Cà Mau: Khi nữ chủ thể mê làm OCOP

10:00 | 24/05/2024

|
Trần Văn Thời là huyện có lợi thế với cả 2 hệ sinh thái mặn - ngọt, được phân chia rõ rệt. Phía bờ Nam sông Ông Ðốc là vùng chuyên nuôi các loại thuỷ sản nước mặn, lợ như tôm, cua; phía bờ Bắc là vùng ngọt hoá, sản xuất lúa, các loại rau màu và nuôi cá đồng. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, chú trọng nâng tầm sản phẩm từ mô hình của hội viên phụ nữ thành sản phẩm OCOP địa phương.
Cà Mau: Dân vận khéo trong phát triển kinh tếCà Mau: Dân vận khéo trong phát triển kinh tế
Cà Mau: Tự hào di tích lịch sử quốc giaCà Mau: Tự hào di tích lịch sử quốc gia

Toàn huyện hiện có 11 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao, đó là: khô cá bổi của 3 cơ sở (Tư Hùng, Ba Ðức, Tám Oanh); chuối xiêm ép dẻo Bảy Hoàng; gạo sạch Toàn Tâm; trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh; nước cốt nhàu nguyên chất của Công ty TNHH Sản xuất thương mại SK NONI; mắm ruốc xào, mắm tép, khô cá đù một nắng của cơ sở sản xuất 9 Thuý; bưởi da xanh của Hợp tác xã (HTX) Trái cây sạch. Từ Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn, nâng cao thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện, chia sẻ: “Các cấp hội xác định, khởi nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo, có tính đột phá nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, hội quan tâm hỗ trợ nâng cao kiến thức cho hội viên trước khi hỗ trợ nguồn lực về vật chất để khởi nghiệp. Ða dạng hình thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng tác động, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, trang Facebook, Zalo của hội”.

“Năm 2024 này, huyện có 5 sản phẩm, của 3 chủ thể, xây dựng sản phẩm OCOP mới, tất cả chủ thể đều là phụ nữ đứng ra xây dựng ý tưởng và tự triển khai mô hình", bà Linh tâm đắc.

Cà Mau: Khi nữ chủ thể mê làm OCOP

Với hệ sinh thái mặn, phụ nữ huyện Trần Văn Thời biết tận dụng để phát triển ngành hàng hậu cần nghề cá. (Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh (giữa), Chủ tịch Hội LHPN huyện, tham quan HTX mực khô Kiều Nương 2, thị trấn Sông Ðốc).

Chị Lâm Hằng Ni, HTX Nhật Huy (ấp Ông Bích, xã Khánh Bình), đang được Hội LHPN huyện hỗ trợ xây dựng sản phẩm tinh bột nghệ xà cừ thành sản phẩm OCOP trong năm nay. Chị Ni chia sẻ: "Hiện nay, HTX phát triển các sản phẩm chủ lực như tinh bột nghệ, bột nghệ... Mô hình đã góp phần giúp người dân trong ấp trồng thêm nghệ trên đất vườn tạp, bỏ hoang; hiện nay diện tích trồng nghệ nguyên liệu đã lên hơn 12 ha (gia đình 2 ha và 10 ha của bà con lân cận). Bên cạnh đó, HTX còn thu mua thêm riềng, từ đó góp phần giúp người dân có thu nhập ổn định từ 2 loại củ này”. Ðược biết, để có 1 kg tinh bột nghệ thành phẩm thì cần từ 30-40 kg nghệ tươi, mỗi ký nghệ tươi có giá 7 ngàn đồng, khi thành tinh bột nghệ có giá trị 1 triệu đồng/kg; chưa kể đến việc tạo công ăn việc làm cho các lao động ở nông thôn.

Cà Mau: Khi nữ chủ thể mê làm OCOP

Chị Lâm Hằng Ni, ấp Ông Bích, xã Khánh Bình đang hoàn thiện sản phẩm tinh bột nghệ xà cừ để được công nhận OCOP.

Một điểm sáng nữa là, Huyện hội đã mạnh dạn phát động phong trào biến rác thải thành quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, để huy động nguồn lực hỗ trợ và tạo cơ hội cho hội viên nghèo, phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương trong huyện phát triển kinh tế; đến thời điểm này có 55 chị được hỗ trợ khởi nghiệp từ mô hình này, với số tiền trên 350 triệu đồng. Các cấp hội đồng thời thúc đẩy phụ nữ phát huy nội lực từ các mô hình hùn vàng, hùn tiền, tiết kiệm - tín dụng, khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế; qua đó, đã có trên 30 ngàn gia đình có phụ nữ được tiếp cận với nguồn vốn gần 300 tỷ đồng từ các ngân hàng, các chương trình dự án.

“Ðể hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công, cần có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Do đó, Huyện hội chú trọng xây dựng mô hình chuỗi sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, vận động hội viên phụ nữ ký cam kết thực hiện sản xuất, chế biến, tiêu dùng sạch; tham gia các "Phiên chợ nông sản an toàn” để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản. Các cấp hội tăng cường giới thiệu, kết nối với khách hàng, nhà đầu tư để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh, các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, HTX, tạo cơ hội để phụ nữ mở rộng thị trường kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Huyện hội hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hướng dẫn đăng ký nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tham gia OCOP”, bà Linh chia sẻ thêm.

Cà Mau: Khi nữ chủ thể mê làm OCOP

Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, Hội LHPN huyện khuyến khích hội viên đầu tư sản xuất với quy mô lớn. hướng đến sự bền vững từ các sản phẩm OCOP.

Làm OCOP giờ không còn phức tạp như chị em đã từng nghĩ. Ðơn cử như mô hình của chị Nguyễn Thị Thuý An, ấp Ðòn Dong, xã Khánh Lộc. Thoạt đầu, chị An chỉ muốn trồng ổi trên phần đất vườn tạp dùng để ăn trong gia đình, có trái nhiều thì bán cho bà con quanh vùng. Sau đó, chất lượng sản phẩm ngon, tiếng lành đồn xa, nhu cầu thị trường ngày một lớn, thế là chị An mạnh dạn mở rộng vườn. Hiện nay, vườn ổi của chị đã lên đến con số hơn 500 gốc, cho thu nhập gần như là nguồn chính của gia đình chị. Sản phẩm ổi lê nữ hoàng của chị An đang chuẩn bị vào OCOP trong năm nay.

Cà Mau: Khi nữ chủ thể mê làm OCOP

Ổi lê, nữ hoàng của chị Nguyễn Thị Thuý An, ấp Ðòn Dong, xã Khánh Lộc - sản phẩm chuẩn bị vào OCOP năm 2024.

Dám nghĩ và dám làm, nhiều hội viên Hội LHPN huyện Trần Văn Thời đã xây dựng được sản phẩm tiềm năng OCOP, mang đến giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các cấp hội tích cực phối hợp ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục pháp lý, đăng ký nhãn mác sản phẩm, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP đối với chủ thể đủ điều kiện để được đánh giá xếp hạng, giúp chủ thể phát triển bền vững sản phẩm./.

Nguồn: Khi nữ chủ thể mê làm OCOP

Phú Hữu

baocamau.vn