An Giang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

19:00 | 04/08/2023

|
“Từ nay đến cuối năm 2023, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.
An Giang: Khẩn trương thi công công trình ứng phó sạt lởAn Giang: Khẩn trương thi công công trình ứng phó sạt lở
An Giang quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2023An Giang quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2023

Đẩy nhanh tiến độ

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 trên 476 tỷ đồng; tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư công của tỉnh năm 2023 được giao 7.648 tỷ đồng. Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm là 33,2%, cao hơn 11,5% so cùng kỳ năm 2022 (21,7%). Đến hết tháng 7/2023, ước giải ngân được gần 3.760 tỷ đồng, đạt 49,1% (trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 1.829 tỷ đồng, đạt 47,1%; vốn ngân sách địa phương trên 1.928 tỷ đồng, đạt 51,2%).

An Giang phấn đấu giải ngân trên 95% chỉ tiêu được giao

Thời gian qua, các chủ đầu tư, sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện nỗ lực, phấn đấu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc giải ngân chưa đạt yêu cầu là do các dự án khởi công mới đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là những dự án có vốn lớn (mất thời gian từ 3 - 6 tháng). Khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là “nút thắt” lớn nhất trong quá trình triển khai dự án, nhất là lĩnh vực giao thông và nông nghiệp có kế hoạch vốn lớn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, thường phát sinh vấn đề cần phải điều chỉnh thủ tục dự án... dẫn đến giải ngân chậm. Bên cạnh đó, một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa thực hiện xong thủ tục phê duyệt.

“Dự kiến đến hết niên độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (ngày 31/1/2024), khả năng giải ngân đạt từ 95% trở lên (bao gồm các dự án kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023). Trong đó, cấp tỉnh quản lý hầu hết là dự án chuyển tiếp, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, khả năng giải ngân gần 73% (163/173 dự án chuyển tiếp, giá trị trên 3.050 tỷ đồng; 56/57 dự án khởi công mới, có kết quả lựa chọn nhà thầu, giá trị trên 2.820 tỷ đồng).

Dự án do cấp huyện quản lý, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bố trí thực hiện nhiệm vụ khác, khả năng giải ngân 22,7%. Khoảng 5% vốn còn lại vướng thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác lựa chọn nhà thầu chậm, khi đã giao thầu sẽ không có nhiều khối lượng giải ngân” - đồng chí Phạm Minh Tâm cho biết.

Phấn đấu chạm mốc 95%

Tỉnh phấn đấu giải ngân cả năm là 7.314 tỷ đồng, đạt trên 95% (trong đó, vốn ngân sách Trung ương 3.714 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 3.600 tỷ đồng, cùng đạt 95,6%). Để đạt mục tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm và Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư. Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công được giao; phê bình, rút kinh nghiệm đối với đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp.

Lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng khảo sát triển khai dự án kè chống sạt lở TP. Châu Đốc

Người đứng đầu sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp lãnh, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.

Đối với UBND địa phương, tùy điều kiện cụ thể, thành lập các đoàn kiểm tra công trình, xem xét tiến độ thực hiện dự án, kịp thời xử lý, tháo gỡ và đôn đốc giải ngân. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần và UBND cấp huyện tập trung hoàn thành thủ tục hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ; tăng cường kiểm tra, giám sát.

“Chủ đầu tư phải tổ chức làm việc, có biên bản cam kết về tiến độ thực hiện với nhà thầu trong các tháng còn lại của năm 2023; phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng dự án. Kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình; cá nhân, đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tập kết vật tư, nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đào tạo, lựa chọn cán bộ có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai vốn đầu tư công; thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không dồn khối lượng vào cuối năm mới thanh toán…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Nguồn: An Giang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Thu Thảo

baoangiang.com.vn