An Giang: Nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo

20:00 | 14/07/2023

|
Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để củng cố hệ thống an sinh xã hội, giảm thiểu rủi ro về phúc lợi từ các yếu tố kinh tế - xã hội (KTXH), môi trường. Với nỗ lực của các cấp, ngành và sự chủ động của các hộ nghèo, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
An Giang: Nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo
Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú)

Thực hiện Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 90/QĐ-TTg, ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về quản lý, điều hành thực hiện chương trình theo quy định.

Trước hết, các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng với sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể nhằm chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về thực hiện chương trình tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo. Công tác tuyên truyền gắn với giám sát, đôn đốc và biểu dương, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm sáng tạo… Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Phạm Sơn, hoạt động giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm đều giảm (năm 2021 giảm 1,03%; năm 2022 giảm 1,01%); tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,20%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh dự kiến giảm 1 - 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm. Các chủ trương, chính sách về phát triển KTXH và giảm nghèo đã thực sự vào cuộc sống, góp phần phát triển KTXH địa phương…

Tỉnh đã giảm được 5.257 hộ nghèo và 6.918 hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 so năm 2022. Huyện nghèo của tỉnh (huyện Tri Tôn) đã được hỗ trợ đầu tư phát triển KTXH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (các công trình đường giao thông). Tỉnh đang xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người nghèo.

Người có khả năng lao động, có nhu cầu (là hộ nghèo, hộ dân ở huyện nghèo) được hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất 1 thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 7 dự án thuộc chương trình giảm nghèo được triển khai phù hợp điều kiện KTXH địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, góp phần vào thành công các dự án. Các hoạt động giảm nghèo tác động tích cực đối với chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo... nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…) góp phần phát triển KTXH, giữ vững quốc phòng - an ninh.

“Gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chương trình giảm nghèo, em được tham gia học nghề may và xin được việc làm trong công ty. Với mức lương mỗi tháng trên 6 triệu đồng, phần nào trang trải được cuộc sống gia đình” - Thu An (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho biết.

Đa dạng hóa các mô hình sinh kế theo nhu cầu xã hội và trình độ người lao động trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, vừa phù hợp mục tiêu hướng tới của chương trình giảm nghèo bền vững.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học - công nghệ thâm canh, hỗ trợ vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho bà con có nhu cầu; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành triển khai, nhân rộng những mô hình hiệu quả…

Tại huyện An Phú đã triển khai kế hoạch thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Phú Huỳnh Tấn Sĩ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ được thực hiện tại 14 xã, thị trấn, với tổng vốn hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo khoảng 5,9 tỷ đồng. Trên cơ sở đăng ký, ngành chuyên môn sẽ xem xét, đánh giá, lựa chọn đối tượng, mô hình phát triển sản xuất - kinh doanh, chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ thực hiện… nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp bà con thoát nghèo bền vững…

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu ngành LĐ-TB&XH quyết tâm cao, nỗ lực lớn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Với vai trò cơ quan thường trực, đề nghị Sở LĐ-TB&XH theo dõi sát để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động.

Các cơ sở đào tạo nghề rà soát trang thiết bị, ngành nghề đào tạo sát thực tế để thu hút học viên, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ các địa phương nơi doanh nghiệp có đông lao động để rà soát nắm sát tình hình nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc…

Nguồn: Nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo ở An Giang

Hữu Huynh

baoangiang.com.vn