Cà Mau: Bảo vệ vụ lúa tôm và đông xuân trước El Nino

17:10 | 12/07/2023

|
Sáng ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chủ trì hội nghị bàn giải pháp ứng phó với El Nino cho sản xuất vụ lúa tôm và vụ lúa đông xuân 2023-2024.
Cà Mau: Sạt lở “ngăn đường” về đích nông thôn mớiCà Mau: Sạt lở “ngăn đường” về đích nông thôn mới
Cà Mau: Những lưu ý khi nuôi tôm trong mùa mưaCà Mau: Những lưu ý khi nuôi tôm trong mùa mưa

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, tổng lượng mưa trong toàn mùa mưa năm 2023 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Theo đó, mùa mưa có khả năng kết thúc trong khoảng tuần đầu tháng 11, sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10 ngày. Khả năng đỉnh điểm của đợt El Nino có thể xảy ra trong 3 tháng (từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024) với cường độ từ trung bình đến mạnh. Trong các tháng mùa khô ít xảy ra mưa trái mùa, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cảnh báo vụ lúa tôm và vụ đông xuân năm nay sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do hạn hán, xâm nhập mặn.

Trước nhất, tổng lượng mưa trong 3 tháng (từ tháng 7-9) ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm sẽ không đủ lượng nước ngọt để bà con nông dân rửa mặn triệt để trên vụ lúa tôm. Khi xuống giống, nắng nóng kéo dài làm độ mặn trong đất và nước tăng cao ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa có thể gây thiệt hại nặng. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân vẫn còn tập quán canh tác lúa tôm theo phương pháp cấy, sử dụng giống lúa dài ngày (Một bụi đỏ) nên nguy cơ lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn vào cuối vụ là rất lớn.

Đặc biệt, vụ hè thu năm nay gieo sạ muộn dẫn đến thu hoạch muộn, kéo theo vụ đông xuân gieo sạ muộn, các địa phương tranh thủ xuống giống tập trung đồng loạt sẽ gây thiếu nước cuối vụ. Nắng nóng nhiệt độ cao sẽ làm một số đối tượng dịch hại như: Chuột, bọ trĩ, cỏ dại, rầy nâu, rầy cánh trắng, nhện đỏ... có thể bộc phát.

Theo đó, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, áp dụng biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, canh tác sinh thái, hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Đại biểu các đơn vị, địa phương đề xuất các giải pháp ứng phó với El Nino.

Đại biểu các đơn vị, địa phương đề xuất các giải pháp ứng phó với El Nino.

Trong đó, xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống, phân vùng sản xuất trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hạ tầng; xác định cụ thể những vùng bị xâm nhập nhiễm mặn theo từng mức độ để bố trí lịch thời vụ cho phù hợp. Xác định những nơi có đủ điều kiện thì tập trung chỉ đạo sản xuất ăn chắc vụ lúa tôm. Những nơi không đủ điều kiện (độ mặn cao, gần các cửa sông, vùng trũng thấp khó tháo nước rửa mặn), không khuyến cáo nông dân xuống giống nếu điều kiện không đảm bảo.

Chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tăng cường sử dụng giống lúa nhóm A có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn. Vận động nông dân chuyển đổi giống lúa mùa địa phương dài ngày (Một bụi đỏ) sang giống lúa cao sản ngắn ngày nhóm A để rút ngắn thời vụ nhằm giảm thiệt hại cuối vụ.

Rà soát lại hệ thống thủy lợi, bố trí, gia cố bờ bao, bờ đê cống, đập, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng ngăn mặn giữ ngọt trong mùa mưa để chủ động sản xuất lúa tôm đạt kết quả.

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, với trên 28.000 ha đất sản xuất lúa 2 vụ và trên 5.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, trong nhiều năm qua, địa phương đã phân vùng sản xuất trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hạ tầng (đê bao, ô thủy lợi, hệ thống trạm bơm ...), xác định được các vùng cao gò, vùng trũng, vùng có đê bao khép kín, vùng không có đê bao khép kín để bố trí lịch thời vụ phù hợp; quản lý được nguồn nước dự trữ trên hệ thống sông, kênh, rạch, hạn chế tháo bỏ nước ra sông lớn.

Vụ sản xuất lúa tôm năm 2022 của nông dân tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình.

Rút kinh nghiệm từ 2 đợt hạn hán gây thiệt hại lớn đến sản xuất của người dân ở mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, yêu cầu các đơn vị, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 397 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; đồng thời thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong xây dựng các phương án ứng phó với El Nino một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án tình huống mưa nhiều, chống ngập một số vùng trũng thấp; chuyển đổi giống lúa dài ngày như Một bụi đỏ sang sử dụng giống lúa nhóm A ngắn ngày, xây dựng lịch thời xuống giống từng khu vực 2-3 xã để điều tiết nước từ vùng này qua vùng khác và thu hoạch được thuận lợi, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ nông sản.

“Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, để giải quyết cho vấn đề hạn mặn vào cuối vụ lúa tôm và vụ đông xuân năm nay. Đặc biệt, hướng dẫn bà con thực hiện kê khai sản xuất ban đầu. Hướng dẫn mùa vụ sản xuất, cơ cấu giống; trang bị máy bơm, nạo vét, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa, bờ bao để chủ động ứng phó toàn diện trước El Nino”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý.

Nguồn: Bảo vệ vụ lúa tôm và đông xuân trước El Nino

Trung Đỉnh - Trầm Nghĩ

baocamau.com.vn