Bài văn khấn Tết Hàn thực năm 2021

09:00 | 14/04/2021

|
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Ý nghĩa ngày Tết Hàn thực

Tết Hàn thực là ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Như vậy, năm 2021, Tết Hàn thực sẽ rơi vào ngày 14/4 dương lịch.

Nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết trên báo Lao động: "Tên gọi của Tết Hàn thực nghe có vẻ bắt chước từ Trung Quốc nhưng không phải.

Khi vào Việt Nam, nó đã hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, Tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày Tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt.

Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày Tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường".

Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thứ nhất, nó thể hiện cho nền văn hóa lúa nước của người Việt từ lâu đời. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Loại bánh này còn bắt nguồn từ tích truyện "bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ". Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực có những gì?

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi, bánh chay là lễ vật không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Hàn thực 3/3. Số lượng bánh trôi, bánh chay trong mâm cúng nên là 5 hoặc 3 bát.

Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, đổ nước đường lên trên, bày lên đĩa, để nguội, thắp hương.

Đây là đồ cúng quan trọng nhất làm nên nét riêng cho tết Hàn thực ở Việt Nam. Vì thế, người dân một số vùng Bắc Bộ còn gọi Tết Hàn thực là ngày bánh trôi, bánh chay.

Hương, hoa tươi, trầu cau

Trong lễ cúng dù to hay nhỏ của người Việt đều không thể thiếu nén hương, hoa tươi và trầu cau để trên ban thờ. Do vậy, vào ngày Tết Hàn thực, mâm cúng cũng sẽ không thể thiếu những thứ này.

Ngũ quả

Tùy từng mùa, tùy điều kiện mỗi nhà, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím... để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.

Ngoài các món trên, gia đình có thể chuẩn bị thêm tiền vàng, một ly nước sạch và 3-5 chén trà.

Văn khấn Tết Hàn thực

Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy hoàng thiên, hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ chúng con là… ngụ tại…

Hôm nay là ngày… (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Theo: Trí Thức trẻ