Cà Mau: Vì nghề biển của thế hệ sau

20:41 | 06/03/2023

|
Không chỉ để tháo gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu (EC), việc triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) còn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài vì nghề biển phát triển bền vững và nguồn tài nguyên biển cho tương lai.
Cà Mau: Cho ý kiến xây dựng Khu di tích Đầm Dơi - Cái Nước - Chà LàCà Mau: Cho ý kiến xây dựng Khu di tích Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là
Cà Mau: Mong muốn doanh nghiệp hợp tác đầu tư tại CampuchiaCà Mau: Mong muốn doanh nghiệp hợp tác đầu tư tại Campuchia

Nhiều năm qua, ngành khai thác thuỷ sản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân vùng ven biển, hải đảo. Ðến nay, toàn tỉnh có tổng số 4.313 phương tiện đăng ký. Trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là 1.588 phương tiện, với 100% tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m là 1.498 phương tiện; còn lại là tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12 m.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh không phát hiện tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, đây là một trong những kết quả nổi bật trong chống khai thác IUU. Ðể đạt được kết quả này, hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua. Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để ngư dân dễ tiếp thu, thực hiện. Công tác kiểm tra, nắm sát, nắm chắc, cập nhật, thống kê phương tiện, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn được triển khai quyết liệt, từ đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở để khắc phục đối với nhóm tàu mất kết nối, nhóm tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm, nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; cũng như kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến ra biển hoạt động khai thác thuỷ sản. Ðặc biệt, theo dõi 24/24 hệ thống giám sát tàu cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài...

Ðể nghề khai thác biển phát triển bền vững, cần có kế hoạch chuyển đổi nghề cho hộ sinh sống dựa vào nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Theo kế hoạch, tháng 6 tới, Uỷ ban châu Âu sẽ thanh tra lần thứ 4 để xem xét tháo gỡ "Thẻ vàng" cho hải sản Việt Nam. Nghĩa là cả nước chỉ có khoảng 180 ngày để dồn lực cho nhiệm vụ hết sức quan trọng này. Ðể việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuận lợi, đồng bộ, đạt kết quả cao nhất, ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 81/QÐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Ðoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu lần thứ 4.

Theo đó, ngày 20/2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai quyết định trên của Chính phủ. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh, việc hải sản bị cảnh báo “Thẻ vàng” thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thuỷ sản cũng như vị thế của thuỷ sản, của đất nước trên trường quốc tế; tức ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ngư dân. Chính vì vậy, các địa phương tập trung mọi nguồn lực, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đến con người… với quyết tâm cao nhất không chỉ để tháo gỡ bằng được cảnh báo "Tthẻ vàng" của EC, mà quan trọng hơn hết là vì nghề khai thác bền vững cho con cháu.

Chung sức cùng cả nước quyết tâm tháo gỡ "Thẻ vàng" và vì nghề khai thác phát triển bền vững, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU), cho biết, Ban Chỉ đạo IUU đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chống khai thác IUU đến tháng 5/2023. Trong đó, xác định từng công việc, nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

Theo đó, trong kế hoạch, tỉnh đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện đạt 100% như: tuyên truyền đảm bảo 100% ngư dân nắm, am hiểu những quy định cơ bản của pháp luật về khai thác thuỷ sản, công tác chống khai thác IUU; hoàn thành 100% số phương tiện thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại trạm biên phòng cửa biển; kiểm soát 100% sản lượng thuỷ sản khai thác qua cảng cá chỉ định, 100% sản lượng khai thác qua cảng cá tư nhân và các bến cá khác; mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt 100% hành vi khai thác IUU (đối với các vụ việc đủ điều kiện xử lý) theo quy định…

Những mục tiêu trên cho thấy quyết tâm của tỉnh, tuy nhiên trên thực tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc kiểm soát 100% sản lượng thuỷ sản khai thác qua cảng cá chỉ định. Bởi lẽ, với đội tàu hiện nay, hàng năm nghề khai thác đóng góp vào sản lượng thuỷ hải sản toàn tỉnh khoảng 236.100 tấn. Trong khi đó, toàn tỉnh có 5 cảng cá đang hoạt động, đáp ứng 350 tàu cập cảng/ngày, sản lượng hàng hoá qua cảng khoảng 86 ngàn tấn/năm. Nhìn chung, các cảng cá trong quy hoạch được đầu tư và đưa vào sử dụng; tuy nhiên, việc quy hoạch cảng cá chưa phù hợp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể dễ thấy nhất và đang tồn tại là cảng cá Sông Ðốc và Rạch Gốc, đây là 2 cảng được chỉ định của tỉnh có nhiều tàu cá cập, rời cảng nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp thành cảng cá chỉ định đạt loại I.

Ngoài ra, các cửa biển bị bồi lắng nhưng không được nạo vét thường xuyên gây khó khăn cho tàu cá ra vào cảng; chiều dài cầu cảng chưa đảm bảo cho tàu cập cảng; cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến lộ xe đấu nối từ cảng cá chỉ định (Sông Ðốc, Rạch Gốc) của tỉnh với Quốc lộ 1 giới hạn tải trọng không quá 8-10 tấn nên việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá bị hạn chế...

Ðể thực hiện đạt được những kết quả cao nhất theo kế hoạch trong điều kiện thực tế còn khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng nghề cá, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi mục tiêu tiến tới ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU không chỉ để tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, mà quan trọng hơn là thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế./.

Nguồn: Vì nghề biển của thế hệ sau

Nguyễn Phú

baocamau.com.vn