Bến Tre: Phú Sơn sản xuất hoa kiểng Tết

18:20 | 26/11/2023

|
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Người trồng hoa kiểng trên địa bàn xã Phú Sơn (Chợ Lách) tập trung chăm sóc hoa kiểng bán Tết với niềm hy vọng năm nay sẽ “trúng mùa - được giá”.
Bến Tre: Đưa nghệ thuật múa rối nước về xứ DừaBến Tre: Đưa nghệ thuật múa rối nước về xứ Dừa
Bến Tre và Trà Vinh trao đổi, thống nhất vị trí, quy mô xây dựng cầu Cổ Chiên 2Bến Tre và Trà Vinh trao đổi, thống nhất vị trí, quy mô xây dựng cầu Cổ Chiên 2

Anh Lê Văn Quốc chăm sóc vườn cúc Hà Lan.

Anh Lê Văn Quốc chăm sóc vườn cúc Hà Lan.

Ông Phan Văn Tâm (Bảy Tâm), 57 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 10, ấp Lân Bắc, xã Phú Sơn chia sẻ: “Năm nay, chú trồng 7 ngàn chậu cúc mâm xôi và đạt hơn mọi năm do lượng mưa ít. Sản lượng đạt nhưng chi phí đầu tư lại tăng cao, giá thành như mọi năm; lợi nhuận cho người trồng bị kéo giảm. Dư âm tình hình bệnh “cháy lá” trên cúc mâm xôi năm rồi khiến thương lái đang e dè đặt hàng của người trồng hoa kiểng Tết trong năm nay. Tình hình trên, người trồng hoa kiểng thận trọng hơn trong việc xử lý và chăm sóc, khẳng định chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ”.

Theo ông Bảy Tâm, trồng cúc mâm xôi phải nắm vững kỹ thuật, đúng thời gian thì cây trồng mới tạo nụ và ra bông để bán. Cúc mâm xôi non thường bị thúi thân và xì mủ gốc nên người trồng phải bón phân cũng như làm bông tương thích thời tiết. Không được “yêu chiều” cây trồng mà tưới nhiều phân (tuyệt đối không tưới phân D.A.P) mà phải “đày” để tạo độ cứng cáp cho thân cây trồng. Vạn thọ dễ trồng và cũng dễ bệnh hơn cúc mâm xôi, vì khi trổ bông gần bán thì nhụy vạn thọ thường bị úng.

“Hơn 15 năm, tôi gắn bó với việc trồng hoa kiểng bán Tết. Hiện tại, gia đình đang trồng 700 gốc cùng 1 ngàn cây mai vàng và 2 ngàn chậu cúc Hà Lan để phục vụ thị trường Tết. Sau 4 tháng chăm sóc, cúc Hà Lan có thể bán; hơn 17 ngày có thể ngắt đọt 1 lần. Hoa cúc Hà Lan chậu lớn bán giá từ 500 - 600 ngàn đồng/cặp, chậu nhỏ bán giá từ 30 - 35 ngàn đồng/chậu. Hiện tại, thương lái tỉnh Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh đã đến tận vườn đặt hàng hơn 50% tổng số hoa kiểng. Phần còn lại sẽ được chuyển đi chợ Tết tại TP. Hồ Chí Minh bán lẻ”, anh Lê Văn Quốc, 45 tuổi, ngụ Tổ NDTQ số 9, ấp Lân Tây bộc bạch.

Ông Bảy Tâm tận dụng diện tích ao vườn tự nhiên trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu mỗi ngày cho cúc mâm xôi. Giai đoạn cúc mâm xôi còn nhỏ, ông tưới trực tiếp bằng hệ thống vòi nước tự động (1 lần/ngày), thời gian từ 0,5 - 1 tiếng. Khi cây trồng kết nụ và đơm hoa, ông sử dụng phương thức chích gốc bằng vòi tưới với áp lực nước nhẹ (2 lần/ngày). Chăm sóc cúc mâm xôi trải qua nhiều công đoạn: ươm cây giống (2 tháng), vào chậu nhỏ (1 tháng) và chậu lớn (1 tháng), chăm sóc tạo nụ và ra hoa (2 tháng), rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn Đặng Quốc Việt cho biết: Năm nay, tình hình trồng hoa kiểng bán Tết của người dân ở địa phương có phần giảm từ 20 - 30% so với mọi năm. Do tình hình thị trường tiêu thụ cũng như đặt hàng hoa kiểng Tết của thương lái chưa được ổn định nên đã kéo giảm số lượng trồng của người dân. Đảng ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng đơn vị có liên quan ở địa phương đang đẩy mạnh tìm kiếm và kết nối đầu mối tiêu thụ cho sản phẩm, tạo sự ổn định đầu ra hoa kiểng Tết của người dân địa phương.

Nguồn: Phú Sơn sản xuất hoa kiểng Tết

Lê Đệ

baodongkhoi.vn