Cà Mau: Ðiện “xanh” trên Núi Cấm
"Thay da đổi thịt" nhờ điện mặt trời
Vượt khoảng 4 km bằng xe mô tô từ dưới chân núi, băng qua nhiều con dốc gần như dựng đứng và những khúc cua gắt, len qua những vườn su su nằm xen dưới tán rừng, chúng tôi đến Núi Cấm - vùng đất được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây. Từ đằng xa, thấp thoáng những khu vườn bạt ngàn xanh ngát, cây ăn quả trĩu cành... Một vùng quê hiện ra đẹp như tranh vẽ.
Trên đầu một con dốc gần chùa Phật Nhỏ ở lưng chừng Núi Cấm, chúng tôi ghé thăm vườn hồ tiêu rộng hơn 8.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Mừng - một trong những người lắp đặt và sử dụng điện NLMT đầu tiên ở ấp Vồ Bà.
Anh Mừng cho biết: “Hơn năm nay, ấp Vồ Bà mới có điện lưới quốc gia, nhưng phần lớn bà con vẫn dùng điện NLMT, vì nhà ở xa lưới điện, chi phí kéo điện cao. Những gia đình có điện lưới quốc gia thì vẫn dùng song song”.
Theo anh Mừng, trước đây, khi chưa có điện NLMT, nhà nào khá giả thì dùng máy phát điện, còn lại dùng ắc quy, mỗi ngày phải chạy xe máy hơn 3 km xuống chân núi để sạc bình, chiều lại xuống lấy. Chưa kể chi phí dầu để vận hành máy bơm nước cho vườn cây ăn trái tốn của gia đình khoản tiền không ít... Hiện nay, nhà anh Mừng có 4 tấm pin NLMT, mỗi ngày tích được hơn 500 W cùng hệ thống bơm nước bằng NLMT.
Hệ thống điều khiển máy bơm nước chạy bằng NLMT được lắp ở bể nước của người dân trên Núi Cấm. |
“Chi phí đầu tư điện NLMT lúc đầu có thể cao, nhưng về lâu dài rất tiết kiệm, đơn cử như lúc chưa có điện NLMT, mỗi tuần gia đình tôi mất hơn 300 ngàn đồng tiền dầu để bơm nước tưới cho vườn hồ tiêu; rồi đưa máy bơm đến vườn cũng tốn công, máy dễ hỏng hóc nữa. Từ ngày có điện NLMT, việc tưới nước cho vườn hồ tiêu luôn chủ động, không tốn thêm chi phí gì cả. Mua hơn 10 năm rồi mà mấy tấm pin đến nay vẫn dùng tốt”, anh Mừng chia sẻ.
Nhờ có điện NLMT, vườn hồ tiêu của gia đình anh Mừng được tưới đầy đủ nên năm nào cũng sai quả, chất lượng hồ tiêu đẹp và cao hơn, bán rất được giá. Vụ hồ tiêu năm ngoái, anh thu hoạch được gần 500 kg, bán với giá 150-250 ngàn đồng/kg, tuỳ loại tiêu đen hay tiêu chín.
“Tiêu trồng trên núi có vị thơm hơn nên du khách rất ưa chuộng. Sản lượng hằng năm hầu như không đủ bán”, anh Mừng nói và cho biết trước đây khi chưa có máy bơm từ NLMT, tuy có chạy máy dầu để tưới nhưng không đủ nước nên tiêu không sai quả như hiện tại.
Gần đó, anh Nguyễn Hữu Hạnh (45 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vồ Bà, có hơn 5.000 m2 quýt hồng trồng gần đỉnh núi. Gần 10 năm trước, từ nguồn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), anh mạnh dạn đối ứng vốn để lắp pin NLMT cho căn nhà dưới chân núi và vườn quýt hồng ở trên núi. Hơn năm nay, có điện lưới quốc gia, nhưng anh Hạnh chỉ kéo điện cho căn nhà ở dưới núi để buôn bán, còn mảnh vườn trồng quýt hồng trên núi anh vẫn dùng điện NLMT để thắp sáng và bơm nước tưới cho vườn quýt.
Những tấm pin NLMT được anh Nguyễn Hữu Hạnh lắp trên mái căn chòi ở vườn quýt hồng trên đỉnh Núi Cấm. |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt trĩu quả, anh Nguyễn Hữu Hạnh kể mình sinh ra và lớn lên trên Núi Cấm. Trước đây, lưới điện quốc gia không thể kéo lên sườn núi nên mọi sinh hoạt của gia đình rất khó khăn, phải dùng ắc quy hoặc chạy máy phát điện mỗi tối. Từ khi có điện NLMT, nhà anh xài 13 bóng đèn led, bơm nước tưới cho vườn quýt hồng thoải mái.
“Hiện dù đã có điện lưới quốc gia, nhưng gia đình tôi vẫn sử dụng song song, điện lưới quốc gia cho nhà dưới chân núi; còn vườn quýt vẫn dùng điện mặt trời. Dùng điện mặt trời này vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường”, anh Hạnh nói.
