An Giang: Hấp dẫn Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

03:05 | 15/05/2022

|
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 - 27/5 (tức từ ngày 22 - 27/4 âm lịch) tại phường Núi Sam, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang). Đây lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ, thu hút đông đảo du khách hành hương, chiêm bái và tham dự.
An Giang: Hấp dẫn Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Lễ hội trăm năm

Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan cho biết, truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn 200 năm, núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi, nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển tượng, chúng phải bỏ lại.

Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn, một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư mách bảo: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.

Ban đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay. Miếu Bà chúa xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.

Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà chúa xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu. Theo các nhà khảo cổ học, căn cứ vào chất liệu và hình dáng của pho tượng thì đây là tác phẩm điêu khắc có từ thời trung cổ.

Nhiều hoạt động phong phú

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được giữ gìn qua nhiều thế hệ, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ. Vắng bóng 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, giờ đây Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam mới được tổ chức như thông lệ, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ vẫn theo nghi thức truyền thống, nhưng nội dung và hình thức được đầu tư nâng chất theo hướng tạo điều kiện để du khách, người dân cùng tham gia, như: Chương trình may áo Bà; Lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu Bà; chương trình nấu nước tắm Bà; Lễ tắm Bà; Lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà; Lễ túc yết và xây chầu; Lễ chánh tế; Lễ hồi sắc - đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ.

Phần hội có lễ khai hội, thường tổ chức vào đêm trước lễ tắm Bà. Chương trình sinh động với nhiều tiết mục, như sân khấu hóa dựng lại hình ảnh thời mở đất, chiến đấu với giặc ngoại xâm và sự xuất hiện của Bà chúa xứ.

Ngoài ra, UBND TP. Châu Đốc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo, tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ du khách, gồm: Hội thi chọi gà nghệ thuật lần V diễn ra vào ngày 14/5 (nhằm ngày 14/4 âm lịch); tổ chức hội thi “Thả đèn hoa đăng” diễn ra ngày 15/5 (nhằm ngày 15/4 âm lịch) tại công viên 30/4. Từ ngày 15 đến 20/5 (nhằm ngày 15 đến 20/4 âm lịch), tại miếu Bà tổ chức triển lãm, giao lưu ảnh nghệ thuật truyền thống.

Tại nhà thi đấu Khu liên hợp thể thao thành phố, từ ngày 16 đến 17/5 (nhằm ngày 16-17/4 âm lịch), diễn ra giải bóng chuyền hơi; lúc 18 giờ 30 phút, ngày 18/5 (nhằm ngày 18/4 âm lịch) giao lưu thể dục dưỡng sinh. Ngày 19/5 (nhằm ngày 19/4 âm lịch), tại Lăng ông Thoại Ngọc Hầu diễn ra giải cờ tướng. Đặc biệt, từ ngày 16 đến 19/5 (nhằm ngày 16-19/4 âm lịch), tại phường Núi Sam và công viên 30/4, tổ chức tuần lễ văn hóa - văn nghệ 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa.

Ngày 22/5 (nhằm ngày 22/4 âm lịch), diễn ra hội thi leo núi và diễu hành lân trên đường Trưng Nữ Vương. Ngày 24/5 (nhằm ngày 24/4 âm lịch), tại nhà thi đấu Khu liên hợp thể thao thành phố, tổ chức trò chơi giật cờ, tung cầu, nhảy bao bố, vận động liên hoàn…

“Thông qua các hoạt động Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, thành phố mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc. Qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với thành phố, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển” - ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Năm 2014, lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những giá trị của lễ hội còn phù hợp với tiêu chí Công ước 2003 của UNESCO để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ngày 30/3/2022, tại Công văn 1970/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn: Hấp dẫn Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Thu Thảo

baoangiang.com.vn