Bến Tre: Công tác di dời cơ sở chăn nuôi và tình hình nuôi chim yến

04:15 | 10/08/2023

|
Ngày 9-8-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì cuộc họp về kết quả thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND tỉnh và tình hình nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Cùng tham dự có lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Bến Tre: Làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO về tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thảiBến Tre: Làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO về tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thải
Bến Tre: Hướng dẫn các tiêu chí xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trungBến Tre: Hướng dẫn các tiêu chí xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung
Công tác di dời cơ sở chăn nuôi và tình hình nuôi chim yến
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả di dời cơ sở chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nội dung nghị quyết (NQ) tại các huyện, thành phố, có ban hành công văn hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra thực hiện tại các địa phương. Đến nay, các xã đã xác định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn (đối với các địa phương đã có quy hoạch được phê duyệt). Lập danh sách và thông báo bằng văn bản đến từng hộ dân thuộc diện di dời là 6.830 cơ sở. Tại huyện Mỏ Cày Nam đã hoàn thành thủ tục hỗ trợ di dời cho 107 cơ sở chăn nuôi, giải ngân cho 19 cơ sở. Cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời và phân kỳ thực hiện giai đoạn 2023 - 2024. Trong đó, năm 2023 kế hoạch di dời 3.130 cơ sở, hiện đã hỗ trợ di dời cho 45 hộ.

Theo Sở NN&PTNT, việc xác định các khu vực không được phép chăn nuôi hiện nay còn chậm do việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch mới ở các xã còn đang thực hiện, chưa được phê duyệt. Việc di dời gặp khó khăn do các hộ dân thuộc diện này không có điều kiện để di dời, chưa tìm được nghề mới thay thế khi không được chăn nuôi, một số cơ sở chăn nuôi lớn, việc di dời cần nhiều vốn…

Công tác di dời cơ sở chăn nuôi và tình hình nuôi chim yến
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi.

Đối với công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, khai thác chim yến, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến với 611 nhà yến, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2022, ước sản lượng 1.296 kg/năm. Phần lớn sản phẩm tổ yến được tiêu thụ thô.

Tại cuộc họp, đại diện UBND các huyện, thành phố đã nêu rõ các vấn đề khó khăn trong triển khai thực hiện NQ 30 và đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời cũng có ý kiến đề xuất tỉnh xem xét các phương án có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ dân di dời, hỗ trợ kinh phí cho xây dựng hầm biogas đi kèm các công trình chuồng trại khi được di dời, việc thực hiện di dời trước mắt tập trung cho khu vực dân cư, đô thị đồng thời gia hạn thêm thời gian di dời cho những vùng chưa phát triển khu dân cư trong điều kiện hiện tại.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật lại danh sách các trường hợp hộ chăn nuôi phải di dời, thu hẹp phạm vi thực hiện, tập trung cho khu vực đô thị, đông dân cư. Đồng thời báo cáo lại mức tiền phải hỗ trợ di dời theo 2 trường hợp đơn giá hiện hành. Đối với việc tận dụng chuồng trại đã xây dựng để chuyển sang nghề nuôi khác phù hợp thì giao Sở NN&PTNT phụ trách để xem xét, hướng dẫn người dân thực hiện. Các địa phương tập hợp nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để triển khai các lớp phù hợp theo nhu cầu. Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas thì ngành nông nghiệp sẽ có ưu tiên cho những trường hợp di dời chuồng trại chăn nuôi. Sở NN&PTNT tích cực kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện, phản ánh khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, thực hiện.

Nguồn: Công tác di dời cơ sở chăn nuôi và tình hình nuôi chim yến

Thanh Đồng

baodongkhoi.vn