Đà Nẵng: Kỳ vọng điểm đến du lịch độc đáo tại Liên Chiểu

17:15 | 20/02/2024

|
Theo nội dung công bố quy hoạch mới đây của UBND quận Liên Chiểu, thời gian tới địa phương sẽ có thêm công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và quảng trường phía nam ghềnh Nam Ô tại phường Hòa Hiệp Nam, với diện tích quy hoạch gần 5,4ha.
Đà Nẵng: Bình yên ở Sunny FarmĐà Nẵng: Bình yên ở Sunny Farm
Đà Nẵng: Kỳ vọng điểm đến du lịch độc đáo tại Liên Chiểu
Phối cảnh chòi vọng tại dự án công viên sinh thái và quảng trường ghềnh Nam Ô. Ảnh: H.L

Cụ thể, công viên sinh thái và quảng trường phía nam ghềnh Nam Ô nằm bên vịnh Đà Nẵng, đoạn cuối đường Nguyễn Tất Thành. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên giữ nguyên hiện trạng hơn 3,2ha, công viên sinh thái rộng hơn 1,8ha và quảng trường rộng gần 0,25ha. Diện mạo công viên sinh thái ghềnh Nam Ô khi hình thành sẽ có mật độ xây dựng tối đa 2,78%, được bố trí tuyến đường đi dạo quanh ghềnh, trên tuyến bố trí các điểm không gian mở như sàn ngắm cảnh, sàn tập yoga, sàn check-in, các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ cho việc tham quan của du khách. Khu quảng trường bố trí các tiện ích công cộng như chòi nghỉ, nhà vệ sinh phục vụ du khách.

Được biết, công viên và quảng trường sẽ tạo thành vùng đệm bảo vệ rừng ghềnh Nam Ô, kết hợp tổ chức không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, việc phê duyệt quy hoạch công viên sinh thái và quảng trường phía nam ghềnh Nam Ô không chỉ tạo không gian sinh hoạt cho cộng đồng, phát triển bản sắc văn hóa địa phương mà còn hướng tới mục tiêu đưa Liên Chiểu trở thành điểm đến du lịch mới, hấp dẫn trong bản đồ du lịch Đà Nẵng.

Theo ông Vũ, quận Liên Chiểu đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Chưa kể, việc quy hoạch công viên sinh thái và quảng trường ghềnh Nam Ô nằm trong chiến lược phát triển vùng tây bắc theo định hướng và quy hoạch chung của thành phố trong tương lai. Quá trình thực hiện dự án, địa phương sẽ theo sát nhằm bảo đảm các công trình khai thác bền vững, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với bảo tồn môi trường sinh thái.

Cùng với quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và quảng trường phía nam ghềnh Nam Ô có vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng, UBND thành phố giao UBND quận khẩn trương phối hợp đơn vị phát triển dự án Nam Ô Heritage hoàn thiện các hạng mục, kết nối với công viên, quảng trường và tuyến phố ăn vặt nhằm đưa vào phục vụ người dân, du khách.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô hy vọng, dự án quảng trường, công viên sinh thái khi hình thành sẽ thúc đẩy dịch vụ du lịch tại địa phương, qua đó tạo cơ hội cho làng nghề nước mắm Nam Ô mở rộng thị trường tiêu thụ. Cũng theo ông Vinh, Nam Ô là địa phương có bề dày văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, làng nghề và tài nguyên rừng nguyên sinh. Do đó, việc phát triển cần dựa trên những lợi thế sẵn có, tránh tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường và khu rừng tự nhiên tại mõm Hạc (còn gọi là hòn Phụng).

Chung quan điểm này, ông Đặng Dùng, người được ví “sử gia” làng Nam Ô, cho biết từ xa xưa, mõm Hạc là niềm tự hào của người dân trong làng. Theo đó, lịch sử làng Nam Ô gọi mỏm Hạc là đất “ngũ nhạc triều quy”, nơi có năm ngọn núi Ba Viên, Bà Nà, Hải Vân, Phước Tường và Sơn Trà hướng về tích tụ linh khí để thành vượng địa, đất quý, địa linh. Ghềnh đá Nam Ô mang dáng hình con chim phụng có mõm hạc xanh nổi lên giữa bãi cát vàng, xòe đôi cánh rộng dưới ánh nắng mai trước khi bay ra biển lớn. Bên cạnh đó, di tích Miếu vọng Huyền Trân Công chúa nằm trên vùng đất cao của mõm Hạc là địa chỉ văn hóa tâm linh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Ô.

“Với tư duy hình tượng và những giá trị tín ngưỡng, tâm linh, chúng tôi rất tự hào về mõm Hạc và mong muốn địa phương trong quá trình xây dựng dự án sẽ tôn trọng đối đa những giá trị tự nhiên, lịch sử văn hóa và truyền thống trên”, ông Dùng nói.

Nguồn: Kỳ vọng điểm đến du lịch độc đáo tại Liên Chiểu

Huỳnh Lê

baodanang.vn