Cà Mau: Tạo điểm nhấn cho du lịch Ðất Mũi

10:15 | 26/11/2023

|
Huyện Ngọc Hiển hiện có Khu Du lịch Mũi Cà Mau, tạo được điểm nhấn quan trọng trong thu hút du khách, phát triển du lịch của địa phương. Trên địa bàn huyện có 9 điểm du lịch cộng đồng, 4 tuyến du lịch xuyên rừng, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Từ đầu năm đến nay huyện đón 728.258 lượt khách, trong đó khách quốc tế 518 lượt; tổng doanh thu ước đạt 474 tỷ đồng.
Cà Mau - Ðiểm sáng năng lượng tái tạoCà Mau - Ðiểm sáng năng lượng tái tạo
Cà Mau: Bí thư Tỉnh uỷ dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Làng Cái Nhúc - Tân ThànhCà Mau: Bí thư Tỉnh uỷ dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Làng Cái Nhúc - Tân Thành

Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện, cho biết, 9 điểm du lịch sinh thái cộng đồng gồm: Tư Ngãi, Tư Nhuần, Năm Hướng, Ba Sú, Hải Nam, Dân 3 Khía, Nguyễn Hùng, Bình Minh, Hoàng Hôn. Các điểm này tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm thu hút du khách, như hoạt động trải nghiệm một ngày làm nông dân, tổ chức cho du khách bắt ba khía, xổ vuông, đặt lọp cua, bắt sò, vọp, ngắm các loài chim, tự chế biến các món ăn đặc sản... gắn với sinh hoạt văn hoá văn nghệ, như hát với nhau, đờn ca tài tử...

Các sản phẩm đặc trưng của địa phương được khai thác, đưa vào du lịch ngày càng đa dạng, để du khách lựa chọn làm quà lưu niệm, quà biếu, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đũa đước, các loại khô, bánh phồng tôm, tôm khô, rượu trái giác... xây dựng được nhãn mác, thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðến nay, huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sử dụng đối với 2 nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc” và “Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau”; 1 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý “Cá thòi lòi Ðất Mũi”; tỉnh xây dựng 2 chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm cua, tôm. Hiện huyện đang phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng các nhãn hiệu tập thể, như đũa đước, than đước, nghêu...

Các cơ sở làng nghề Ðất Mũi chuẩn bị hàng phục vụ du khách.

Huyện có 118 tổ hợp tác, 36 hợp tác xã, 6 cơ sở sản xuất, 3 công ty TNHH, 1 doanh nghiệp tư nhân tham gia chế biến, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ðến nay huyện đã có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao; ngoài ra, hộ dân còn tận dụng các nguyên liệu thu hoạch từ khai thác biển, như cá, tôm, mực... để chế biến, phục vụ nhu cầu của du khách.

Tạo điểm nhấn về du lịch, huyện Ngọc Hiển đã đưa vào khai thác 4 tuyến tham quan xuyên rừng, thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, gồm tham quan rừng ngập mặn - bãi bồi; khám phá giếng trời - rừng nguyên sinh; tham quan diễn thế rừng tự nhiên cồn Ông Trang (Cồn Cát); tham quan vùng chuyển tiếp từ biển Ðông sang biển Tây.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: “Huyện tiếp tục định hướng phát triển chuỗi liên kết về du lịch. Ngoài tập trung dồn sức thu hút khách tham quan, trải nghiệm du lịch Ðất Mũi, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ cao cấp tại thị trấn Rạch Gốc và hình thành làng nghề địa phương để tạo ra một chuỗi tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách phương xa đến đây trải nghiệm về vùng đất cực Nam Tổ quốc”.

Ông Lạc thông tin thêm, nhằm thu hút khách tham quan du lịch, tạo ra điểm nhấn, huyện vừa xây dựng Ðề án về Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi giai đoạn 2024-2025, đang lấy ý kiến các ban, ngành huyện và sẽ hoàn thành trong tháng 11 này. Dự kiến đề án dành nguồn kinh phí trên 22 tỷ đồng để đầu tư, phát triển du lịch. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển hệ thống đèn chiếu sáng, xây dựng khu chợ đêm khu vực làng nghề và đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, xử lý rác; phấn đấu đến năm 2024 sẽ được công nhận Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi. Tập trung đầu tư để các sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên, tạo được một chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; thu hút các đơn vị, cá nhân, hộ gia đình tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch...

Du lịch Ðất Mũi sẽ được đầu tư nâng cấp để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, hộ kinh doanh các sản phẩm du lịch trong khu làng nghề ấp Mũi, xã Ðất Mũi, phấn khởi: “Xây dựng và phát triển được làng nghề du lịch sẽ giúp những hộ kinh doanh ở đây kinh doanh hiệu quả hơn, khách sẽ đến tham quan ngày càng đông. Ở đây, nếu được xây dựng các khu vui chơi, giải trí, kết hợp các khu nghỉ dưỡng, từ bình dân đến cao cấp, thì du lịch Ngọc Hiển sẽ cất cánh”.

Nhiều hoạt động trải nghiệm, như bơi xuồng, mò vọp, sò huyết, đặt lọp cua được các hộ du làm lịch sinh thái cộng đồng đầu tư, phát triển.

Phát triển thương hiệu du lịch gắn với quảng bá đặc sản của địa phương là một trong những mấu chốt để huyện Ngọc Hiển phát triển bền vững về du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về du lịch qua các kênh thông tin đại chúng, các báo, đài trong và ngoài tỉnh; liên kết với các công ty, đơn vị lữ hành để ngày càng thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch Ðất Mũi, góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn./.

Nguồn: Tạo điểm nhấn cho du lịch Ðất Mũi

Hồng My - Chí Hiểu

baocamau.vn