruộng lúa vẫn trải ngút tầm mắt. Dưới nắng trưa, máng nước của hệ thống Trạm bơm 3/2 hiện ra như minh chứng cho khát vọng, nỗ lực của bao thế hệ người Tịnh Biên, quyết tâm mang nước từ đồng bằng lên tắm mát vùng “sa mạc trắng” này.

Hiện nay, Tịnh Biên có những trạm bơm thủy lợi “vùng cao” đã phát huy tác dụng là: Hệ thống Trạm bơm 3-2, Trạm bơm Văn Giáo và Trạm bơm Vĩnh Trung. Những trạm bơm này đã góp phần giải tỏa “cơn khát” kéo dài của vùng đất khô cằn thuộc 3 xã: An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo; nơi mà trước đây cây lúa, cây màu của người dân chỉ sống bằng “nước trời”. Riêng hệ thống Trạm bơm 3-2 với tổng công suất thiết kế ban đầu đủ khả năng bơm tưới cho khoảng 1.500ha đất mùa trên, đến nay đã giải được một phần bài toán nước sản xuất mùa khô cho người dân.

Nhờ công trình thủy lợi, lúa vẫn xanh đồng trong những tháng mùa khô ở vùng Bảy Núi

“Sức nóng” của hoạt động du lịch

Dù thời tiết có phần khắc nghiệt, nhưng vùng Bảy Núi trở nên nhộn nhịp hơn trong những tháng mùa khô, bởi hoạt động hành hương của du khách. Theo thói quen, phần nhiều du khách ngoài tỉnh khi đến An Giang viếng Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) sẽ tiện đường vào vùng Bảy Núi. Bởi lẽ, nơi đây có núi Cấm hùng vĩ quanh năm mát mẻ, có những ngôi chùa kiến trúc đẹp và cảnh sắc nên thơ.

Ông Nguyễn Văn Hùng (làm nghề vận chuyển hành khách ở núi Cấm) cho biết: “Từ Tết Nguyên đán tới giờ, thu nhập của tôi khá hơn. Bình quân mỗi ngày, tôi chạy 5 - 7 chuyến đưa khách lên, xuống núi Cấm cũng đủ tích lũy cho những tháng mùa mưa. Bởi vậy, thu nhập người dân ở đây sẽ khấm khá hơn trong mùa khô. Ngoài chạy xe kiếm sống, có người nhờ vào buôn bán mà tăng thêm thu nhập. Sang mấy tháng mùa mưa, dù thời tiết mát mẻ, nhưng đời sống người dân có phần khó khăn hơn”.

Ông Hùng cho hay, du khách lên núi Cấm một phần để ngắm cảnh đẹp và viếng chùa, một phần vì khí hậu nơi đây mát mẻ hơn so với phần còn lại của vùng Bảy Núi trong mùa khô. Đến những tháng mưa, núi Cấm nhiều mây, cảnh vật đẹp hơn nhưng “buồn” hơn, vì lượng khách không đông đúc như mùa hành hương.

Bên cạnh hoạt động du lịch, mùa khô cũng là lúc cây thốt nốt vào thời điểm thu hoạch rộ. Anh Nguyễn Văn Hải (người dân xã An Phú, huyện Tịnh Biên) vốn gắn bó với nghề leo thốt nốt hơn 20 năm. Anh Hải cho biết: “Mùa nắng, thốt nốt cho nước khá, nên mỗi cây có thể thu được 4 - 5 lít nước mỗi ngày. Tui leo 40 - 50 cây nên nguồn thu cũng khá. Nước thốt nốt mang về, lấy một phần giao cho người bán nước giải khát với giá 5.000 đồng/lít, còn lại đem đi nấu đường. Tháng nắng, đường thốt nốt đượm lắm, khoảng 5 - 6 lít sẽ cho ra 1kg đường. Mưa xuống, cây thốt nốt vẫn cho nước, nhưng mình phải nấu gần 10 lít mới được 1kg đường nguyên chất. Mùa khô, khách đến Bảy Núi viếng chùa rồi họ mua đường thốt nốt làm quà, nên đời sống của tui cũng khá hơn”.

Dù mùa khô ở vùng Bảy Núi có phần khắc nghiệt, nhưng vẫn mang lại sinh kế cho người dân địa phương. Đó là nét riêng, tạo nên ấn tượng đặc biệt cho du khách về cái nắng, cái gió đặc trưng miền sơn dã. Từ đó, giúp họ tiếp cận vùng đất này một cách đầy đủ hơn, trước khi những đám mây mang mưa về tắm mát non cao.

Nguồn: Bảy Núi mùa vắng những cơn mưa

THANH TIẾN

baoangiang.com.vn