Cà Mau: Hủ tiếu vào OCOP

15:56 | 20/02/2023

|
Tiếp nối nghề làm hủ tiếu bột gạo truyền thống của gia đình, chị Phạm Thị Thuỳ (Ấp 4, xã Tắc Vân, TP Cà Mau) đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp số lượng lớn hủ tiếu ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Sau 5 năm, chị nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hủ tiếu bột gạo của gia đình chị Thuỳ vinh dự được chọn là sản phẩm OCOP đầu tiên ở địa phương.
Cà Mau: Khánh thành 2 cầu Hy vọngCà Mau: Khánh thành 2 cầu Hy vọng
Cà Mau có hơn 3.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏiCà Mau có hơn 3.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Năm 2018, bắt tay vào nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, chị Thuỳ đầu tư hơn 200 triệu đồng mua trang thiết bị máy móc hiện đại như: máy xay bột, máy tráng bột, máy cắt, để hạn chế sức người, tăng số lượng sản phẩm.

Chị Thuỳ cho biết: “Có máy móc hiện đại thì giảm việc làm bằng thủ công, nhưng không vì thế mà tôi lơ là đi khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi đầu tư xây dựng sản phẩm truyền thống của gia đình từ hình thức đến chất lượng, nhờ đó hủ tiếu bột gạo của tôi có chỗ đứng nhất định trên thị trường”.

Quy trình làm ra sợi hủ tiếu lắm công phu, trải qua 4 công đoạn cơ bản, gồm: xay bột, tráng bột, phơi bột và cắt thành sợi. Gạo được ngâm khoảng 24 giờ rồi cho vào máy xay nhuyễn thành bột, sau đó trộn với một số gia vị rồi tráng bột thành từng lớp mỏng và phơi, sau khi phơi khô sẽ trụng sơ trước khi cắt thành từng sợi hủ tiếu thành phẩm cung cấp ra thị trường.

Theo chị Thuỳ, để làm ra sợi hủ tiếu dai, ngon thì khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Chị Thuỳ chia sẻ: “Tôi chọn gạo Hầm Trâu để xay bột và thêm bột mì, muối nhằm tăng hương vị. Một ký gạo sẽ cho ra khoảng 1,1 kg hủ tiếu. Bên cạnh khâu chọn nguyên liệu, quá trình phơi bột cũng khá quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến độ dài và dai của sợi hủ tiếu”.

Bột sau khi tráng sẽ đem phơi, công đoạn này khá quan trọng vì nó ảnh hưởng đến độ dài và dai của sợi hủ tiếu.

Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của gia đình chị Thuỳ cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn hủ tiếu, giá bán trung bình từ 20-25 ngàn đồng/kg, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí. Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế hộ gia đình, cơ sở sản xuất của chị Thuỳ còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ của địa phương với công đoạn phơi bột, thu nhập ổn định mỗi tháng.

Sau 5 năm đầu tư, đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, “trái ngọt” cũng đến với gia đình chị. Năm 2022, hủ tiếu truyền thống của chị Thuỳ vinh dự được chọn là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Tắc Vân. Chị Thuỳ phấn khởi: “Ðây là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc này và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa. Trong năm nay, tôi sẽ đầu tư thêm máy sấy để không phụ thuộc vào thời tiết”.

Từng sợi hủ tiếu dai ngon mang hương vị riêng biệt là thành quả sau nhiều năm đầu tư đổi mới cách làm, giúp sản phẩm của chị Thuỳ có được chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ.

Chị Trần Ngọc Nữ, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tắc Vân, cho biết: “Cơ sở sản xuất hủ tiếu của chị Thuỳ là mô hình kinh tế rất hiệu quả, sản phẩm dễ dàng tiêu thụ, giúp chị nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế và giải quyết được việc làm cho một số lao động tại chỗ. Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ gia đình chị như: quảng bá thương hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, hỗ trợ vốn để chị đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, nâng cấp quy mô sản xuất. Trong năm 2023, sản phẩm hủ tiếu bột gạo sẽ được công nhận sản phẩm OCOP của địa phương vì đã ra Hội đồng xét duyệt và chờ quyết định công nhận”.

Chị Phạm Thị Thuỳ đóng gói sản phẩm hủ tiếu cung cấp ra thị trường.

Nguồn: Hủ tiếu vào OCOP

Phương Thảo

www.baocamau.com.vn