Cà Mau: Cần tiếng nói chung cho kinh tế tập thể

19:15 | 15/03/2023

|
Không thể phủ nhận rằng, kinh tế tập thể (trong đó có hợp tác xã) đã mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương. Mỗi hợp tác xã (HTX) thực hiện theo một mô hình kinh tế nổi trội và tuân thủ theo luật quy định. Tuy nhiên, HTX muốn vững bước phát triển thì rất cần tiếng nói chung từ các thành viên, để không “hữu danh vô thực”.
Cà Mau: Tăng thu nhập từ kiến thức nghềCà Mau: Tăng thu nhập từ kiến thức nghề
Tin bất động sản ngày 14/3: Phát hiện sai phạm hơn 74 tỉ đồng qua thanh tra quản lý đất đai tại Cà MauTin bất động sản ngày 14/3: Phát hiện sai phạm hơn 74 tỉ đồng qua thanh tra quản lý đất đai tại Cà Mau

Xuất phát từ nhu cầu lớn trong liên kết sản xuất, năm 2018, HTX Thuận Ðiền (xã An Xuyên, TP Cà Mau) được thành lập trong niềm vui mừng của những nông hộ trồng hoa màu tại địa phương. Ban đầu thành lập, HTX có 9 thành viên tham gia, nhưng hiện tại còn 7 thành viên, quy mô gần 4,5 ha đất nông nghiệp, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng. Ban quản lý gồm 3 thành viên trong Hội đồng Quản trị và 1 kiểm soát viên. Hoạt động của HTX chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng hoa màu).

Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Thuận Ðiền, chia sẻ: “Khi thành lập HTX, người trồng hoa màu chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm hoạt động, bản thân tôi nhận thấy rằng, nhiều thành viên vẫn chưa có được tiếng nói chung. Có nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan...”.

Bên cạnh đó, các thành viên chủ yếu đều kiêm nhiệm, do vậy, việc điều hành gặp khó khăn. Một điểm khó nữa là khi một thành viên nào đó gặp bất lợi về vụ mùa thì họ tập trung cho vụ mùa của mình, không thể cùng HTX tham gia hoạt động khác...

Ông Hậu phân tích, việc sản lượng không ổn định, giá cả bấp bênh, sâu bệnh, chi phí sản xuất cao... càng làm cho thành viên HTX thêm gánh nặng. Do tồn tại nhiều khó khăn từ bên ngoài và cả nội tại nên hiện tại HTX Thuận Ðiền đang hoạt động theo hướng riêng để các thành viên chủ động hơn trong sản xuất, vì các thành viên luôn cần nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Cà Mau: Cần tiếng nói chung cho kinh tế tập thể
Từ khi thành lập HTX, giá cả nông sản ở địa phương khi tiêu thụ được bảo đảm, tình trạng thương lái ép giá giảm dần.

Trước những thách thức, tác động từ bên ngoài cho đến nội tại thời gian qua, HTX rất cần một hướng đi mới, bền vững hơn để có thể phát huy hết vai trò HTX. “Sắp tới chúng tôi sẽ tính toán lại HTX, chứ không để hoạt động cầm chừng, thiếu tính liên kết như vậy. HTX thật ra là nơi tạo ra rất nhiều cơ hội, thuận lợi cho nông dân, đặc biệt là các thành viên có thể liên kết lại với nhau để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, HTX có thể phân khúc thị trường, đánh giá năng lực từng thành viên để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn”, ông Hậu bày tỏ.

Theo như tính toán của các thành viên HTX Thuận Ðiền, mỗi năm trồng được 3 vụ dưa leo, có khi xen canh thêm khổ qua, bí đao, rau cải… Chỉ tính riêng dưa leo, sản lượng đạt 30 tấn/ha/vụ. Nếu như trừ các khoản chi phí, mỗi vụ thu về cũng trên 60 triệu đồng. Ðây là cách tính toán đơn giản khi trúng mùa được giá, còn nếu thất mùa thì thu nhập của người trồng bị ảnh hưởng.

Ông Từ Văn Hoài, Ấp 8, xã An Xuyên, thành viên HTX Thuận Ðiền, nhận định, trồng hoa màu thu nhập cao hơn gấp 3 lần trồng lúa. “Ai cũng hiểu rằng một khi tham gia trồng hoa màu thì người nông dân được thu nhập cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, làm nông nghiệp đâu phải lúc nào cũng trúng mùa, trúng giá. Do vậy, khi tham gia HTX, bản thân tôi rất cần tiếng nói chung, sự chung tay đoàn kết của các thành viên để rõ ràng, minh bạch từ hoạt động cho đến nguồn phí. Sự đoàn kết còn là sức mạnh để những người nông dân trồng hoa màu có được kiến thức trong canh tác, sản xuất hoa màu đạt sản lượng cao, tránh rủi ro thiệt hại, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ép giá, hàng hoá dội chợ...”, ông Hoài mong muốn.

Ông Quách Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau, cho biết: “Tại địa phương hiện có 1 HTX và hướng sắp tới sẽ thành lập thêm 1 HTX hoa màu. Ðối với tình hình hoạt động của HTX, địa phương rất quan tâm, bám sát hoạt động sản xuất của các thành viên. Tuy nhiên, hiện tại hoạt động HTX chưa phát huy hết hiệu quả, do tác động tình hình dịch Covid-19 vừa qua, rồi biến động giá cả thị trường… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, tận dụng các lớp tập huấn cho nông dân, đặc biệt là cho các thành viên HTX. Bên cạnh đó, tham mưu Phòng Kinh tế TP Cà Mau kêu gọi các dự án, nguồn hỗ trợ nông nghiệp để đồng hành cùng HTX, để hoạt động sản xuất cũng như hoạt động HTX được ổn định, phát triển bền vững”./.

Nguồn: Cần tiếng nói chung cho kinh tế tập thể

Hằng My

baocamau.com.vn