An Giang tái cơ cấu lúa gạo, cá tra

15:32 | 04/04/2023

|
Lúa gạo và cá tra là mặt hàng thế mạnh của An Giang, đem lại nguồn thu lớn cho xuất khẩu của tỉnh. Trong nỗ lực tái cơ cấu theo định hướng đến năm 2030, tỉnh quy hoạch sản xuất tập trung, chuyên sâu các mặt hàng này, gắn xây dựng nhà máy chế biến và liên kết doanh nghiệp (DN) tiêu thụ.
An Giang phát triển du lịch nông thôn thành thế mạnhAn Giang phát triển du lịch nông thôn thành thế mạnh
An Giang: Huyện Tri Tôn đưa vào sử dụng công viên Trần Hưng ĐạoAn Giang: Huyện Tri Tôn đưa vào sử dụng công viên Trần Hưng Đạo

Xây dựng An Giang thành trung tâm đầu mối lúa gạo vùng ĐBSCL

Nâng giá trị lúa gạo

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025 khoảng 550.000-600.000ha (xấp xỉ 200.000ha/vụ), cơ cấu diện tích sản xuất lúa hợp lý theo từng địa phương gắn nhu cầu thị trường và sức tiêu thụ của DN. An Giang quy hoạch vùng trồng lúa, nếp tập trung, quy mô lớn, chú trọng các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân. Giảm dần diện tích trồng lúa tại các khu vực canh tác không hiệu quả, chuyển đổi linh hoạt sang các mô hình sản xuất khác có giá trị kinh tế cao hơn (nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái) hoặc luân canh cây lúa với cây trồng, vật nuôi khác (lúa-tôm, lúa-cá, lúa-rau màu).

Giai đoạn 2021-2025, dự kiến diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái trên địa bàn An Giang là 34.081,59ha, trong đó nhóm rau màu các loại là 7.108,3ha, nhóm rau màu 12.764ha, nhóm cây ăn trái 14.209,29ha...

Định hướng đến năm 2025, An Giang phát triển khoảng 100.000ha chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết DN tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú… Đồng thời, phục hồi và phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản, như: Nếp Phú Tân 20.000ha; lúa thơm, lúa Jasmine tại Châu Phú 11.000ha; lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn, An Phú từ 200-500ha; lúa Nàng Nhen tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên 600ha. Tỉnh duy trì ổn định vùng sản xuất lúa giống quy mô 20.000-25.000ha trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Để nâng cao giá trị sản xuất, ngành nông nghiệp nỗ lực tăng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến (“1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”) lên 95-98% tổng diện tích lúa; tăng nhanh tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường. Cùng với đó, tăng cường diện tích sản xuất lúa, nếp có liên kết với DN thông qua các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đến năm 2025 đạt 200.000-250.000ha.

Ngành chức năng tập trung hỗ trợ các chủ thể xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa lúa gạo đặc trưng của tỉnh theo Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam”; đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao xuất khẩu. An Giang tăng cường đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi lúa gạo, tiến đến giảm CO2 trong sản xuất, kết hợp bán tín chỉ carbon để nâng cao thu nhập từ trồng lúa.

Khai thác thế mạnh cá tra

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, định hướng đến năm 2025, tỉnh phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500-1.600ha, tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới và TP. Long Xuyên. Tỉnh phát triển các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi đạt 90%. An Giang được quy hoạch xây dựng trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang.

Trong đó, tỉnh nghiên cứu củng cố, nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống Thủy sản An Giang để đảm bảo năng lực cung ứng giống cá tra cấp vùng; đồng thời, chủ động nguồn giống bố mẹ; xử lý và quản lý tốt nguồn nước, điều kiện môi trường, tăng tỷ lệ sống của cá bột, đảm bảo giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, phát triển các giống thủy sản tiềm năng có giá trị kinh tế cao, như: Tôm càng xanh toàn đực, lươn đồng...

Tỉnh xúc tiến và mở rộng hơn nữa thị trường sản phẩm ngành hàng cá tra ở các thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và ASEAN với thị phần chiếm từ 50-60%. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường nội địa, phấn đấu đến năm 2025 đạt 8-10%.

Đối với ngành hàng lúa gạo, An Giang xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, lúa nếp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty TNHH Angimex Kitoku, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú…

Tỉnh tạo điều kiện xúc tiến thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL. Trong khi đó, với ngành hàng cá tra, tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cá tra với Công ty Cổ phần Nam Việt Bình Phú, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc, Công ty Cổ phần thủy sản Lộc Kim Chi...

An Giang hình thành dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang”. Trung tâm có quy mô 200ha, tổng vốn khoảng 9.000 tỷ đồng, dự kiến tại xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành). Dự án tiến tới thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL.

Nguồn: An Giang tái cơ cấu lúa gạo, cá tra

NGÔ CHUẨN

baoangiang.com.vn