An Giang: Trở lại búng Bình Thiên

08:10 | 17/07/2023

|
Trong chuyến về thăm huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang), tôi có dịp trở lại hồ nước trời lớn nhất miền Tây - búng Bình Thiên. Đầu mùa nước đổ, màu phù sa đã nhuộm đỏ rạch Bình Ghi (Bình Di) nhưng búng bình Thiên vẫn mênh mông trong vắt, soi bóng trời mây và phảng phất sắc màu huyền thoại dân gian...
An Giang: Kinh tế - xã hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vựcAn Giang: Kinh tế - xã hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực
An Giang: Trải nghiệm sinh thái vườnAn Giang: Trải nghiệm sinh thái vườn

Bao thế hệ người dân địa phương sống gắn bó với búng Bình Thiên

Dọc theo Tỉnh lộ 957, tôi ngược lên xứ đầu nguồn An Phú. Đầu mùa lũ, rạch Bình Ghi chảy về Châu Đốc đã dần “chín đỏ” sắc phù sa. Đến cầu C3, ở vị trí ngõ vào của búng Bình Thiên, mới thấy được nét độc đáo của hồ nước trời. Bởi lẽ, màu phù sa chỉ quẩn quanh ngoài cửa búng, khi vào sâu một đoạn đã lắng hết, chỉ còn lại màu nước tự nhiên trong vắt.

Bắt chuyện với ông Sayman (người dân làng Chăm Nhơn Hội), tôi được ông kể về búng Bình Thiên. “Hồi ông cố tui về đây lập nghiệp, búng Bình Thiên còn hoang sơ. Thỉnh thoảng, người ta còn thấy heo rừng ra bờ búng kiếm ăn. Theo thời gian, búng Bình Thiên trở thành nơi nuôi dưỡng người dân sống nghề chài lưới. Hồi trước cá nhiều, người ta chỉ cần đánh bắt một ngày là đủ ăn 5 - 7 bữa. Còn nhớ, cách đây chừng 30 năm, búng Bình Thiên vẫn còn nhiều cá lớn. Thời đó, tui giăng lưới dính cá hô 30 - 40kg là chuyện thường, có người còn bắt được cá hô 70 - 80kg nữa” - ông Sayman nhớ lại.

Trong câu chuyện của người đàn ông gần 60 tuổi, búng Bình Thiên hiện lên như “người mẹ” bao dung. Nhiều thế hệ người dân ở xã Nhơn Hội, Quốc Thái đã đánh bắt cá, uống nước và ngâm mình trong sự mát lành của búng Bình Thiên. Với họ, búng Bình Thiên là báu vật của trời đã ban cho người dân xứ đầu nguồn. Những câu chuyện về búng Bình Thiên vừa gần gũi, dân dã, lại nhuốm đầy sắc màu huyền thoại.

“Ngày trước, giữa lòng búng đã từng nổi cồn đất lớn gọi là hòn Xù. Người ta kể rằng, ở đó có đôi rắn to trú ngụ, mà chỉ những ai đủ duyên, lương thiện mới được gặp. Tui chỉ nghe qua lời kể, chứ chưa chứng kiến lần nào. Theo mô tả, đôi rắn ấy khá lớn, dài hàng chục thước và trên đầu có chiếc mào. Đặc biệt, chúng còn gáy te te như gà. Ngoài ra, còn có chuyện con cua kình rất lớn trú ngụ trong búng. Tất nhiên, đây chỉ là huyền thoại, nhưng nó cũng khiến cho người ta tin tưởng vào sự thiêng liêng của búng Bình Thiên” - ông Sayman tiếp lời.

Bây giờ, ông Sayman đã không còn sống với mặt nước búng Bình Thiên như trước. Ông đã lên bờ làm nghề chạy “xe ôm”. Các con ông thì “đi công ty”, nên đời sống cũng bớt vất vả. Không chỉ riêng gia đình ông, rất nhiều thanh niên người Chăm cũng đi lao động ngoài tỉnh để tìm nguồn thu nhập ổn định.

