Bến Tre: Nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển cần khẩn trương khắc phục

04:10 | 29/08/2023

|
Chiều 28-8-2023, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe ngành hữu quan báo cáo tình hình, công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh; các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Bến Tre: Trao học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn năm học 2023-2024Bến Tre: Trao học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn năm học 2023-2024
Bến Tre: Lãnh đạo tỉnh làm việc với Công ty Hưng ViệtBến Tre: Lãnh đạo tỉnh làm việc với Công ty Hưng Việt

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Quốc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Quốc

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì cuộc họp, cùng sự tham dự của đại diện một số sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, TP. Bến Tre.

112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ ngày càng nhanh gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh, nhất là đối với 3 huyện ven biển.

Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài 134km. Trong đó: Sạt lở bờ sông 104 điểm, với tổng chiều dài khoảng 115km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân (sông Hàm Luông 50km, sông Tiền 11km, sông Cửa Đại 2,3km, sông Cổ Chiên 20,7km, sông Ba Lai 1,3km, kênh Giao Hòa 3,1km và 26,1km đê bao nội đồng, bờ bao cục bộ, đường giao thông nông thôn,...; gây ảnh hưởng nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở).

Sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19km đã làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển (huyện Ba Tri chiều dài sạt lở khoảng 4km làm mất khoảng 45ha đất và 9ha rừng phòng hộ; huyện Thạnh Phú chiều dài sạt lở khoảng 10km làm mất khoảng 56ha đất và 37ha rừng phòng hộ; huyện Bình Đại chiều dài sạt lở trên 5km làm mất khoảng 100ha đất và 8ha rừng phòng hộ).

Nguyên nhân sạt lở do đặc điểm địa hình của tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển dài dẫn đến thường xuyên chịu ảnh hưởng sạt lở. Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, sạt lở bờ sông ở mỗi khu vực có nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu như: Do các bậc thang thủy điện trên thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy (chủ yếu là phân bố theo thời gian) và giảm khối lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 25 - 35% so với trước đây dẫn đến xói lở sẽ gia tăng do thiếu hụt lượng bùn cát trong lòng dẫn. Do đặc điểm hình thái sông (các đoạn sông cong, các sông rạch bị chia cắt nhiều,...), tạo ra hiện tượng dòng chảy xoáy, co hẹp dòng chảy,.... gây xói lòng sông. Việc xây dựng nhà và công trình lấn sông rạch làm tải trọng ven bờ sông tăng lên, đất bờ sông yếu không chịu được tải trọng lớn gây sạt lở bờ. Sóng do gió, do giao thông thủy gây xói lở bờ sông. Khai thác cát gây mất cân bằng bùn cát cũng là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ sông.

Cần phân bổ nguồn vốn khoảng 1.160 tỷ đồng

Hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới so với số liệu tổng hợp nêu trên. Tuy nhiên, mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng,...). Những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở như: Bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Khu vực các cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam; khu vực ven các sông lớn.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1 ngàn tỷ đồng.

Trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng hiện nay, UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn theo Chương trình mục tiêu ứng phó xói lở bờ biển, xâm nhập mặn và chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương khoảng 1.160 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 dự án cấp bách trên địa bàn tỉnh, xếp theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau: Dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng. Kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng. Xói lở bờ biển khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng. Gia cố sạt lở bờ sông khu vực xã Vĩnh Bình huyện Chợ Lách, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 160 tỷ đồng. Kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày (bờ Bắc), huyện Mỏ Cày Nam, kiến nghị Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng. Xói lở bờ biển khu vực xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (giai đoạn 2), kiến nghị Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng.

Các dự án này cần thiết phải đầu tư ngay để khắc phục tình trạng xói lở, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh và được phép sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh để thực hiện, nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh rất hạn hẹp (khoảng 190 tỷ đồng) đã tập trung vào các nhiệm vụ chi của địa phương như: Phòng, chống dịch bệnh, chi đầu tư khẩn cấp các công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt để phòng, chống hạn mặn và xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, kinh phí dự phòng ngân sách tỉnh không đảm bảo để cân đối bố trí triển khai các dự án trên; do đó, UBND tỉnh trình các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện 6 dự án, với số vốn khoảng 1.160 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cam kết sẽ hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đảm bảo thời gian thực hiện giải ngân, thi công, hoàn thành các dự án trong năm 2024.

Tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 9 xem xét, hỗ trợ tỉnh sớm triển khai xây dựng công trình cống An Hóa thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3), nhất là hạng mục công trình nằm trong khu vực sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long để đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra (khu vực này hiện đang bị sạt lở rất nghiêm trọng, tháng 6-2023 đã bị sạt lở với chiều dài trên 20m, chiều rộng sạt lở hơn 4m gây ảnh hưởng đến tuyến ĐH.03 của huyện Châu Thành; hiện một số vị trí lân cận đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở). Đề xuất các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện, trường tiếp tục hỗ trợ tỉnh rà soát, đánh giá các khu vực sạt lở để khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục cho phù hợp. Hỗ trợ xây dựng bản đồ sạt lở toàn tỉnh để phụ vụ công tác chỉ đạo phòng tránh, ứng phó, khắc phục sạt lở.

Đại biểu phát biểu ý kiến về sạt lở. Ảnh: Trần Quốc

Đại biểu phát biểu ý kiến về sạt lở. Ảnh: Trần Quốc

Tại cuộc họp, đại biểu tham gia ý kiến làm rõ thêm tình hình sạt lở đã và đang diễn ra, với mức độ nguy hiểm, làm mất đất, cây trồng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và tính mạnh của người dân. Đại biểu đề nghị, cần khảo sát thực tế từng vị trí sạt lở để sớm có giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, hiện chỉ còn vốn dự phòng, các huyện nên chủ động trong sử dụng. Tập trung xử lý sạt lở những nơi bảo vệ khu công trình công cộng, khu dân cư trong điều kiện nguồn vốn có hạn. Chính sách di dân và hỗ trợ tái định cư thực hiện đúng quy định. Những nơi sạt lở nghiêm trọng, ngành NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh để tiến hành lập dự án, khi trung ương phân bổ vốn triển khai thực hiện ngay. Các địa phương quan tâm triển khai thực hiện và xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép gây sạt lở.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, vừa qua có đoàn của Trung ương đến tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Đoàn trung ương nắm được vị trí địa lý của tỉnh, là địa bàn trọng điểm sạt lở. Tỉnh đã xác định được vị trí cũng như thấy các khiếm khuyết hạn chế. Tỉnh quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kết hợp với các dự án, công trình được triển khai. Những năm gần đây, trung ương hỗ trợ phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng cho tỉnh gần 11 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, sạt lở vẫn còn diễn ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống, đất đai của người dân. Hiện nhu cầu về phòng, chống sạt lở rất cao nhưng trước mắt tập trung cho 8 điểm sạt lở khẩn cấp. Tỉnh đã kiến nghị và đeo bám trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị: Thứ nhất, tỉnh thực hiện các giải pháp mà Sở NN&PTNT đã đề xuất. Thứ hai, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ. Thứ ba, triển khai làm tốt các điểm sạt lở đã có dự án và kinh phí đầu tư. Thứ tư, các kiến nghị đã gởi bộ, ngành trung ương phải đeo bám để có nguồn vốn triển khai thực hiện. Thứ năm, Sở NN&PTNT tham mưu ngay UBND tỉnh có kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai Dự án JICA giai đoạn 3. Thứ sáu, sạt lở gắn liền với thiên tai cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trữ nước mưa, nước ngọt; ngành hữu quan triển khai giải pháp công trình và phi công trình. Thứ bảy, tổ chức hội nghị đánh giá các dự án phòng tránh thiên tai đã triển khai thực hiện, ưu tiên lựa chọn các dự án hiệu quả nhất để nhân rộng. Thứ tám, các sở đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thành phố triển khai các dự án khẩn cấp về sạt, lở, với quy mô nhỏ….

Phát biểu kết luận cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đức Thọ cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre là địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề của biến đổi khí hậu. Hàng năm, nước biển đều dâng cao; sụt lún cũng khá nghiêm trọng. Đây là thực tế mà tỉnh phải đối diện. Tỉnh chủ động khắc phục sạt lở, sụt lún để đảm bảo thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đức Thọ đề nghị cần quan tâm: Quán triệt, bám sát, thực hiện nghiêm kết luận của Chính phủ về sạt lở, sụt lún ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long. Cần chú trọng, quan tâm dự báo để chủ động dự báo, cảnh báo, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài trong phòng ngừa, tránh chủ quan. Tỉnh triển khai các đề tài khoa học đã nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm từ các tỉnh trong khu vực để chủ động phòng, chống sạt lở, sụt lún. Tỉnh chủ động rà soát các khu vực sạt lở để có phương án hợp lý, thông qua các giải pháp trước mắt và lâu dài. Xử lý dứt điểm từng vị trí sạt lở. Trong đầu tư phải chú trọng đến hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh lợi ích nhóm. Tỉnh đã xác định 6 dự án cấp bách cần đeo bám sát bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai.

Nguồn: Nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển cần khẩn trương khắc phục

Trần Quốc

baodongkhoi.vn