An Giang: Nuôi ong rừng lấy mật

10:10 | 22/03/2024

|
Mật ong từ xưa đã được biết đến như một phương thuốc quý từ thiên nhiên. Do đó, mật ong thường được lựa chọn sử dụng trong rất nhiều bài thuốc Đông y dùng để bồi bổ cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe.

Đặc điểm loài ong

Có mặt lúc giữa trưa tại địa điểm tham quan nuôi ong lấy mật tại rừng tràm Trà Sư (ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh quản lý. Để đến được nơi đây, chúng tôi phải chạy qua một con đường nhỏ, 2 bên là những tán cây rừng tràm bạt ngàn che mát rượi, cùng với tiếng chim kêu ríu rít tạo nên khung cảnh đầy thơ mộng.

Vào trang trại, chúng tôi ngỡ ngàng khi nơi đây có hơn 100 thùng nuôi ong lấy mật được bố trí ngay ngắn. Trang trại nằm ngay trung tâm của rừng nguyên sinh Trà Sư, với nguồn hoa tràm phong phú, đây là nguồn cung cấp phấn hoa làm mật lý tưởng cho đàn ong.

Anh Nguyễn Thành Phú (32 tuổi, là người trực tiếp nuôi đàn ong rừng) tuy tuổi đời còn trẻ nhưng có hơn 10 năm kinh nghiệm chăm sóc đàn ong. Nghe chúng tôi có nhu cầu tham quan mô hình nuôi ong, anh vui vẻ dẫn vào trang trại; cầm một cái lon sắt nhỏ bỏ vào vài khúc cây rồi đốt lên tạo khói. Dẫn chúng tôi đến bên một thùng nuôi ong, anh Phú nhẹ nhàng mở nắp thùng, thổi nhẹ làn khói trắng vào bầy ong. Những chú ong ngoan ngoãn bay đi để lộ ra những kèo và sáp ong cho chúng tôi dễ quan sát.

Bên trong mỗi thùng nuôi ong có khoảng 7 khung gỗ, những khung gỗ này do anh Phú thiết kế đặc biệt giống như môi trường tự nhiên để ong có thể xây tổ, tạo mật. “Trong mỗi kèo ong được chia làm 2 tầng: Tầng trên là nơi ở, tầng dưới là nhộng ong. Trung bình, mỗi tổ có từ 15.000 - 20.000 con ong và có 3 loại: Ong chúa, ong thợ và ong đực; có đến 99% số ong trong tổ là ong thợ, 1% là ong đực và 1 con ong chúa” - anh Phú cho biết.

An Giang: Nuôi ong rừng lấy mật

“Con ong chúa được thả ra để di chuyển qua lại các khung gỗ làm nhiệm vụ sinh sản. Ong chúa có đặc điểm to và dài hơn những con ong khác. Ong chúa quyết định được trứng nào ra ong thợ hay ong đực. Trứng ong thợ là trứng thụ tinh, đa số được sinh ra ở giữa, còn trứng ong đực là không thụ tinh thường được sinh ra ở 2 bên góc…

Một con ong chúa sinh sản giỏi thì tổ ong sẽ được nhiều ong thợ, làm tăng số lượng bầy đàn và ngược lại. Ong chúa mỗi ngày có thể sinh sản từ 800 - 1000 trứng, liên tục 4 - 5 năm” - anh Phú giải thích.

Những con ong đực sinh ra và lớn lên chỉ để làm mát nhiệt độ trong tổ ong, con ong đực được giao phối 1 lần trong đời với ong chúa và chết đi. Nếu không giao phối với ong chúa thì ong đực có thể sống được hơn 90 ngày và chúng không có nọc độc. Còn ong thợ làm nhiệm vụ xây tổ, làm mật, lấy phấn hoa, nuôi con non…

Do làm nhiều nhiệm vụ nên tuổi đời của ong thợ từ 40 - 50 ngày, mỗi ngày có thể bay 4 - 5km lấy mật và phấn hoa, chúng có nọc độc và có thể chích người. Mỗi tổ ong có một mùi hương riêng biệt, nên ong thợ không bao giờ bay nhầm vào tổ ong khác. Ong cũng giống như những loài vật khác, có lãnh thổ riêng và không muốn bị xâm phạm, nếu đậu nhầm tổ sẽ bị đàn ong khác đốt chết.

An Giang: Nuôi ong rừng lấy mật
Du khách được nghe thuyết trình về loài ong

Quá trình kiểm tra, lấy mật

Mỗi ngày, anh Phú phải kiểm tra từng thùng nuôi ong, xem đầy mật hay chưa. Nếu đầy quá, phải lấy ra và để vào khung gỗ khác; còn nếu thưa quá, thì lấy bớt khung gỗ ra để ong làm việc hiệu quả hơn. Sau đó, đánh dấu từng thùng để dễ nhận biết. Còn trường hợp đàn ong tạo nhiều sáp trắng, đó là dấu hiệu ong cần thêm kèo ong để xây thêm tổ và tạo mật, nên phải để thêm nhiều khung gỗ cho chúng tạo kèo.

Thu hoạch mật ong cũng đơn giản. Anh Phú dẫn chúng tôi đến bên một máy quay ly tâm và lấy trong thùng 1 khung gỗ đã đầy mật. Qua đôi bàn tay khéo léo, anh dùng con dao nhỏ loại bỏ phần sáp thừa, rồi cho khung gỗ vào thùng quay ly tâm với sức ép của lực quay, mật ong sẽ văng ra thành thùng rồi chạy xuống van đã có hệ thống lượt.

Chỉ cần mở van thì những giọt mật ong đậm đặc vàng óng chảy ra, rồi đóng vào chai. Mỗi ngày, trang trại chỉ thu hoạch mật ong một lượng nhất định, khi nào du khách mua nhiều thì mới cho thu hoạch. Đặc biệt, khi du khách đến trang trại, ngoài tham quan còn được thưởng thức mật ong tại chỗ và được nghe thuyết trình về kỹ thuật nuôi ong...

Du khách hãy thử một lần đến với trang trại nuôi ong để được khám phá đặc tính của loài ong và được thưởng thức vị thơm ngon của mật ong rừng Trà Sư.

Nguồn: Nuôi ong rừng lấy mật

Hà Phúc

baoangiang.com.vn