Tạm biệt ông Sayman, tôi chạy xe dọc theo con đường nép bên bờ búng. Hầu như, những địa danh xung quanh búng Bình Thiên đều gắn với hồ nước huyền thoại này. Đó là ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội) và ấp Búng Bình Thiên (xã Quốc Thái). Ban trưa, gió ngoài búng thổi vào mát rượi. Mấy ông lão ngồi tán chuyện bên ấm trà thơm nhẹ. Họ cho hay, dân địa phương hiện nay không chỉ đánh bắt cá tự nhiên, mà đã chuyển sang nuôi cá bè. Dù diện tích bè không lớn như ở làng bè Châu Đốc, nhưng cũng giúp đời sống khấm khá hơn.

“Bây giờ, dân họ nuôi cá mè vinh, rô phi, cá tra trên mặt búng cũng kiếm sống được. Nghe đâu, mỗi đợt cất bè cũng kiếm lời hơn chục triệu đồng. Có người khá hơn, đóng được bè lớn mà nhà cửa cũng khá lên. Nếu không, người ta dỡ chà hay trồng rau nhút bán cũng kiếm được đồng vô kha khá. Nói chung, búng Bình Thiên bây giờ không còn nhiều cá nhưng vẫn nuôi sống được người dân. Cá không nhiều nhưng có giá, đánh bắt được vài ký thì cũng có nguồn thu hơn 100.000 đồng, đủ lo cơm áo. Nếu dính cá lớn thì còn êm hơn nữa” - ông Nguyễn Văn Hai (người dân ấp Búng Bình Thiên, xã Quốc Thái) khề khà.

Theo hướng chỉ tay của ông Hai, tôi nhìn thấy những người đàn ông đang loay hoay dỡ chà giữa mặt búng mênh mông. Trời trưa nắng gắt, ngồi trong quán cóc nghe chuyện dân gian, tận hưởng những cơn gió trong lành giúp lòng người vơi bớt mệt nhọc của đường xa. Ông Hai nói rằng, mùa nước nổi, mặt búng Bình Thiên còn mênh mông thêm nữa, lúc đó nhìn mát mắt lắm. Thi thoảng, vẫn có những đoàn khách du lịch đến tham quan búng Bình Thiên và họ khá thích thú với cảnh sắc nơi này.

Nói đoạn, ông Hai ngẫu hứng đọc lại bài thơ truyền miệng từ thời mở đất bên bờ búng Bình Thiên. Thơ rằng: “Búng Bình Thiên là báu của trời/ Cua kình đùa giỡn mặt đua bơi/ Tắc Trúc quanh co ngoài bãi cuộc/ Hòn Xù lặn ngụp giữa dòng khơi/ Tre xanh vờn vợn kề bên bãi/ Nước bích mênh mông khắp mọi nơi/ Bốn mùa nước lóng trong như lọc/ Rồng núp nguồn sâu ẩn đợi thời”.

Vừa nghe thơ, tôi vừa hướng mắt ra mặt búng mênh mông. Búng Bình Thiên như chiếc gương khổng lồ soi rõ những đám mây trắng lững lờ trôi. Cảnh vật khi ấy có chút yên bình, có chút mơ mộng và phảng phất huyền thoại về thời mở đất. Có lẽ, vẻ đẹp bình yên đó là thứ mà nhiều du khách phương xa cảm nhận được ở búng Bình Thiên khi đến tham quan, trải nghiệm nơi này.

Với vẻ đẹp rất riêng và những huyền thoại dân gian, búng Bình Thiên cần được đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch để nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, bảo tồn, phát huy được nét đẹp văn hóa đã gắn với “hồ nước trời” độc đáo ở xứ đầu nguồn An Phú.

Theo Địa chí An Giang, búng Bình Thiên có diện tích mặt nước khoảng 193ha, sâu trung bình 6m. Vào mùa nước nổi, búng mở rộng diện tích gấp 3 lần và trở thành biển nước mênh mông. Ngoài giá trị thủy sản, búng Bình Thiên còn được cải tạo để phục vụ du lịch và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nguồn: Trở lại búng Bình Thiên

Thanh Tiến

baoangiang.com.vn