An Giang nâng chất lượng giáo dục và đào tạo

09:10 | 23/11/2023

|
An Giang xác định giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu; phát triển sự nghiệp GD&ĐT là trách nhiệm, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng GD&ĐT An Giang đạt nhiều kết quả nổi bật.
An Giang: UBND huyện Phú Tân khởi công xây dựng “Niệm sư từ”An Giang: UBND huyện Phú Tân khởi công xây dựng “Niệm sư từ”
An Giang: Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu ÁAn Giang: Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á

Nhiều kết quả

Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, sở đã lãnh đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI); bảo đảm vừa sắp xếp lại hệ thống trường, lớp hợp lý, vừa củng cố, nâng chất lượng, hiệu quả giáo dục ở tất cả ngành, bậc học; chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, đảm bảo chất lượng, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp ổn định, giảm các đơn vị hoạt động kém hiệu quả (714 trường năm học 2023 - 2024, so với 731 trường năm học 2020 - 2021). Ngành học mầm non tập trung đổi mới hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; nâng chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Năm 2022, toàn tỉnh có 11/11 huyện, tỷ lệ 100% đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trong đó huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,50%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày là 99,98%; 98,65% trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Tiếp tục duy trì và nâng chất đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Phổ cập giáo dục tiểu học: Có 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức 3; An Giang đạt chuẩn mức 3. Phổ cập giáo dục THCS: Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập mức 2, trong đó huyện Chợ Mới đạt chuẩn phổ cập mức 3; 67 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS mức 3.

Dấu ấn là chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng cao, học sinh yếu kém giảm đáng kể. Hiệu quả đào tạo các cấp học ngày càng được nâng cao, cấp THCS trên 80% và cấp THPT trên 95%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm trên 99%, điểm bình quân các môn thi, điểm bình quân chung trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đứng đầu ĐBSCL và nhiều năm đứng trong “tốp” 10 của cả nước.

Triển khai đúng lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và thực tế của cơ sở giáo dục. Giáo dục tiểu học đã triển khai hiệu quả đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Giáo dục trung học tiếp tục thực hiện đồng bộ việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, chú trọng thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng làm người, lối sống lành mạnh.

Mở rộng các cơ sở giáo dục ngoài công lập và hoạt động dạy Tin học, Ngoại ngữ. Tổ chức thực hiện mở rộng cơ chế tự chủ, tiến hành giao biên chế tự chi trả từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị trong toàn cấp THPT. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, các hoạt động chuyên môn được duy trì hiệu quả đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục.

Đoàn công tác Lãnh sự Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Trường Đại học An Giang

Tiếp tục nâng chất

Nhằm nâng chất GD&ĐT, An Giang tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển hệ thống trường, lớp đáp ứng nhu cầu người học; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Sở GD&ĐT, tỉnh đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, Tin học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng tốt cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và tăng cường chuyển đổi số. Quan tâm đặc biệt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Một vấn đề quan trọng là định hướng công tác tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Củng cố cơ sở vật chất, bổ sung biên chế giáo viên cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; nâng chất lượng, quy mô các trường nghề để nâng cao chất lượng giáo dục thu hút học sinh vào học.

Sở GD&ĐT An Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đến 2025, cụ thể: Ban hành quy chế phối hợp trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó, phân công cụ thể từng đơn vị tham gia phụ trách và chịu trách nhiệm thực hiện từng tiêu chuẩn để góp phần thực hiện đồng bộ và hiệu quả việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy An Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: An Giang có vị trí quan trọng ở ĐBSCL, với số lượng cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, số người đi học thuộc nhóm đầu của vùng. Mặc dù là địa bàn có nhiều khó khăn, nhưng An Giang quyết tâm đầu tư cho giáo dục, kết quả giáo dục luôn ở vị trí dẫn đầu của vùng ĐBSCL. Thời gian tới, mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp GD&ĐT; thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, đảm bảo an toàn trường học…

Nguồn: An Giang nâng chất lượng giáo dục và đào tạo

Hữu Huynh

baoangiang.com.vn