An Giang: Nơi đầu nguồn con nước

13:10 | 16/09/2023

|
Mùa nước nổi, lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, mang theo phù sa và nhiều sản vật từ lũ, như: Cá, tôm, cua, ốc, lươn… Mùa nước nổi còn là thời điểm ngư dân đầu nguồn theo con nước mưu sinh. Lũ hào phóng, đời sống ngư dân thêm sung túc. Lũ về kém, đời sống ngư dân đầu nguồn bấp bênh theo con nước.
An Giang: Nối nhịp bờ vuiAn Giang: Nối nhịp bờ vui
An Giang đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làmAn Giang đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Ngóng lũ

Trở lại kênh Bảy Xã những ngày đầu tháng 8 (âm lịch), nước chưa về nhiều, nước “quay” từ lâu mà cứ lững lờ, chưa chịu “nhảy khỏi bờ”. Là một trong những nơi đón con nước về sớm nhất của miền Tây, nên đồng nước lũ nơi đây không chỉ có cư dân địa phương khai thác mà nhiều người sống nghề câu lưới, lọp, lờ… từ các tỉnh khác tìm đến mưu sinh. Năm nay, con nước “đỏng đảnh”, làm lỗi hẹn những chuyến câu lưới của bạn đường dài các tỉnh về đây tụ hội.

Hầu như nhà nào ở khu vực kênh Bảy Xã, đồng lũ các xã Phú Hữu, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), xã Phú Lộc (TX. Tân Châu) cũng chuẩn bị sẵn ngư cụ để đón lũ. Năm 2022 lũ lớn, đời sống bà con “lên” theo con nước. Năm nay lũ về kém, tôm, cá ít hơn.

“Mấy năm nay lũ lên xuống thất thường. Mấy mùa lũ trước, mỗi ngày còn kiếm được vài trăm ngàn đồng, hổm rày cả tháng trời không thu hoạch được gì. Mới đầu mùa, thấy nước lên cũng mừng, làm 2 - 3 ngày kiếm được hơn 1 triệu đồng, đủ tiền mua lưới. Rồi tự dưng nước rút xuống cả tháng nay không đặt được gì. Người dân ở đây ruộng ít, chủ yếu nhờ con nước, mà nước không về thì chật vật quá” - anh Phạm Văn On (ngư dân xã Nhơn Hội) than.

Theo nhiều ngư dân, năm nay “nhuận” mà tới tháng 8 nước lũ chưa về nhiều, không có cá, tôm bao nhiêu. Mấy chục năm gắn bó nghề câu lưới, ông Huỳnh Văn Đằng (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu) lo lắng: “Năm rồi, cất vó thu hoạch suốt mùa lũ (4 tháng) khoảng 15 triệu đồng. Năm nay nước kém, cả tháng nay đặt tôm, cá bán mới được hơn 2 triệu đồng. Lũ kém nên cuộc sống bấp bênh quá”.

Đi thăm lờ cá linh ở đồng nước nổi, anh Nguyễn Hòa Minh (ấp Phú Quới, xã Phú Hữu) cho biết, năm rồi, mỗi ngày kiếm chừng 20 - 30kg, năm nay cá linh còn nhỏ nên chưa chạy, mỗi ngày kiếm vài ký cá hủn hỉn, bán vài chục ngàn đồng.

“Tình hình con nước năm nay về trễ hơn mọi năm, cỡ này mà cá còn nhỏ xíu. Năm ngoái, tháng này mỗi ngày thu hoạch 20kg cá, còn giờ đặt gần 100 cái lờ mà mỗi ngày kiếm được chừng 2 - 3kg, đủ tiền xăng. Lỡ gắn với nghề này phải ráng đeo, ngư dân sông nước chỉ trông chờ mùa lũ, biết làm nghề gì khác hơn” - ngư dân Nguyễn Hòa Minh đau đáu ánh mắt nhìn ra đồng nước.

Sản vật mùa lũ

Mùa lũ là mùa mưu sinh, mùa làm ăn của ngư dân đầu nguồn. Sản vật mùa lũ rất phong phú, dồi dào, từ tôm, cá, cua, ốc, rắn, rùa… đến các loại rau đồng: Bông súng, bông điên điển, hẹ nước, rau dừa, rau muống… làm phong phú ẩm thực miền sông nước. Đặc sản từ lũ không chỉ cung cấp những bữa ăn quê, bán tại chợ truyền thống mà còn có trong thực đơn nhà hàng sang trọng ở nơi phố thị.

Chị Võ Thị Thu (ấp Phú Quới, xã Phú Hữu) cho biết, tháng 6 - 7 (âm lịch), cá linh non xuất hiện ở vùng đầu nguồn, là đặc sản mùa nước nổi. Lúc này, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như: Cá linh chiên bột, cá linh kho lạt, cá linh kho mắm... Để chiên bột ngon nhất thì nên chiên bằng bột giòn và nêm thêm gia vị, tiêu, hành…

Có người pha thêm bia vào bột cho giòn thêm. Bày biện những miếng cá linh chiên bột vàng ươm, giòn rụm ra dĩa, thịt cá thì thơm béo và có vị ngọt đặc trưng ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm me chua chua, cay cay càng gia tăng thêm độ ngon của món ăn.

Cá linh kho mắm là món ăn không thể thiếu vào mùa nước nổi. Chuẩn bị nồi nước lẩu (được lọc từ mắm cá linh làm từ mùa lũ trước), cho thêm cá linh non đầu mùa vào là món ăn cơ bản hoàn thành. Món lẩu được bày ra với các loại rau đồng và bông súng xếp vào dĩa; dọn bún kèm thêm chén nước mắm mặn với ớt băm nhỏ…

Lẩu mắm là sự kết hợp của nước dùng đậm đà, rau củ ngọt cùng với mắm cá linh hấp dẫn, thơm ngon khiến ai cũng phải ngất ngây. Nhất là thưởng thức lẩu mắm cá linh ngay trên đồng lũ càng làm tăng thêm vị giác, thắm đượm “hương đồng, gió nội”.

Cá linh nấu canh chua là món ăn quen thuộc, đậm chất miền Tây sông nước. Tùy theo khẩu vị người dùng thích chua, ngọt, cay nhiều ít mà gia giảm cho vừa ăn. Lẩu chua cá linh phải được ăn kèm với các loại rau đồng như bông súng, bông điên điển, bông so đũa… nhất là được nấu bằng trái bứa thì càng “ngon bá cháy”.

Ngoài cá linh, còn vô vàn món ngon từ sản vật mùa lũ, như: Lươn, rắn, ốc, cua, ếch… được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, say lòng thực khách. Về miền Tây, nhất là vùng đầu nguồn An Phú, Tân Châu mùa này chắc chắn để lại những dấu ấn khó phai trong lòng du khách về phong cảnh thiên nhiên, đặc sắc ẩm thực mùa nước nổi.

Nguồn: Nơi đầu nguồn con nước

Hữu Huynh

baoangiang.com.vn