Chi tiền may đồng phục cho người lao động ở Trường ĐH Điện Lực có khuất tất?

09:19 | 14/02/2023

|
Trên giấy tờ, mỗi cá nhân được nhận 5 triệu đồng để may đồng phục nhưng nhiều người lại nhận đồ may sẵn.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của giảng viên Trường Đại học Điện Lực về quá trình chi tiền đồng phục tại Trường Đại học Điện Lực (địa chỉ: 235 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) có dấu hiệu bất thường khi trên văn bản thông báo họ được nhận 5 triệu đồng tiền mặt nhưng lại được thông báo đi đo tập trung và nhận đồng phục may sẵn.

Theo đơn thư bạn đọc, tháng 10/2022, Quyền hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực là ông Đinh Văn Châu đã ký văn bản số 1856/QĐ-ĐHĐL ban hành Quy định đồng phục và lễ phục, viên chức, người lao động Trường Đại học Điện Lực.

Ngày 02/11/2022, Quyền Hiệu trưởng Đinh Văn Châu cũng ký văn bản số 1983/TB-ĐHĐL thông báo về việc chi tiền quần áo đồng phục năm 2022 cho viên chức và người lao động thực đang công tác tại trường để trang bị may đồng phục.

Chi tiền may đồng phục cho người lao động ở Trường ĐH Điện Lực có khuất tất? ảnh 1
Văn bản của Trường Đại học Điện Lực về may đo đồng phục. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Theo thông báo này, nhà trường sẽ chi trả kinh phí cho từng cá nhân đơn vị để thực hiện may quần áo, đồng phục với mức chi 5.000.000 đồng/ người áp dụng với viên chức và người lao động theo hợp đồng 68 tại Trường Đại học Điện Lực làm việc tại trường.

Mỗi nhân viên nam, nữ của nhà trường sẽ có 01 bộ quần áo vest, 01 bộ quần áo sơ mi và 01 cà vạt.

Trường thực hiện lấy số đo người lao động trong các ngày 03/11 và 04/11.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, nhiều người lao động trong Trường Đại học Điện Lực cảm thấy khó hiểu với cách làm mập mờ của Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực.

Chi tiền may đồng phục cho người lao động ở Trường ĐH Điện Lực có khuất tất?

Bởi việc chi 5.000.000 đồng tiền đồng phục, tiếng là cho người lao động tự may nhưng nhà trường lại ra thông báo số 1983/TB-ĐHĐL lên trường để nhà may đo.

Một số nhân viên, giảng viên phản ánh, họ không nhận được tiền mặt và cũng không tự may tại các nhà may khác theo ý muốn.

Các giảng viên, nhân viên này cho biết, họ chỉ nhận được sản phẩm quần áo do nhà may Q.H may và phải ký nhận mình đã nhận được tiền mặt.

Về chất lượng quần áo cũng đặt ra rất nhiều nghi vấn khi nhiều người tại Trường Đại học Điện Lực cho rằng không đến mức giá 5.000.000 đồng.

Chi tiền may đồng phục cho người lao động ở Trường ĐH Điện Lực có khuất tất? ảnh 3
Dù ký nhận 5.000.000 đồng nhưng thực tế người lao động ở Trường Đại học Điện Lực nhận về sản phẩm như hình. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Chính vì vậy, độc giả cho rằng trường một số cá nhân tại Trường Đại học Điện Lực đang tìm cách “lách luật” khi thông báo phát tiền cho người lao động để tự may đồng phục nhưng lại để cho một đơn vị may..

Một nhân viên tại Trung tâm thực hành thí nghiệm cho biết, người này đã ghi rõ vào giấy chung của đơn vị là "tôi nhận quần áo" và gạch luôn số tiền 5.000.000 đồng đi.

Bởi theo nhân viên này cho biết: "Phiếu nhận của nhà may có rất nhiều vấn đề khi không ghi rõ giá trị từng sản phẩm cụ thể như quần bao nhiêu, áo bao nhiêu mà chỉ ghi thành tiền là 5.000.000 đồng nên tôi ghi rõ là nhận quần áo và gạch số tiền đi".

Với số nhân viên, giảng viên toàn trường lên đến hơn 450 người, mỗi người 5.000.000 đồng, số tiền này sẽ rất lớn. Việc chia nhỏ số tiền và với danh nghĩa phát tiền cho người lao động, yêu cầu ký nhận tiền mặt nhưng thực chất là nhận sản phẩm. Người lao động đặt câu hỏi về chất lượng và có hay không sự "lập lờ" để trục lợi?

