An Giang: Du lịch với những tín hiệu vui

04:30 | 06/02/2023

|
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng du khách đến An Giang tham quan, chiêm bái, khám phá tiếp tục tăng cao so với những năm trước. Đây là tín hiệu vui cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch (DL) sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
An Giang: Khai thác dư địa phát triển ngành nông nghiệpAn Giang: Khai thác dư địa phát triển ngành nông nghiệp
An Giang thực hiện động bộ các giải pháp phát triển nông nghiệpAn Giang thực hiện động bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp

Là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực đa dạng, văn hóa phong phú, An Giang luôn là điểm đến hấp dẫn để du khách trong và ngoài nước đến khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực... Chị Lê Thúy Loan (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình gồm 6 người, đã dành 3 ngày nghỉ Tết (mùng 2 đến mùng 4 Tết) để vừa chiêm bái, vừa khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của An Giang. Các thành viên trong gia đình đến hầu hết các điểm tham quan nổi tiếng, như: Chợ nổi Long Xuyên, chợ Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứa núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư và các điểm DL ở huyện Tri Tôn. “Chúng tôi nghỉ 1 đêm ở Châu Đốc và 1 đêm trên núi Cấm. Ở An Giang, phong cảnh rất đẹp và độc đáo. Các món ăn ở đây rất ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị với mọi người. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại vùng đất hiền hòa này cùng những người bạn vào dịp gần nhất” - chị Thúy Loan chia sẻ.

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, An Giang đón khoảng 7,5 triệu lượt khách (tăng 127% so năm 2021). Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 280.000 lượt khách (tăng 73%); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 370.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 4.700 tỷ đồng (tăng 119%).

Đặc biệt, lượng khách đến tham quan các điểm DL, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên 500.000 lượt, tập trung nhiều ở núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp, các điểm tham quan cù lao Giêng, các điểm tham quan cụm các hồ ở huyện Tri Tôn... Đặc biệt, lượng khách DL đến An Giang vào mùng 4 Tết cao hơn nhiều so với các ngày còn lại, do những ngày cuối kỳ nghỉ, người dân có nhiều thời gian dành cho hoạt động tham quan, DL…

Nhiều khu, điểm tham quan, du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút du khách

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, các khu, điểm DL tập trung đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, thiết kế cảnh quan kết hợp phát triển dịch vụ ẩm thực, mua sắm đa dạng để thu hút du khách tham quan. “Để thu hút du khách, chúng tôi tập trung “phủ xanh” khu tham quan sinh thái Mỹ Luông và bổ sung thêm nhiều hoa, cây cảnh và trang trí lại các khu vực “check-in”. Ngoài ra, đưa vào hoạt động Khu du lịch sinh thái Cồn Én. Vào dịp Tết Nguyên đán 2023, cả 2 điểm đón khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Sau Tết, tuy lượng khách có giảm nhưng vẫn tăng cao so với năm trước, duy trì khoảng 1.000 lượt khách mỗi ngày. Tín hiệu khách DL phục hồi rất lạc quan, đặc biệt là khách nội tỉnh, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19” - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông Phan Văn Khánh thông tin.

Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và con người nghĩa tình, An Giang luôn là nơi thu hút du khách bởi sự độc đáo, hấp dẫn với những điểm DL khám phá thiên nhiên, di sản, không gian văn hóa và các loại hình DL sinh thái cộng đồng. Không những thế, các loại hình DL, như: Homestay, trekking, caravan… phát triển trong thời gian gần đây, góp phần thu hút du khách đến với An Giang.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, để xây dựng DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, An Giang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm DL đặc trưng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn, ưu tiên phát triển DL văn hóa làm nền tảng.

Đồng thời, phát triển các loại hình DL mới trên cơ sở khai thác tài nguyên và gắn kết các sản phẩm liên ngành, hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, tạo giá trị gia tăng cho ngành DL, như: DL làng nghề, DL ẩm thực, DL trải nghiệm, caravan hay DL sinh thái, DL cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng loại hình DL gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; lễ Dolta, hội đua bò Bảy Núi, Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; Lễ hội văn hóa búng Bình Thiên…

An Giang tiếp tục phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin - viễn thông, hạ tầng DL và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm DL. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh DL, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng làm DL cho xã hội. Từ đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm DL đặc thù của từng địa bàn nhằm thu hút thêm du khách đến với An Giang.

Với những tín hiệu vui đầu năm mới, DL An Giang kỳ vọng tạo ra đột phá với mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách và đạt doanh thu 5.500 tỷ đồng từ hoạt động DL.

Nguồn: Du lịch An Giang với những tín hiệu vui

Trung Hiếu

baoangiang.com.vn