Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá

22:34 | 19/01/2022

|
Chuyện ngăn mặn, bảo vệ vùng quy hoạch sản xuất theo hệ sinh thái ngọt trên địa bàn tỉnh đã từng trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều hướng đến mục tiêu giữ ngọt. Nhưng giữ ngọt như thế nào, đâu là giải pháp để nâng cao đời sống người dân, vẫn là bài toán chưa có kết quả cuối cùng. Từ đó, những vấn đề nảy sinh trong thực tế sản xuất, nhất là câu chuyện tranh chấp giữa đôi dòng mặn - ngọt vẫn còn tồn tại nhiều năm qua.

Bài 1: Mượt mà đồng lúa, vườn rau

Mặc cho nước mặn quanh năm xâm thực, vùng ngọt hoá trên địa bàn tỉnh vẫn xanh mướt, với những cánh đồng lúa, rau màu, vườn cây ăn trái cùng nhiều loại cá đồng… thay nhau mang về thu nhập cho người dân. Dù vẫn còn đó không ít khó khăn nhưng những năm gần đây đời sống người dân vùng ngọt hoá ngày một khấm khá hơn.

Vùng sản xuất hệ sinh thái ngọt của tỉnh chủ yếu thuộc vùng Bắc Cà Mau, trong đó trọng tâm là Tiểu vùng III thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh. Nơi đây, nhiều mô hình sản xuất đa dạng, hết vụ lúa lại nối tiếp vụ màu, cùng nhiều vườn cây ăn trái… tạo nên màu xanh mướt quanh năm, hình thành vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Khá lên từ màu

Trời còn chưa sáng hẳn, trên cánh đồng vừa thu hoạch lúa đông xuân, bầu không khí lao động lại hối hả. Như lời hẹn trước, tôi gặp lão nông Cao Chiến Thi giữa cánh đồng bạt ngàn bí rợ của ấp Minh Hà A (xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời).

Ông Thi xởi lởi: “Tôi vừa thu hoạch xong 4 ha lúa đông xuân, năng suất đạt trên 7 tấn/ha. Vụ này gia đình vừa được mùa lại được giá. Tranh thủ thời gian xuống vụ bí kiếm thêm thu nhập, bí đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mùa bội thu sau Tết Nguyên đán”.

Không riêng gia đình ông Thi, bà con ấp Minh Hà A nhiều năm qua đã đi theo mô hình 2 vụ lúa 1 vụ màu. Hết lúa lại đến màu, cứ xoay vòng tiếp nối tạo thành màu xanh quanh năm cho vùng ngọt hoá Minh Hà A. Quanh năm đồng ruộng xanh tốt đồng nghĩa với đời sống người dân cũng ngày một khá lên.

Không chịu thua kém, cánh đồng lúa của người dân Ấp 4 và Ấp 5, xã Trần Hợi, hiện nay cũng đã được phủ xanh bởi bí, bầu và nhiều loại màu khác.

Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá
Vụ bí trên đất lúa của người dân Ấp 5, xã Trần Hợi đang phát triển tốt.

Ðể chủ động sản xuất vụ màu, gia đình ông Ngô Văn Tự, Ấp 5, dành hơn 1 ha trong số 4 ha đất của gia đình để làm bờ trồng màu. Ông Tự bộc bạch: “Gia đình đã trồng màu kết hợp lúa hơn 10 năm qua. Vụ màu mang lại hiệu quả rất cao, một vụ màu lợi nhuận gấp 3-4 lần vụ lúa nên cuộc sống gia đình cũng thoải mái hơn nhiều so với trước”.

Những năm qua, mô hình “2 vụ lúa - 1 vụ màu” được người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông và Ấp: 4, 5, xã Trần Hợi, thực hiện với diện tích 240 ha/năm (ấp Minh Hà A 90 ha; Ấp 4, 5 là 150 ha).

Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá
Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, trồng ngay vụ màu.

Ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, đây là khu vực đã có khoanh ô thuỷ lợi, có trạm bơm nên chủ động trong việc xuống giống lúa đông xuân. Trước khi thu hoạch lúa 15-20 ngày, các hộ dân nơi đây đã trồng bí đỏ trên bờ, khi cắt lúa xong thì bí phát triển ra ruộng, vụ màu cho năng suất khá cao, ổn định. Mô hình này, lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha/năm (2 vụ lúa 40 triệu đồng, 1 vụ màu 40 triệu đồng).

