An Giang: Về đầu nguồn biên giới xem đẩy dồn bắt cá linh

17:20 | 05/11/2023

|
Hàng năm, độ tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch, khu vực bờ kè TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) lại nhộn nhịp cảnh đẩy dồn bắt cá linh - hình thức đánh bắt cá đặc trưng ở vùng đầu nguồn thường hoạt động vào cuối mùa nước nổi.
An Giang: Gỡ khó để phát huy sản phẩm OCOPAn Giang: Gỡ khó để phát huy sản phẩm OCOP
An Giang: Sân chơi hấp dẫn vùng Bảy NúiAn Giang: Sân chơi hấp dẫn vùng Bảy Núi

Người bản địa khẳng định, nghề này chỉ có ở thượng nguồn sông Tiền và đã tồn tại mấy chục năm. Thuở xưa, cá linh ăn không hết, người ta đem ủ mắm. Chứ bây giờ, bắt được cá linh, người mua lẫn người bán đều chờ đợi chỉ để làm vài món ngon, đúng nghĩa săn “sản vật” của tự nhiên.

Mỗi chiếc ghe được trang bị dàn lưới buộc vào 2 cây đòn dài và kết nối đòn bẩy chắc chắn. Ghe đẩy lưới được một đoạn, từ 3 – 4 người người sẽ điều khiển dùng sức bật lưới lên, dồn cá về phía đáy. Tùy theo con nước, hôm nào "trúng mánh" có thể kiếm được chục ký cá linh, còn bèo hơn thì chỉ vài ký mỗi lượt đẩy dồn.

Người dân ở đây cho biết, mùa này, chỉ bắt được cá linh, không có loại cá khác. Khách đứng xem nghe vậy tò mò theo dõi, quả nhiên từng thùng cá tươi rói xách lên bờ chỉ có cá linh mà thôi.

Tiểu thương bán cá linh ngồi ngay bên bờ kè, cá vừa bắt được là họ lẹ tay làm tại chỗ.

Khách mua cũng quen thuộc thời điểm, liên tục ghé để có những mẻ cá tươi mang về. Hôm nay, cá linh chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg, không đắt đỏ như đầu mùa.

Người ta thích thú ăn cá linh non với món canh chua, kho lạt, kho bứa, chiên bột… Còn thời điểm này con cá linh đã lớn, xương chắc, nướng hoặc đem chiên giòn, kho mía, bằm làm chả, kho rục… mới đúng sách!

Như một cuộc hẹn hàng năm, nước rút, cá đồng đổ về các nhánh sông sinh sống. Người dân vùng đầu nguồn theo đó có thêm khoản thu nhập, ít nhất được 200.000 đồng/ngày, khá hơn thì đến 1 triệu đồng.

Nguồn: Về đầu nguồn biên giới An Giang xem đẩy dồn bắt cá linh

Hoài Anh

baoangiang.com.vn