Chi tiền may đồng phục cho người lao động ở Trường ĐH Điện Lực có khuất tất? ảnh 4
Phiếu nhận không ghi rõ giá trị từng sản phẩm mà chỉ ghi gọn thành tiền là 5.000.000 đồng. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, ngày 9/2, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Trường Đại học Điện Lực.

Ông Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực – người phát ngôn của nhà trường cho biết:

"Trường không tổ chức mua đồng phục chung mà chỉ phát tiền cho nhân viên tự tổ chức may.

Mọi năm trường vẫn phát cho nhân viên tiền đồng phục, chỉ khác với mọi năm, lần này nhà trường có quy định cụ thể về hình thức, thể thức để mọi người sử dụng.

Việc này nhà trường tuân theo quy chế chi tiêu nội bộ và cho tiền nhân viên mua đồng phục cho nhân viên nên không phải đấu thầu".

Khi phóng viên hỏi về việc tại sao có thông báo của Quyền Hiệu trưởng về việc toàn bộ nhân viên, giảng viên đến trường để lấy số đo tại nhà E, ông Dương Trung Kiên cho biết: "Việc này chỉ là thông báo cho nhân viên, khi nhà may đến đo và làm việc với nhân viên, không liên quan đến nhà trường. Ai may thì may không may thì thôi."

Nói về việc vì sao chỉ có 1 nhà may Q.H may đo đồng phục cho nhiều cán bộ giảng viên, ông Đỗ Hữu Chế - Trưởng phòng Hành chính, Trường Đại học Điện lực khẳng định nhà trường không ban hành văn bản nào yêu cầu giảng viên, nhân viên bắt buộc phải làm việc ở 1 nhà may. Việc có 1 nhà may có thể nhân viên họ cùng chọn 1 nhà may cho tiện”.

Khi phóng viên hỏi vì nói là phát tiền mặt cho nhân viên nhưng thực tế giảng viên chỉ nhận quần áo từ nhà may là Q.H, ông Dương Trung Kiên phủ nhận việc này và cho biết: "Nhà trường vẫn phát tiền mặt cho nhân viên. Phòng kế hoạch tài chính vẫn nhắn tin các trưởng đơn vị đôn đốc giảng viên xuống nhận tiền".

Với số lượng hơn 450 cán bộ, giảng viên, công nhân viên, mỗi người có đồng phục trị giá 5.000.000 đồng/người. Tổng số tiền chi may đồng phục sẽ là nhiều tỉ đồng.

Với những thông báo công khai về thời gian địa điểm lấy số đo để may đồng phục, nhận đồng phục được Quyền Hiệu trưởng Đinh Văn Châu thông báo và những trả lời của người phát ngôn, cán bộ Trường Đại học Điện Lực và tài liệu bạn đọc cung cấp đang có sự bất nhất.

Vậy liệu có khuất tất trong việc may đồng phục của Trường Đại học Điện Lực? Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh để người lao động tại Trường Đại học Điện Lực yên tâm công tác.

Không chỉ gửi thông tin về việc may đồng phục có dấu hiệu khuất tất, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về việc một nữ giảng viên tại Trường Đại học Điện Lực cho rằng bị Quyền Hiệu trường Đinh Văn Châu có hành vi không đúng mực và chèn ép giảng viên này phải viết đơn xin nghỉ việc.

Giảng viên này đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành, trong đó có Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điện Lực để giải quyết và Thông báo cho Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam biết.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin này, ông Dương Trung Kiên cho biết, trường hiện đang kiện toàn Hội đồng trường nên chưa có đơn vị giải quyết.

Nói về sự việc, ông Kiên cho biết, ông Châu đã có báo cáo gửi các cơ quan cấp trên. Qua điện thoại, ông Đinh Văn Châu – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực cho biết mình trong sạch và đã có báo cáo gửi cơ quan cấp trên.

Hiện giảng viên này đã nghỉ việc theo quyết định của nhà trường và vẫn đang tiếp tục gửi đơn đi khắp nơi để đòi quyền lợi.

Nguồn:Chi tiền may đồng phục cho người lao động ở Trường ĐH Điện Lực có khuất tất?

Trần Phương

giaoduc.net.vn