Làm giàu từ kết hợp

Chúng tôi đến thăm mô hình lúa - cá bổi thâm canh tại khu vực thị trấn Trần Văn Thời. Năm 2020, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện mô hình với quy mô 4.000 m2 nuôi cá bổi thâm canh và 4 ha sản xuất lúa an toàn.

Ðã hơn 2 mùa vụ sản xuất theo mô hình này, ông Mai Văn Chiến, thị trấn Trần Văn Thời, cho biết, năng suất cá bình quân 30 tấn/ha, loại 4-5 con/kg; năng suất lúa cao hơn 5-10%, chi phí phân bón giảm 30% so với trước. Càng phấn khởi hơn khi năm nay giá cá tăng khá cao lên trên 57.000 đồng loại 6 con/kg, còn 4 con/kg là 77.000 đồng, với giá này người dân có lãi từ 20.000-25.000 đồng/kg.

Như vậy, nếu tính ra 1 ha mô hình kết hợp này cho thu nhập khoảng 600-750 triệu đồng, chuyện làm giàu của người dân là trong tầm tay. Bởi, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có đến 347 hộ nuôi cá bổi thâm canh, với diện tích hơn 99 ha. Trong đó có hơn 205 hộ có ao cá liền với khoảng 358 ha lúa. Ðây là mô hình kết hợp, tận dụng nước thải nuôi cá bổi thâm canh cung cấp cho lúa, giảm lượng phân bón, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Nếu mô hình được nhân rộng sẽ tạo ra chuyển biến lớn trên đồng đất của huyện.

Rời những cánh đồng rau màu, ao cá của đồng đất huyện Trần Văn Thời, chúng tôi đến thăm miệt rừng U Minh - nơi một thời được nhắc đến là vùng trũng nghèo, xứ sở của phèn chua. Tuy nhiên, câu chuyện ấy giờ chỉ còn là quá khứ, là ký ức để các thế hệ con cháu thêm tự hào khi nhắc đến cha ông mình. Với đôi bàn tay không biết mệt mỏi, ý chí quyết tâm, nhiều lão nông đã biến những cánh đồng phèn, chua thành những vườn cây ăn trái trĩu quả, những ao cá đồng với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Sau hơn 30 phút rong ruổi trên những con đường nhựa, bê-tông xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn được trồng trên liếp kê thẳng tắp, những vườn cây ăn trái xanh mướt trĩu quả, chúng tôi đã đến nhà lão nông Quách Thanh Sử, Ấp 2, xã Nguyễn Phích. Không phụ bao công sức đã bỏ ra, mảnh vườn cây ăn trái rộng 2,4 ha của ông luôn xanh với nào là nhãn, vú sữa và nhiều loại cây trái, rau màu khác, dưới ao trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng, gần như không mảnh đất trống nào.

“Căn nhà này được xây dựng từ nguồn thu các loại cây ăn trái trong vườn”, ông Sử chỉ tay về phía căn nhà khang trang của gia đình, hiền lành chia sẻ. Ðây cũng là lời khẳng định tính hiệu quả mà mô hình đa cây, đa con, chủ lực là cây rừng, cây ăn trái và nuôi cá đồng của người dân miệt rừng U Minh đã chọn thời gian qua.

Ðánh giá về những mô hình sản xuất tại vùng ngọt hoá hiện nay, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, các mô hình từ 2 vụ lúa - 1 vụ màu; lúa - cá; lúa - cá bổi thâm canh… đều phù hợp với điều kiện thực tế của vùng ngọt cũng như trình độ sản xuất của người dân. Nhiều mô hình đã được nhân rộng, thể hiện hiệu quả kinh tế và phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước là tiến tới nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái... nuôi trồng với hình thức thâm canh, luân canh, đa canh, chuyên canh để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích.

Cần cù, không ngại khó cùng với sự “hiểu đất”, người dân nhiều vùng ngọt hoá đã giữ cho những cánh đồng, vườn cây bạt ngàn mãi xanh. Hết vụ lúa lại đến rau màu, dưa hấu, chăn nuôi cá, gà, vịt… nối tiếp những cánh rừng bạt ngàn là vườn cây ăn trái xanh um, những năm gần đây cuộc sống của người dân vùng ngọt hoá mỗi lúc một khấm khá hơn./.

Nguồn: Ði qua vùng ngọt hoá

Nguyễn Phú

baocamau.com.vn