Bóng đá Việt Nam: Làm từ gốc, nhưng...gốc nào?

12:00 | 12/04/2024

|
Trong buổi lễ trao thưởng cho các VĐV thuộc biên chế của CLB bóng bàn T&T sau thành tích đặc biệt tại SEA Games 32, bầu Hiển, người vốn nổi tiếng với bóng đá, đã khẳng khái nhận định "chính ra với bóng bàn, chúng ta có thể vươn đến đỉnh, còn tốt hơn cả bóng đá". Bầu Hiển đã nói như vậy, hẳn là rất tin cậy.
Bóng đá Việt Nam phải chuyển giao trên nhiều phương diệnBóng đá Việt Nam phải chuyển giao trên nhiều phương diện
Bao giờ bóng đá Việt Nam trở lại?Bao giờ bóng đá Việt Nam trở lại?

1. Mảng bóng bàn của T&T ra đời năm 2008, gần như là con số 0, và ở thời điểm đó thì bản thân T&T cũng chẳng có gì đặc biệt trong giới thể thao khi đội bóng mà sau này là số 1 lịch sử V-League, lúc đó vẫn còn chưa thăng hạng. Hơn chục năm chỉ có đổ tiền cho bóng bàn, cuối cùng thì T&T cũng có thành quả với chiếc HCV đôi nam – nữ tại SEA Games và sau đó là các danh hiệu ở giải nội địa.

Như vậy là chỉ đầu tư 2 môn, nhưng CLB thể thao T&T đang là nguồn cung cấp tuyển thủ quốc gia chất lượng. Họ đang làm thay việc của ngành thể thao với một tiêu chuẩn cao nhất. Mô hình các CLB chuyên nghiệp có thể phát triển được nhiều môn thể thao đó là đỉnh cao của chiến lược xã hội hóa thể thao.

Tuy nhiên, con số này vô cùng ít. Ngoài T&T chưa thấy có nơi nào có hướng phát triển tương tự.

Bóng đá Việt Nam: Làm từ gốc, nhưng...gốc nào?
Phan Tuấn Tài (phải) là một sản phầm tiêu biểu của lò đào tạo trẻ Thể Công Viettel và Tuấn Tài từng được đem đi cho mượn để tích luỹ kinh nghiệm, rồi trở về Thể Công Viettel sau khi đã trưởng thành. Ảnh: Hoàng Linh

Thật ra mô hình này không mới. Thời bao cấp, có rất nhiều đơn vị hoặc doanh nghiệp Nhà nước phát triển các CLB chuyên nghiệp đa môn. Trung tâm thể thao quân đội là ví dụ, hay ở mảng doanh nghiệp có Bưu điện TP.HCM "ôm" cả bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, xe đạp…

Lợi thế của các doanh nghiệp làm thể thao theo kiểu này đó là họ được cộng hưởng quảng bá cho thương hiệu bên cạnh "nghĩa vụ" xã hội hóa, các VĐV thì yên tâm về "đầu ra" sau khi giải nghệ. Những giá trị này rất thiết thực nên từ đơn vị đầu tư đến VĐV đều phấn đấu có thành tích càng cao, càng nhiều thì càng có nhiều lợi ích.

Nhưng vấn đề là khi chuyển sang mô hình của tư nhân thì mọi thứ trở nên bế tắc. Doanh nghiệp tham gia làm thể thao thường cũng chỉ dừng lại ở một môn, và cũng không nhiều nơi đầu tư lâu dài. Vì sao?

2. Khi đề cập đến việc phát triển bóng đá Việt Nam cho tầm nhìn World Cup, từ lãnh đạo VFF cho đến các nhà chuyên môn đều dễ dàng xác định: Đào tạo trẻ là gốc rễ. Vấn đề là cũng chưa thấy ai chỉ ra, gốc nào?

Hãy đến với TP.HCM, đại đô thị hơn chục triệu dân, vậy nhưng bao nhiêu năm qua gần như không thể đào tạo ra cầu thủ trẻ. Thế là nơi này luôn đối diện với khả năng trở thành "vùng trắng" của bóng đá đỉnh cao. Cả thành phố, giờ chỉ còn đúng 3 đội bóng tham gia hệ thống bóng đá quốc gia từ V-League xuống đến hạng Nhì. Không có cầu thủ, thì làm sao có CLB?

Thế nên, nói "đào tạo trẻ là gốc rễ" thì quá dễ, ai nói cũng được, nhưng cần phải làm rõ nơi nào sẽ đào tạo. Trong thời điểm mà V-League phát triển tốt nhất (2008-2012), chúng ta nghe nói rất nhiều đến những sự hợp tác đào tạo trẻ với các thương hiệu quốc tế, từ Bayern Munich đến Juventus, Lyon, Barcelona, AC Milan… nhưng rốt cục thì chẳng đi đến đâu. Chẳng có hạt nhân nào trên đội U23 hay đội tuyển quốc gia hiện tại có xuất phát từ những chương trình hoành tráng đó cả.

