Cà Mau: Nỗ lực giữ thương hiệu Cua Năm Căn

04:15 | 18/12/2023

|
Con cua Năm Căn - Cà Mau được biết đến bởi chất lượng và đã được công nhận nhãn hiệu tập thể gần 10 năm nay.
Cà Mau: Khởi công Dự án nhà ở xã hội phường Tân XuyênCà Mau: Khởi công Dự án nhà ở xã hội phường Tân Xuyên
PV Power ký kết hợp đồng LTMA Nhà máy Điện Cà Mau 1&2PV Power ký kết hợp đồng LTMA Nhà máy Điện Cà Mau 1&2

Huyện Năm Căn có diện tích nuôi trồng thuỷ sản 25.677 ha, trong đó diện tích nuôi cua kết hợp chiếm từ 80-90%, hằng năm cung ứng ra thị trường từ 2.000-2.500 tấn cua thương phẩm. Vào thời điểm này, các hộ nuôi cua trên địa bàn huyện đang bắt đầu vụ thu hoạch.

Ðể phân biệt chất lượng cua Năm Căn - Cà Mau với cua ở vùng khác, nhiều nông hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh có kinh nghiệm cho biết, cua Năm Căn có kích thước lớn, màu sắc đỏ sậm, nhìn bên ngoài rắn chắc, thịt cua có màu trắng đục, thơm, ngọt hơn và có vị mặn nhẹ đặc trưng của vùng.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi (bìa trái), Công ty TNHH MTV Cua biển Nam, cho biết, trước khi xuất bán, cua được lựa chọn kỹ càng, từ sức sống của cua đến tỷ lệ thịt, gạch, đảm bảo an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” vào năm 2015, các ngành chức năng đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người nuôi cua, các cơ sở thu mua cua cam kết thực hiện nghiêm ngặt việc đăng ký sử dụng, quản lý và bảo vệ thương hiệu cua. Ðặc biệt, khi cung ứng ra thị trường, sản phẩm đều được dán nhãn mác, có tem nhãn chống hàng giả để người tiêu dùng dễ nhận biết giữa con cua Năm Căn và cua các vùng khác; mã vạch chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc.

Ông Trương Minh Thuận, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, cho biết: “Ðối với con cua Năm Căn - Cà Mau, có các tiêu chí để quản lý, đơn cử như muốn gắn nhãn hiệu tập thể thì chất lượng thịt phải đạt từ 90% trở lên”.

“Cua Năm Căn chủ yếu là nuôi xen canh. Ðể con cua có chất lượng, hằng năm Ban Quản lý và các chủ sở hữu phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai các vùng nuôi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các trại sản xuất con giống, khu nuôi tôm công nghiệp hạn chế xả thải, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường”, ông Huỳnh Hùng Anh, Phó chủ tịch Hội Thuỷ sản huyện, Trưởng ban Quản lý nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn - Cà Mau, thông tin.

Ngoài bán cua tươi sống, HTX Tài Thịnh Phát Farm còn chế biến sản phẩm thịt cua sinh thái.

HTX Tài Thịnh Phát Farm, xã Tam Giang, là một trong những HTX chuyên sản xuất, cung ứng mặt hàng cua có tiếng của huyện Năm Căn. Bà Mai Thị Thuỳ Trang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, cho biết, HTX chú trọng tất cả các khâu. Con giống phải được kiểm soát nguồn gốc của đơn vị cung ứng; khi thả nuôi, nông dân phải xử lý nước an toàn; đặc biệt không sử dụng các loại hoá chất trong quá trình nuôi. Khi xuất bán cua thành phẩm, sẽ có tem thương hiệu của HTX, dây trói là dây tép 1 sợi. Khi có tem truy xuất, người tiêu dùng có thể quét mã QR để biết được nguồn gốc, thời gian, địa điểm đánh bắt, đồng thời được hướng dẫn chế biến các món ăn về cua. “Quan điểm của HTX là bán cua chất lượng cho người tiêu dùng, để giữ chân khách hàng bằng thương hiệu cua Năm Căn - Cà Mau”, bà Trang khẳng định.

Nỗ lực của các ngành, các cấp và sự năng động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã góp phần giữ vững thương hiệu Cua Năm Căn - Cà Mau, để sản vật vùng ngập mặn Năm Căn vươn xa hơn trên thị trường trong thời gian tới./.

Nguồn: Nỗ lực giữ thương hiệu Cua Năm Căn

Nguyên Tố

baocamau.vn