An Giang giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:10 | 30/12/2023

|
Với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội, việc triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đạt nhiều kết quả. Qua đó, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS.
An Giang: Trao phiên bản Sắc Phong cho các đình thầnAn Giang: Trao phiên bản Sắc Phong cho các đình thần
An Giang: Thương mùa gió mát cuối nămAn Giang: Thương mùa gió mát cuối năm

Thống kê năm 2020, dân số An Giang có gần 1,91 triệu người, với 71,61% sống ở khu vực nông thôn, 28,39% sống ở thành thị. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, các DTTS chiếm 5,26% dân số của tỉnh, chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer, Chăm, Hoa và 25 DTTS khác. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; các cấp, ngành tập trung nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Qua đó, nâng cao mức sống người dân các vùng, miền; có tác động tích cực đối với chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo, nhất là ở vùng DTTS và biên giới, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động.

Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS, nhằm nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và giảm nghèo. Tỉnh đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS. Năm 2022 - 2023, tổng kinh phí phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS trên 30,1 tỷ đồng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên đổi mới, đa dạng hình thức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh và người lao động là đồng bào DTTS.

Kết quả, đã giúp đồng bào kịp thời tiếp cận thông tin tuyển sinh học nghề, chính sách hỗ trợ đào tạo, lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình và yêu cầu của thị trường lao động. Giai đoạn 2019 - 2023, An Giang tuyển sinh đào tạo hơn 4.200 học sinh, sinh viên, học viên là đồng bào DTTS. Triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 3.090 người; chính sách nội trú cho khoảng 367 lượt học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12,5 tỷ đồng.

Phiên giao dịch việc làm tại huyện An Phú

Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và phát triển thị trường lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; kịp thời chia sẻ thông tin lên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để kết nối trực tuyến người lao động và doanh nghiệp (DN). Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để chuyển tải thông tin về thị trường lao động. Giai đoạn 2019 - 2023, đã phối hợp với các địa phương tổ chức 73 điểm, cụm tư vấn và 37 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố, có 1.284 DN và 25.282 lao động tham gia (lao động đăng ký tìm việc làm 7.385 lượt người, lao động được tư vấn trực tiếp 12.931 lượt người).

Toàn tỉnh An Giang có 1.851 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nga, Indonesia… “Tham gia phiên giao dịch việc làm, em được tìm hiểu và được tư vấn ngành nghề phù hợp với khả năng của mình. Em rất mừng vì đã chọn được công việc phù hợp để có thu nhập” - chị Mary Mơ (đồng bào DTTS Chăm, huyện An Phú) cho biết.

Tuy nhiên, việc tạo việc làm ổn định cho đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn, một phần do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhiều DN thu hẹp sản xuất. Trong khi đó, chất lượng lao động còn hạn chế, một bộ phận đồng bào DTTS chưa chủ động trong việc học tập, lựa chọn nghề nghiệp, tìm việc làm…

Thời gian tới, An Giang chú trọng quản lý chặt chẽ các nguồn lực đầu tư, tập trung quản lý các nguồn kinh phí hỗ trợ và đề xuất cấp thẩm quyền điều hòa, cân đối, phân bổ phù hợp, tránh chồng chéo, phân tán… Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống của đồng bào DTTS; khuyến khích hợp tác đầu tư sản xuất, thương mại, dịch vụ, đề cao ý thức tự vươn lên của đồng bào DTTS.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2023 ở An Giang giảm bình quân 1,01%/năm, trong đó năm 2021 giảm 1,03%, năm 2022 giảm 1,01% và dự kiến năm 2023 giảm 1%; hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 3%/năm.

Nguồn: An Giang giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hữu Huynh

baoangiang.com.vn