Bến Tre: Vượt khó khởi nghiệp với cơm cháy chà bông

04:10 | 08/11/2023

|
Hơn 3 năm, em Nguyễn Văn Có, 19 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 2, ấp Bảo Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ba Tri) khởi nghiệp từ việc chế biến cơm cháy. Đến n
Bến Tre: Cô gái 9x khởi nghiệp trồng nấm tại nhàBến Tre: Cô gái 9x khởi nghiệp trồng nấm tại nhà
Bến Tre: Hội thảo “Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững”Bến Tre: Hội thảo “Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững”

Nguyễn Văn Có bên sản phẩm Cơm cháy chà bông của mô hình khởi nghiệp.

Nguyễn Văn Có bên sản phẩm Cơm cháy chà bông của mô hình khởi nghiệp.

Năm 2019, em Nguyễn Văn Có bắt đầu làm cơm cháy ngọt nhưng không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên thị trường tiêu thụ. Cuối năm 2020, em chuyển sang làm cơm cháy chà bông từ 10 triệu đồng vốn của người thân, họ hàng cho mượn. Công việc chế biến cơm cháy chà bông, giúp Có tạo thu nhập ổn định tiếp bước cho 2 đứa em (em trai kế học lớp 5 và gái út học lớp 4) tiếp tục đến trường cũng như chăm lo ông, bà ngoại đã lớn tuổi.

“Thời còn đi học, em thường mua cơm cháy mỡ hành ăn. Với những đặc tính hôi dầu, không giòn và màu sắc không được sặc sỡ, chỗ đen, nơi trắng mà không vàng đều. Từ đó, em rút kinh nghiệm cho bản thân và áp dụng thiết thực vào công việc khởi nghiệp. Trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm cơm cháy chế biến. Để đứng vững trên thị trường, trong chế biến cơm cháy em luôn ưu tiên chất lượng, tạo nên thương hiệu cho sản phẩm”, Có bộc bạch.

Bước đầu khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nghị lực tuổi trẻ cùng quyết tâm lập nghiệp, Có học hỏi kinh nghiệm cũng như tích lũy kỹ năng cùng thị hiếu khách hàng nên đã tạo bước thành công với thương hiệu Cơm cháy chà bông Như Ý. Có phấn đấu làm việc hết mình trong việc chế biến từ 2 - 3 hộp/ngày nâng lên từ 40 - 50 hộp/ngày. Ngoài cơm cháy chà bông, Có còn sản xuất cơm cháy khô gà trọng lượng túi và hộp giống như cơm cháy chà bông, giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng/túi và từ 50 - 65 ngàn đồng/hộp.

Sau khi chế biến, cơm cháy chà bông được vào túi lớn (giá bán 130 ngàn đồng/kg) và túi với trọng lượng 200gram, giá bán từ 30 - 35 ngàn đồng/túi; hộp có trọng lượng 300gram, giá bán từ 45 - 50 ngàn đồng/hộp để bán sỉ và lẻ theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi ngày, Có chế biến từ 200 - 300 túi và hơn 100 hộp cơm cháy chà bông, lợi nhuận gần 1 triệu đồng/tuần sau khi trừ hết chi phí đầu tư sản xuất. Có áp dụng song hành phương thức bán hàng truyền thống và online.

Hiện tại, Có đang chế biến cơm cháy chà bông theo phương thức thủ công. Hướng tới, tận dụng nguồn vốn tích góp của bản thân cùng sự chung sức đồng hành hỗ trợ của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị có liên quan các cấp sẽ đầu tư máy móc và thiết bị chế biến bằng điện; mở rộng diện tích nhà xưởng, tăng số lượng sản xuất và thu nhập ổn định. Hiện tại, Có đã tích góp được gần 100 triệu đồng từ việc bỏ ống heo để làm kinh phí xây dựng xưởng chế biến mở rộng dự án khởi nghiệp.

Bí thư Xã đoàn Vĩnh Hòa Nguyễn Thị Anh Thi cho biết: Nguyễn Văn Có đã vượt khó thành công cùng mô hình khởi nghiệp chế biến cơm cháy chà bông. Xã đoàn sẽ giới thiệu tấm gương này cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn mà quyết tâm khởi nghiệp nắm bắt để học tập và làm theo. Xã đoàn phối hợp với UBND xã Vĩnh Hòa đã hỗ trợ thủ tục và xây dựng quy trình để đăng ký OCOP 3 sao cho sản phẩm Cơm cháy chà bông Như Ý của em Nguyễn Văn Có. Bên cạnh đó, Xã đoàn sẽ tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi nhận ủy thác dành cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Tri hỗ trợ cho Có mở rộng mô hình khởi nghiệp.

Nguồn: Vượt khó khởi nghiệp với cơm cháy chà bông

Lê Đệ

baodongkhoi.vn