Chung quy lại, câu chuyện về đào tạo trẻ phải thật cụ thể hơn, đó có phải là trách nhiệm của các CLB hay không? Còn nếu không thì là ai?

Bóng đá Việt Nam từng có trung tâm đào tạo PVF hoạt động phi lợi nhuận thành lập từ năm 2008, cũng có chất lượng đứng đầu Đông Nam Á, nhưng rồi trung tâm này cũng đang rơi vào trạng thái "bình thường" khi họ không sở hữu bất kỳ CLB nào. Đào tạo trẻ đã khó, vô cùng tốn kém, mà cứ bỏ tiền để đào tạo miễn phí thì nghe thiếu thực tế quá, khó bền vững.

3. Câu chuyện thành công cả bóng đá lẫn bóng bàn của T&T rất đáng suy ngẫm. Họ làm tốt, dài lâu và thành công rất rõ ràng, rực rỡ cho thấy đấy là một hướng đi đúng đắn. Vậy thì tại sao những người khác không thể làm điều tương tự?

Có lẽ vấn đề không nằm ở bầu Hiển mà ở các nhà quản lý. Chúng ta không thể kỳ vọng vào việc sẽ có nhiều người yêu thích và tâm huyết như bầu Hiển. Hơn nữa, điều này không ép buộc cho được. Nhưng hoàn toàn có đủ các biện pháp kỹ thuật để thúc đẩy các CLB phải làm như T&T.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp buộc các CLB phải có tối thiểu 3 tuyến trẻ, nhưng chẳng ai biết là "đủ" như thế nào? Cứ đến giải rồi thành lập đội bằng cách mượn cầu thủ nơi khác, ký hợp đồng ngắn hạn, cũng là đủ.

Thế nên, muốn các CLB phải đào tạo trẻ thì chẳng còn cách nào khác, ngoài việc dựng lên những hàng rào kỹ thuật. Ví dụ như việc danh sách đăng ký thi đấu phải có tỷ lệ bao nhiêu cầu thủ "home-growth", tức là cầu thủ đó phải có hợp đồng thi đấu với CLB liên tục ở các giải U.

Bằng cách này hay cách khác, các CLB có thể né tránh việc đào tạo cầu thủ trẻ, nhưng họ phải có trách nhiệm với những nơi đào tạo bằng các bản hợp đồng kiểu như vậy. Khi đó, nơi đào tạo cũng yên tâm là các học viên của mình sẽ có một CLB để khoác áo sau khi tốt nghiệp.

Nói cách khác, gốc rễ của việc đào tạo cầu thủ trẻ phải là CLB. Ngày trước, trường Năng khiếu nghiệp vụ của TP.HCM có nhiều lứa cầu thủ xuất sắc cũng là vì "ra trường" bao nhiêu cũng không đủ để phân về cho Cảng Sài Gòn,– Công an TP.HCM và Hải Quan.

Còn bây giờ, kể cả khi LĐBĐ TP.HCM chủ động đào tạo trẻ thì lỡ như chẳng còn CLB nào chơi chuyên nghiệp thì sao? Đâu thể "ép" ai đó phải thành lập ra các "lò" đào tạo, cách đơn giản nhất là buộc những CLB phải có những cầu thủ "home-growth", còn họ tìm ở đâu, nhờ ai đào tạo, thì cũng tốt cả.

Tiếc là hiện nay, bóng đá Việt Nam cứ đi theo quy trình ngược. Trong danh sách 36 cầu thủ vừa được gọi tập trung cho đội tuyển U17 trong năm 2024 thì có đến 15 người đến từ các đội hạng Nhất hoặc trung tâm đào tạo. Số cầu thủ đến từ V-League thì phần lớn đến từ 4 đội: Thể Công Viettel, HA.GL, SLNA, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Vậy các tuyển thủ U17 của các CLB V-League còn lại ở đâu? Hỏi là đã trả lời. Trong số 21 đội bóng dự vòng loại giải vô địch quốc gia U17 năm 2024 thì chỉ có 9 cái tên đến đến từ V-League mà thôi.

Có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ không thiếu nguồn cầu thủ trẻ. Hệ thống bóng đá địa phương vẫn đang làm công việc này, nhưng chất lượng của cầu thủ trẻ lại phụ thuộc vào khả năng đào tạo. Muốn đào tạo tốt, thì cần có đầu ra ổn định và hệ thống thi đấu các giải trẻ phong phú.

Đó chính là điểm mấu chốt. Bởi nếu các CLB chuyên nghiệp không tham gia vào chuỗi quy trình này thì câu chuyện đào tạo trẻ sẽ vẫn ở trong vòng luẩn quẩn về chất lượng. Ngay những dự án hợp tác, liên kết đình đám mà còn chưa ăn thua thì việc phó mặc cho các "lò" địa phương hoặc các CLB cấp thấp làm bóng đá trẻ thì cũng chỉ chờ "ăn may".

Nguồn:Bóng đá Việt Nam: Làm từ gốc, nhưng...gốc nào?

Long Khang

thethaovanhoa.vn