Đà Nẵng: Mong ước Hòa Vang

15:10 | 22/01/2024

|
Hòa Vang đang phát triển khá nhanh, đó là điều đáng mừng. Cả thành phố Đà Nẵng cùng có trách nhiệm với sự phát triển của Hòa Vang. Kết quả xây dựng nông thôn mới, quy hoạch đô thị, phát triển du lịch, những khu công nghiệp tầm cỡ… đang là điểm nhấn tạo diện mạo mới cho Hòa Vang. Hy vọng tương lai không xa, Hòa Vang sẽ là điểm sáng của quá trình đô thị hóa, là điểm đến đáng nhớ của du khách, là mô hình về sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi điển hình. Nhiều lần đến và nhiều kỷ niệm với vùng đất thân thiết này, xin được có mấy mong ước.
Đà Nẵng có thêm 3 bảo vật quốc giaĐà Nẵng có thêm 3 bảo vật quốc gia
Đà Nẵng: Mở rộng thị trường khách quốc tếĐà Nẵng: Mở rộng thị trường khách quốc tế
Đà Nẵng: Mong ước Hòa Vang
Môi trường trong lành, nhân dân chất phác và thân thiện, nơi đó có những không gian giữ gìn hồn cốt quê hương làm nên một Hòa Vang đẹp, thanh bình và có chiều sâu văn hóa. Ảnh: H.T.N

Quy hoạch vùng không quy hoạch

Với hàng chục dự án đang triển khai, hàng chục đồ án quy hoạch xây dựng, một số khu công nghiệp mới, các cơ sở dịch vụ và du lịch, trong đó có phân khu lõi đô thị hơn 200ha, tương lai không xa sẽ hình thành thị xã Hòa Vang với các chức năng đô thị, dân cư, hành chính, sản xuất… ai cũng mong các đồ án ấy sớm hình thành, bởi “Hòa Vang phát triển, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển”.

Tuy nhiên cần lắm một quy hoạch về không gian không quy hoạch, giữ cho được những cánh đồng lúa, những công trình lịch sử lâu đời, nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa, những bến sông, cây đa, sân đình, hàng tre… ít can thiệp hoặc không can thiệp bởi xây dựng mới, đặc biệt dọc bờ các sông Yên, Trường Định, Cu Đê, về vùng trung du núi đồi, về những cánh đồng lúa và cây ăn trái điển hình… nơi đó giữ gìn vài con đường đất với những hàng tre ngọn cành giao nhau, những vuông vườn xanh mướt bình yên trong nắng sớm. Những cánh rừng trung du Hòa Phú, Hòa Bắc với không gian yên tĩnh, cuộc sống thanh bình, có tiếng chuông chùa khuya sớm. Hòa Vang phát triển nhưng vẫn còn làng, còn lũy tre bao bọc, nơi đó văn hóa làng vẫn bền bỉ nuôi dưỡng làm nên sự giàu có nội tâm của quê hương.

Những con đường hoa

Bên cạnh những con đường thảm nhựa vào các thôn, làng làm sao trồng được những hàng cây mà chỉ khi đến Hòa Vang mới thấy. Chọn một số tuyến đường ven sông khôi phục lại những hàng mù u, loại cây và hạt nổi tiếng đi vào truyện lịch sử của xứ này, nhưng chẳng hiểu vì sao đến nay gần như mất giống. Hoa mai (mai xuân) không khó trồng và tương đối dễ chăm sóc nhưng rất tiếc Hòa Vang chưa trở thành thương hiệu. Làm sao trong 5 đến 7 năm nữa sẽ có những tuyến đường chỉ trồng một loại hoa mai, để mỗi dịp Tết đến, Hòa Vang sẽ bừng lên sắc thắm, hoa mai vàng rực rỡ khắp các con đường, làng quê làm cho nơi đây càng trở nên lộng lẫy, để Hòa Vang thành điểm đến độc đáo mỗi khi Tết đến, xuân về.

Mỗi con đường, mỗi công trình công cộng nhất là trường học và bệnh viện phải là những không gian rợp bóng cây, có thể là phượng vĩ hoặc loại cây nào đó. Mỗi căn nhà, khu vườn là đậm đà một màu xanh của lá, của hoa. Xem cây là hạng mục chính trong quá trình xây dựng Hòa Vang.

Bản sắc văn hóa Cơ tu

Điểm độc đáo của Đà Nẵng, của Hòa Vang là có một thôn đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống lâu đời. Điều cần nhấn mạnh đây là khu vực sinh sống điển hình, bản địa của đồng bào Cơ tu, tộc người vốn sống nhiều ở vùng Tây Quảng Nam, nhưng được tập trung thành buôn làng lâu đời ở vùng ven đô. Trong quá trình sinh sống khó tránh khỏi sự Kinh hóa, nhất là thông qua giáo dục, sinh hoạt văn hóa… chính vì vậy mà thành phố, huyện cần có biện pháp vừa tổng quát, vừa chi tiết nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc của người Cơ tu. Thông qua các sinh hoạt đặc thù của người Cơ tu vùng “thấp”, Hòa Vang sẽ là bảo tàng sống giới thiệu cho các nhà dân tộc học về sự phong phú văn hóa cộng đồng cũng như các sản phẩm riêng có (mặt nạ, cơm lam, rượu đoác…).

Bảo tàng nông nghiệp

Chọn một điểm nào đó thuận tiện, nơi có cánh đồng lúa, đường quê…, xây dựng một bảo tàng nông nghiệp điển hình của nông thôn miền Trung. Nơi đây sẽ lưu giữ những dụng cụ nhà nông mà có thể một thời gian ngắn nữa sẽ trở thành xa lạ. Những cái đó, cái lờ, cái nơm, cái cuốc, thuổng, dao mác, rựa… không gian nhà rường có hàng rào chè tàu, lưu giữ các hoạt động nổi tiếng một thời (như dệt chiếu Cẩm Nê), nơi đây cũng có thể trưng bày dụng cụ nghề cá nhất là đánh bắt trên biển, và cũng có cả quy trình giới thiệu làm nước mắm Nam Ô, giờ thuộc địa phương khác nhưng từ xưa vốn thuộc Hòa Vang… Rất nhiều cái cần lưu giữ để giới thiệu cho con cháu và du khách về nền văn minh lúa nước xứ Quảng và miền Trung, về những động vật trong hoạt động đồng áng như con trâu, con bò. Dĩ nhiên đây cũng còn là điểm tham quan du lịch, nơi giới thiệu sinh động đời sống nông dân Hòa Vang.

Hòa Vang sẽ không bao giờ có những tòa nhà chọc trời và nhiều điểm vui chơi lộng lẫy, những tiện nghi hiện đại như nội đô, nhưng Hòa Vang cũng có những thứ mà người thành phố không thể có. Môi trường trong lành, nhân dân chất phác và thân thiện, nơi đó có những con đường đẹp như tranh vẽ, những không gian giữ gìn hồn cốt quê hương, những sinh hoạt cộng đồng thấm đẫm hồn quê làm nên một Hòa Vang đẹp, thanh bình và có chiều sâu văn hóa.

Nguồn: Mong ước Hòa Vang

Huỳnh Thục Nhân

baodanang.vn