An Giang: Tháng Ramadan của đồng bào Chăm

12:00 | 16/03/2024

|
Tháng Ramadan có ý nghĩa thiêng liêng trong cộng đồng Hồi giáo dân tộc Chăm. Đây là tháng mà đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm nhịn ăn, nhịn uống, tự rèn luyện với các nghi thức tôn nghiêm, tăng cường tình yêu thương với những người nghèo khó.
An Giang: Tháng Ramadan của đồng bào Chăm
Các tín đồ cầu nguyện tại tiểu thánh đường Hồi giáo dân tộc Chăm xã Nhơn Hội

An Giang có 8 xóm Chăm, với hơn 17.570 người, theo đạo Hồi (Islam), sinh hoạt tại các thánh đường và tiểu thánh đường. Đồng bào Chăm sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau theo từng xóm, thuộc địa bàn các xã: Vĩnh Trường, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình, thị trấn Đa Phước (huyện An Phú), xã Châu Phong (TX. Tân Châu), xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành).

An Phú là huyện đầu nguồn biên giới có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo cùng sinh sống. Theo thống kê (năm 2023), huyện có 40.767 hộ với 148.888 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào DTTS có 2.363 hộ với 17.482 nhân khẩu, chiếm 11,9% dân số của huyện.

Riêng đồng bào DTTS Chăm có khoảng 2.136 hộ với 8.069 nhân khẩu, sống tập trung ở các xã Vĩnh Trường, Quốc Thái, Khánh Bình, Nhơn Hội và thị trấn Đa Phước. Theo niềm tin của tín đồ Hồi giáo Islam, Tháng Ramadan chính là một trong 5 tín điều quan trọng của tôn giáo. Trong đó, 4 điều luật còn lại là đức tin, cầu nguyện, bố thí từ thiện và hành hương đến Thánh địa Mecca.

Qua những làng Chăm vào Tháng Ramadan vào ban ngày sẽ cảm nhận được sự vắng vẻ hơn mọi khi. Tháng Ramadan là tháng thiêng liêng đối với tất cả những người theo đạo Hồi được đánh dấu bằng nhiều nghi lễ khác nhau. Tháng Ramadan năm nay (năm 1445 hồi lịch) bắt đầu từ ngày 11/3 - 11/4. Trong 1 tháng, tất cả nam nữ từ 15 tuổi trở lên phải nhịn ăn, nhịn uống vào ban ngày, nhưng ăn vào ban đêm (tức thay đổi bữa ăn).

Ông Sa Ly Man, Phó trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo dân tộc Chăm xã Nhơn Hội cho biết: “Tháng Ramadan là một trong 5 điều luật căn bản mà 100% tín đồ Hồi giáo dân tộc Chăm bắt buộc phải thực hiện khi đến tuổi trưởng thành. Tất cả phải nhịn ăn, nhịn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Sau thời gian này, các tín đồ (không phân biệt giàu, nghèo) cùng ăn những khẩu phần ăn như nhau”.

Ngoài nhịn ăn, uống, các tín đồ dân tộc Chăm Islam còn phải “kiêng” cờ bạc, không uống rượu/bia, không sát hại sinh vật để rèn luyện phẩm chất, nhân cách, thêm yêu thương những người nghèo khó. Lợi ích đầu tiên của việc nhịn ăn, nhịn uống trong Tháng Ramadan còn tạo nên sức mạnh tinh thần, để rèn luyện lòng kiên nhẫn và kiềm chế các ham muốn.

Ông Ây Dốp (Ban Quản trị tiểu thánh đường Hồi giáo dân tộc Chăm xã Nhơn Hội) cho biết: “Nhịn ăn, nhịn uống để cảm nhận đươc sự đói khát, để mình có sự cảm thông, sẻ chia với những người nghèo khổ”. Theo ông Ây Dốp, tuy là tín điều bắt buộc trong 5 điều luật căn bản của Hồi giáo, nhưng đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người đang trị bệnh... được ăn uống bình thường và khi hết bệnh sẽ thực hiện nghi lễ sau.

Trong Tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo phải thực hiện nghi thức cầu nguyện 5 lần trong một ngày: Lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối. Trước khi cầu nguyện, tất cả phải trong trạng thái tinh thần và thể xác thanh khiết, tức là phải súc miệng, rửa mặt, rửa cổ, tay, chân sạch sẽ để vào thánh đường, tiểu thánh đường hành lễ.

Những ngày này, lãnh đạo tỉnh và các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đều tổ chức đoàn đến thăm, động viên, chúc mừng bà con. Vừa qua, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện An Phú tổ chức đoàn đến thăm, động viên, chúc mừng ban quản trị các thánh đường và tiểu thánh đường ở 5 xóm Chăm trên địa bàn huyện. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau đoàn kết xây dựng phát triển quê hương, đất nước.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường biểu dương những đóng góp quý báu của đồng bào Chăm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Mong muốn ban giáo cả các thánh đường, tiểu thánh đường cùng những người có uy tín tiếp tục động viên bà con tín đồ nêu cao tinh thần đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo, chí thú làm ăn, vươn lên trong cuộc sống…

Theo Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang, được sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, cộng đồng dân tộc Chăm trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào… Đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cố gắng lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình no ấm no.

Nguồn: Tháng Ramadan của đồng bào Chăm

Hữu Huynh

baoangiang.com.vn