Mỏ Cày Bắc 15 năm hình thành và phát triển

Bến Tre: Phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

14:25 | 27/04/2024

|
15 năm - chặng đường hình thành và phát triển của huyện Mỏ Cày Bắc là dấu son minh chứng cho sự phấn đấu cao độ, bước trưởng thành toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Chợ dừa sông Thom đoạn xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc.

Chợ dừa sông Thom đoạn xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc.

Đồng lòng vượt khó

Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, tháng 2-2009, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, theo đó tách một số xã của huyện Mỏ Cày và Chợ Lách thành lập huyện Mỏ Cày Bắc gồm 13 xã. Thời điểm huyện thành lập, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, tình hình KT-XH, đời sống của nhân dân hết sức khó khăn. Lúc đó, đội ngũ cán bộ của huyện đa phần là mới và còn trẻ, cơ sở vật chất phục vụ làm việc hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và xuống cấp.

Ngay sau khi thành lập, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo phát triển KT, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân tập trung tham gia xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển KT nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh phát huy nội lực, được sự giúp đỡ, trợ sức của các cấp, ngành tỉnh, Mỏ Cày Bắc tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, vừa tập trung chăm lo đời sống người dân, kiện toàn tổ chức bộ máy, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đến nay, huyện đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tạo nên những dấu ấn trong hành trình phát triển. KT-XH có bước phát triển rõ rệt, tiềm năng, thế mạnh đang được khơi dậy và phát huy có hiệu quả. So với thời điểm mới thành lập, KT tăng trưởng nhanh, cơ cấu KT chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm gấp 2 lần, công nghiệp và thương mại - dịch vụ tăng gấp 3 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 4,67 lần, thu ngân sách tăng 52,4 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,34 lần. Hộ nghèo giảm từ 12,51% (2009) còn 1,7% (cuối năm 2023).

Từ một huyện xuất phát điểm KT thấp, đến nay, Mỏ Cày Bắc đã có nền tảng KT-XH phát triển khá. Huyện đã quy hoạch, đầu tư phát triển cụm công nghiệp ở Tân Thành Bình, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển với nhiều ngành nghề phong phú mang lại giá trị sản xuất cao. Tích cực, chủ động thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp góp phần mang lại hiệu quả cho việc phát triển doanh nghiệp của huyện nhà. Chú trọng mở mang các loại hình dịch vụ, thương mại, sự xuất hiện đa dạng, phong phú của loại hình phân phối, các dịch vụ viễn thông, tín dụng, vận tải, vận chuyển như: chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi… đã góp phần làm cho thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện sôi động hơn.

Theo thống kê, tổng mức lưu thông hàng hóa dịch vụ năm 2023 là 1.697.581 triệu đồng, tăng 6,1 lần so với năm 2010. Du lịch cũng có bước chuyển thông qua các hình thức xúc tiến phát triển tiềm năng du lịch của địa phương với các mô hình du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm và ẩm thực ở Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi, Thanh Tân, Phú Mỹ, đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Chú trọng xây dựng nông thôn mới

Kết quả trên là cả chặng đường dài cố gắng không ngừng nghỉ của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và người dân trong huyện. Bày tỏ niềm phấn khởi trước sự phát triển huyện, ông Nguyễn Văn Thang, hộ dân ấp Thủ Sở, xã Thạnh Ngãi cho biết: “Địa phương từ huyện đến xã đã có rất nhiều thay đổi, đặc biệt, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Giao thông nông thôn mở rộng thông thoáng, đan hóa, nhựa hóa. Lãnh đạo huyện quan tâm, tạo điều kiện cho người dân an tâm phát triển KT, cải thiện thu nhập gia đình và góp phần làm giàu cho quê hương”.

Đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, người dân trong huyện tích cực tham gia các hoạt động phòng trào, chương trình do Nhà nước phát động. Với sự chung sức của toàn dân, huyện xây dựng thành công 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt 19 tiêu chí. Xã Tân Thành Bình được công nhận xã NTM nâng cao. Cùng với đó, mạng lưới y tế cơ sở đều được đầu tư nâng cấp, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Trung tâm y tế đa chức năng của huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học, có 13/41 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội luôn được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,55%. Thực hiện đề án chuyển đổi số đạt 70%, hạ tầng trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và điều hành.

Tập trung công tác xây dựng Đảng

Cùng với sự phát triển của huyện là sự lớn mạnh của đội ngũ đảng viên cả về số lượng và chất lượng. Đảng bộ huyện có 50 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với 4.455 đảng viên, tăng 1,49 lần so với những ngày đầu huyện mới thành lập. Có 57 chi bộ ấp, khu phố đạt trong sạch, vững mạnh toàn diện. MTTQ và các đoàn thể, hội quần chúng hoạt động khá đồng đều và hiệu quả, nhiều năm được cấp trên khen thưởng và tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu vì có thành tích xuất sắc.

Theo Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Phạm Thị Thanh Thảo, để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, huyện luôn chú trọng công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. Thời gian tới, huyện đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đảng trên cả 5 mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã trở thành việc làm thường xuyên và ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt”.

Kết quả 15 năm qua của huyện sẽ góp phần tạo nên những tác động tích cực cho một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của địa phương. Tiếp tục vun bồi thêm niềm tự hào về quê hương, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện trong chặng đường tương lai. Kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ đương nhiệm của huyện, nguyên Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Vũ Thanh bày tỏ: “Tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của nhân dân, quyết tâm và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Mỏ Cày Bắc sẽ vươn lên xây dựng thành công huyện NTM, tiến tới huyện NTM nâng cao”.

“Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra. Tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần “Đồng khởi”, tập trung xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, cơ bản hoàn thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Mỏ Cày Bắc tự tin - năng động - sáng tạo - thân thiện - văn minh. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quyết tâm xây dựng thành công huyện NTM vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030, đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu”.

(Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Phạm Thị Thanh Thảo)

Nguồn: Phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

Phan Hân

baodongkhoi.vn