“Hồi chưa có điện mặt trời, tôi phải chạy máy dầu để thắp sáng, bơm nước, mỗi ngày 7 lít dầu. Giờ không chạy máy nữa, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng/tháng”, anh nông dân kiêm Bí thư Chi bộ ấp, vui vẻ nói.
Việc chăm sóc vườn quýt hồng của anh Hạnh không còn vất vả như trước từ khi có điện NLMT. Có đủ nước tưới nên năm nào vườn quýt cũng sai quả. |
Cả 3 ấp ở trên Núi Cấm đều sử dụng điện NLMT, một số hộ dân ở gần điện lưới quốc gia (mới kéo hơn 1 năm nay) thì dùng song song, nên cuộc sống người dân ngày càng khấm khá, nhiều hộ dân ăn nên làm ra, có của ăn của để, trở nên giàu có.
“Xưa nghèo lắm, nay nhờ có điện NLMT để phát triển kinh tế vườn đồi nên đời sống ổn định, trẻ em được học hành đầy đủ...”, anh Hạnh thổ lộ.
Cơ hội phát triển từ nguồn năng lượng sạch
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo, cho biết: "Núi Cấm nằm ở độ cao hơn 700 m, có 3 ấp là Vồ Ðầu, Vồ Bà, Thiên Tuế, với 754 hộ, 2.735 nhân khẩu. Dù hơn năm nay, điện lưới quốc gia đã về tới từng ấp nhưng do dân cư sống thưa thớt nên nhiều hộ vẫn chưa thể sử dụng điện lưới quốc gia. Bù lại, gần 100% hộ đã tiếp cận sử dụng điện NLMT vào sinh hoạt và sản xuất từ hơn 10 năm trước. Ðiều này không chỉ giúp nông dân có điện sinh hoạt mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường".
Mô hình NLMT áp dụng trong sản xuất nông nghiệp của anh Nguyễn Văn Mừng và anh Nguyễn Hữu Hạnh là 2 trong số hơn 500 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
Anh Nguyễn Hữu Hạnh tưới nước cho vườn quýt hồng trên Núi Cấm bằng hệ thống máy bơm sử dụng NLMT. |
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: "Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ lắp đặt 4 hầm khí sinh học bằng vật liệu composite tại huyện Chợ Mới, từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020; thực hiện hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 150 hộ dân được trang bị đèn xách tay NLMT và 98 hộ dân được lắp đặt tấm pin NLMT (bộ công suất 200 Wp) từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh, nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững".
Với lợi thế bức xạ nhiệt cao, tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo lớn, nếu kết hợp linh hoạt nguồn NLMT vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì hiệu quả mang lại cho nông nghiệp An Giang là rất lớn.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: "An Giang có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện từ mặt trời, do nằm trong vùng có cường độ bức xạ từ 4,5-5,1 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm trên 2.400 giờ, có nhiều ao, hồ lớn nhỏ, vùng đồi, núi... Theo đó, tổng công suất có khả năng phát triển thêm khoảng 3.500 MWp. Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu điện sang Campuchia có thể được thực hiện tăng sản lượng, do tỉnh đang bán điện qua lưới truyền tải 220kV - mạch kép, đủ khả năng truyền tải thêm. Hạ tầng đấu nối, giải toả công suất nguồn điện tương đối hoàn chỉnh, mỗi huyện được cung cấp điện từ trạm biến áp 110 kV và EVN SPC đang dần hoàn thiện kết mạch vòng...".
Trước những diễn biến bất thường về giá năng lượng toàn cầu, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện là hết sức cần thiết. Trong đó, mô hình sử dụng pin NLMT kết hợp với sản xuất nông nghiệp là giải pháp cần được khuyến khích nhân rộng hơn nữa.
"Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt... Do đó, trong thời gian tới cần có những chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương, để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có", ông Hùng đề xuất./.
Nguồn: Ðiện “xanh” trên Núi Cấm
Phương Thảo - Hà Ðặng
baocamau.vn
-
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 24/11: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Messi: ‘Đội hình Barca hiện tại thật phi thường’
-
4 nhóc tỳ đáng yêu, kháu khỉnh nhà Vân Trang
-
Cuộc sống của Thanh Thanh Hiền trong nhà vườn nghìn mét vuông
-
Nam vương Tuấn Ngọc xuất sắc lọt Top 5 Dự án Nhân ái tại Mr World 2024
- Hà Giang: Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Cờ Lao
- Khánh Hòa: Cao điểm chống khai thác IUU
- PV Power và Vingroup hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
- Lâm Đồng: Ðà Lạt du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế động lực
- Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
- Hà Giang: Ngôi đền thiêng trên núi Suối Thầu
- Petrovietnam và Petronas tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
- Khánh Hòa: Khánh Sơn thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
- Dấu ấn của những người thầy “quân hàm xanh”
- Hà Giang: Khơi dậy tình yêu nước từ “Tiết học biên cương”
- Lâm Đồng: Tình thầy trò dưới mái trường giữa rừng
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
"Thư từ Roma": Bài 2 - Đi học tuổi 50