Cà Mau: Oai hùng du kích An Xuyên

07:15 | 27/05/2023

|
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, xã An Xuyên (TP Cà Mau) có hơn 800 thanh niên lên đường tòng quân giết giặc, tham gia dân quân du kích, góp xương máu giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
Cà Mau: Ðột phá chỉ số cải cách hành chínhCà Mau: Ðột phá chỉ số cải cách hành chính
Cà Mau quyết tâm chống khai thác IUUCà Mau quyết tâm chống khai thác IUU

Xã An Xuyên cũ bao gồm phường Tân Xuyên và một phần xã Hồ Thị Kỷ, một phần xã Tân Lộc, huyện Thới Bình ngày nay. Xã nằm vùng ven của thị trấn Cà Mau, những năm kháng Pháp, giặc thường càn quét cướp của, đốt nhà dân. Bấy giờ, phong trào du kích, chiến tranh Nhân dân của xã đã hình thành, ngày đêm canh gác bảo vệ Nhân dân tản cư tránh giặc; đồng thời thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược: vừa đánh giặc vừa tăng gia sản xuất nuôi quân, vừa chống đói nghèo và chống dốt.

Trong trận phục kích địch tại Bàu Thúi ngày 13/3/1953, Tiểu đoàn 307 giành thắng lợi, diệt khoảng 300 tên địch, thu được nhiều vũ khí, bắt sống hơn 40 tên, khiến địch tổn thất nặng nề, đến nỗi từ đó cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thực dân Pháp không một lần dám trở lại An Xuyên. Tham gia trận này, lực lượng du kích An Xuyên tiếp tế tải thương, thu vũ khí và bắt tù binh. Sau đó không lâu, du kích An Xuyên đột nhập đồn Công giáo phản động, khống chế và bắt sống 6 tên, thu 6 cây súng. Ðồng thời, tham gia nhiều trận đánh căng kéo địch, góp phần giải phóng quê hương khỏi ách đô hộ của giặc Pháp hơn 100 năm.

Cà Mau: Oai hùng du kích An Xuyên
Di tích chiến thắng Bàu Thúi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tiếp nối truyền thống oai hùng, những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, lực lượng du kích An Xuyên hình thành một tiểu đội, làm nhiệm vụ tuyên truyền vũ trang, mít tinh, diệt ác, phá kìm, diệt nhiều chủ ấp, giải tán các đội quản lý hương thôn, mở rộng vùng giải phóng, làm căn cứ đứng chân trên địa bàn. Năm 1960, du kích xã thành lập một trung đội, phong trào chiến tranh Nhân dân mạnh lên. Xã uỷ chỉ đạo thành lập công trường sản xuất các loại vũ khí như: súng độc lập, súng ngựa trời, đạp lôi, lựu đạn gài; chỉ đạo thành lập ấp chiến đấu, làng chiến đấu trên toàn địa bàn xã.

Cựu chiến binh Hồ Thanh Hoà, Trưởng ban Liên lạc du kích An Xuyên, nhớ lại: “Năm 1960, tôi 18 tuổi đã xung phong vào du kích, vừa tham gia Tổ trưởng Tổ Ðoàn ấp, nhờ gan dạ, tiên phong mà một năm sau tôi được tổ chức kết nạp vào Ðảng. Giai đoạn này tôi cùng lực lượng kêu gọi thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ngoài hoạt động tại địa phương, du kích xã còn bổ sung cho bộ đội chủ lực”. Như ông Hoà sau này được tăng cường cho đơn vị Công an huyện Châu Thành, rồi trở về làm Bí thư Ðảng uỷ xã An Xuyên đến khi nghỉ hưu.

Cà Mau: Oai hùng du kích An Xuyên
Cựu chiến binh Hồ Thanh Hoà kể chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên địa phương.

Bám đất, bám dân, vừa sản xuất vừa chiến đấu, du kích An Xuyên cùng các lực lượng lập nhiều chiến công. Năm 1969, giặc mở rộng bình định khắp nơi trong xã, đóng 6 đồn, việc đi lại hoạt động gặp khó khăn, Ðảng bộ và du kích chỉ còn khoảng 10 người hoạt động bám trụ theo vườn hoang, thiếu cơm, thiếu nước, ốm đau không thuốc... thế nhưng không hề giảm sút ý chí chiến đấu giải phóng quê hương. Với phương châm “địch mạnh ta khuấy, địch yếu ta diệt”, du kích xã liên tục tiêu diệt bức rút, bức hàng, loại ngoài vòng chiến, tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Nhớ lại những tháng ngày nằm hầm, ngủ đất, cựu chiến binh Lê Minh Ðức kể, có trận quân ta chỉ 1 tiểu đội, kẻ thù lớn mạnh như một trung đội nhưng lực lượng ta vẫn kiên cường bám trụ. Khi Hiệp định Paris 1973 được ký, lực lượng đứng chân ở Tân Thuộc 3 ngày diệt 1 tên phó đồn, thu 1 khẩu M79; đứng chân ở Cái Giữa 13 ngày đêm, bao vây pháo kích, dùng dây thun bắn lựu đạn vào đồn địch khiến chúng tháo chạy. Sau đó bao vây đồn Ô Rô 7 ngày đêm thắt chặt vòng vây, cô lập địch hoàn toàn và dùng binh vận lôi kéo trung đoàn dân vệ đóng bên ngoài mang súng trở về với quân ta.

Lực lượng du kích xã An Xuyên đã thực hiện 1.115 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt tại chỗ hơn 800 tên địch, bắt sống 368 tên, làm bị thương loại ngoài vòng chiến đấu 1.935 tên, thu giữ 815 khẩu súng các loại. Ông Trần Ðại Ðoàn, Bí thư Ðảng uỷ xã, cho biết: “Lực lượng du kích xã An Xuyên đã hy sinh nhiều xương máu để giành lấy độc lập, tự do. Toàn xã có 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 376 gia đình liệt sĩ, 402 liệt sĩ, 222 thương binh, bệnh binh, 1.800 gia đình có công với cách mạng. Xã An Xuyên được phong tặng xã Anh hùng và xã An toàn khu. Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, Ðảng bộ và Nhân dân An Xuyên nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Lực lượng du kích An Xuyên năm xưa nay chỉ còn hơn 50 người, tuổi cao nhưng các cựu chiến binh vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt chi bộ, chi hội, góp ý xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hàng năm, trong các đợt tuyển quân, những cựu du kích được Ðảng uỷ mời đến kể chuyện chiến trường xưa, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ; tham gia nói chuyện truyền thống tại Ðịa điểm trận chiến thắng Bàu Thúi, để thế hệ trẻ càng thêm tự hào về vùng đất, con người trung dũng, kiên cường, mà ra sức cống hiến, tiếp nối dựng xây tương lai tươi đẹp./.

Nguồn: Oai hùng du kích An Xuyên

Mộng Thường

baocamau.com.vn