Cà Mau: Tạo môi trường nuôi tôm bền vững

09:20 | 20/09/2023

|
Những năm trước đây, giá lúa trên thị trường khá thấp, giá vật tư nông nghiệp thì luôn ở mức cao, nhưng bà con nông dân huyện Cái Nước vẫn duy trì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm để cải thiện môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi phát triển. Năm nay, giá lúa tăng mạnh, tạo thêm động lực cho bà con nông dân sản xuất vụ lúa - tôm.
Cà Mau: Quảng bá du lịch thời 4.0Cà Mau: Quảng bá du lịch thời 4.0
Cà Mau: Tăng cường mời gọi đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mạiCà Mau: Tăng cường mời gọi đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Vụ mùa năm 2023, huyện Cái Nước đề ra chỉ tiêu gieo sạ vụ lúa - tôm 500 ha, tập trung chủ yếu ở một số nơi có điều kiện như xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ. Ðây là những địa phương có một phần diện tích nuôi thuỷ sản nằm trong Tiểu vùng Nam Cà Mau, có điều kiện ngăn mặn chống tràn, sản xuất thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm rất cao. Tuy vậy, ngay từ đầu vụ giá lúa trên thị trường tăng mạnh, bà con nông dân vùng sản xuất lúa - tôm hết sức vui mừng, đăng ký thực hiện với tổng diện tích lên đến gần 1.000 ha (xã Thạnh Phú hơn 320 ha, Phú Hưng 525 ha, Hưng Mỹ 50 ha và Hoà Mỹ 46 ha). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất vụ lúa - tôm cho bà con nông dân và cảnh báo tình hình thời tiết để bà con chủ động xuống giống theo lịch thời vụ khuyến cáo.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mol hoàn thành xuống giống hơn 1 ha lúa - tôm.

Ðể giúp nông dân lựa chọn giống lúa chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, có thời gian sinh trưởng ngắn và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khi thu hoạch bán được giá cao, tăng lợi nhuận, chính quyền địa phương giao Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Quyết Tiến (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú) làm trung gian ký kết hợp đồng với Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau, cung ứng lúa giống và vận chuyển đến nơi cấp phát cho bà con, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Theo đó, có gần 8 tấn lúa giống nhóm A, thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày, được cung ứng cho bà con nông dân gieo sạ vụ lúa - tôm. Ðến thời điểm này, bà con xuống giống được 500 ha; hiện thời tiết đang thuận lợi, bà con tiếp tục bơm tát nước và ngâm giống gieo sạ hết diện tích còn lại.

Ông Nguyễn Văn Mol, ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, phấn khởi: “Nếu như vụ mùa trước, vào thời điểm này độ mặn trong vuông tôm từ 1-2%o, bà con phải tích cực bơm tát nước rửa mặn, thì năm nay thời tiết hết sức thuận lợi, lượng mưa phân bố khá đồng đều, nguồn nước trong vuông tôm đã ngọt hoàn toàn, gia đình hoàn thành gieo sạ vụ lúa - tôm với diện tích hơn 1 ha”.

Hộ ông Chung Văn Nay, ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, có điều kiện rửa mặn tốt nên gieo sạ vụ lúa - tôm sớm hơn, lúa hiện được hơn 10 ngày tuổi, đang phát triển khá tốt, gia đình đã bón phân đợt 1 và giặm tỉa, giúp cây lúa đẻ nhánh.

Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Căn cứ lịch thời vụ của Sở NN&PTNT, thời gian xuống giống vụ lúa - tôm có thay đổi và kéo dài đến hết tháng 9. Hiện thời tiết khá thuận lợi, bà con đang khẩn trương xuống giống. Lưu ý chính quyền các xã vùng sản xuất lúa - tôm tăng cường hướng dẫn bà con gia cố bờ bao vuông tôm, chủ động bơm tát nước khi mưa lớn kéo dài để phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ vụ mùa”.

Năm nay, giá lúa trên thị trường tăng mạnh không chỉ động viên bà con nông dân mở rộng diện tích gieo sạ vụ lúa - tôm, mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy tập quán canh tác, lựa chọn giống lúa chất lượng gieo sạ để thu hoạch bán được giá cao, tăng thu nhập./.

Nguồn: Tạo môi trường nuôi tôm bền vững

Việt Tiến

baocamau.com.vn