Bị hỏi "năm rồi kiếm được nhiêu tiền?", hàng triệu người Trung Quốc nhờ quân sư AI

16:11 | 11/02/2024

|
Hàng triệu người Trung Quốc, trong đó có nhiều người trẻ, đã tải một trò chơi chat với trí tuệ nhân tạo (AI) để luyện tập khả năng phản xạ trước những câu hỏi của người thân trong dịp Tết.
Bị hỏi "năm rồi kiếm được nhiêu tiền?", hàng triệu người Trung Quốc nhờ quân sư AI
Người Trung Quốc chăm chú với điện thoại thông minh khi chờ xe lửa về quê ăn Tết - Ảnh: AFP

Theo Hãng thông tấn AFP, mỗi khi các đại gia đình tụ tập dịp nghỉ lễ lớn nhất Trung Quốc - Tết Nguyên đán - cũng là lúc diễn ra "cuộc tra khảo" của các bậc phụ huynh và họ hàng.

Những câu hỏi quan tâm có phần quá nhiệt tình, đi vào những vấn đề riêng tư khiến các bạn trẻ rơi vào thế khó.

Hiểu được điều đó, một trò chơi mới sử dụng chatbot AI đã ra đời với tên gọi "Đoàn tụ năm mới". Trong đó, nó đưa ra hàng loạt câu hỏi hóc búa mà giới trẻ có thể gặp phải như "Có bạn đời chưa? Khi nào bạn kết hôn? Năm ngoái bạn kiếm được bao nhiêu tiền?".

Trò chơi do một nhóm sinh viên phát triển và ra mắt vào cuối tháng 1 vừa qua. Nó bất ngờ thu hút được hơn 3 triệu lượt người dùng trong vòng một tuần, trước khi máy chủ bị sập vì lượng truy cập quá tải.

Một trong những người sáng tạo trò chơi trên, chị Wang Ziyue, 21 tuổi, chia sẻ: "Lúc đầu mọi người nghĩ đây là một trò chơi xúc phạm người thân. Nhưng sau đó, họ nhận ra rằng có thể sử dụng trò chơi này để biết cách nói chuyện với những người thân yêu và khiến họ hạnh phúc như thế nào".

Trò chơi có dàn nhân vật gồm 10 người thân với các mức độ không đồng tình, tò mò hoặc quan tâm khác nhau.

Người chơi có thể bị lên án là "ích kỷ", "bất hiếu" hoặc bị buộc tội "làm gia đình thất vọng", nếu công việc hoặc hoàn cảnh hôn nhân của họ không làm hài lòng những người kiểm tra chéo hoặc nếu họ trả lời một cách thô lỗ.

Các bà cô/dì AI cũng có thể rất đáng yêu, với những lời nhắc nhở: "Hãy đảm bảo an toàn khi lái xe" hoặc "Nhớ mặc ấm nhé".

Người chơi phải trải qua các cấp độ khác nhau, xoa dịu tất cả 8 cô/dì/chú/bác trước khi tiến tới "trùm cuối" là cha mẹ.

Chị Wang cho biết trò chơi được thiết kế để hỗ trợ giao tiếp giữa các thế hệ. "Chúng tôi hy vọng nó sẽ mang lại sự quan tâm nhân văn nào đó cho những người trẻ tuổi trong dịp Tết Nguyên đán và giúp họ hiểu được tình yêu và sự quan tâm của người thân", chị Wang nói với AFP.

Người phụ trách sản xuất trò chơi trên, anh Shi Hongjie cho biết: "Trong các tình huống thực, bạn không thể nói chuyện thoải mái. Sự bất bình tích tụ có thể dễ dàng bùng phát vào một ngày nào đó. Giờ đây, bạn có thể trút nỗi niềm với AI, giúp bạn trò chuyện với gia đình dễ dàng hơn khi về nhà".

Một số người dùng đã ngạc nhiên về những trải nghiệm với trò chơi. Một người chia sẻ trên Xiaohongshu (giống Instagram) rằng sau 8 vòng hỏi đáp với AI, anh đã phải "toát mồ hôi hột vì lo lắng".

Những người khác lại thấy cảm động trước những người thân thay thế. "Là một người không thể về nhà trong năm nay, tôi đã rất cảm động với bà mẹ AI của tôi khi vòng hỏi đáp kết thúc", một người thú nhận.

Trưởng nhóm phát triển trò chơi Yu Linfeng cho biết một người dùng có cha đã mất cách đây 14 năm cũng kể với anh rằng anh ta đã khóc suốt đêm sau khi chơi. "Đã lâu rồi tôi mới nói chuyện như thế này với người thân", anh Yu thuật lại tâm sự của người dùng nọ.

Nguồn: Bị hỏi 'năm rồi kiếm được nhiêu tiền?', hàng triệu người Trung Quốc nhờ quân sư AI

Duy Linh

tuoitre.vn