Đà Nẵng: Sẻ chia với người nghèo

14:10 | 18/12/2023

|
Với tinh thần “tương thân, tương ái”, những địa chỉ nhân ái vì người nghèo của các hội, đoàn thể, các mạnh thường quân khắp thành phố vẫn ngày ngày mở cửa san sẻ yêu thương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Để Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch cướiĐể Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch cưới
Đà Nẵng: Cây nêu trong văn hóa người Cơ tuĐà Nẵng: Cây nêu trong văn hóa người Cơ tu
Đà Nẵng: Sẻ chia với người nghèo
Thầy Trương Vĩnh Đặng - người khởi xướng “Bếp ăn miễn phí” (bên phải) trao suất ăn cho người lao động nghèo. Ảnh: HUY HOÀNG

Thành lập từ năm 2020 đến nay, đều đặn ngày rằm và mồng 1 âm lịch hằng tháng, bếp chay 0 đồng ở làng Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) lại “đỏ lửa” vì những hoàn cảnh khó khăn. Kể về cơ duyên thành lập bếp, chị Lê Thị Thùy Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thọ An 3 (phường Thọ Quang) cho biết, thời điểm Covid-19 bùng phát, thấy xung quanh có nhiều hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ, chị em phụ nữ khu vực Thọ An 3 chung tay mở bếp chay 0 đồng.

Chị Trang cho biết, thời gian đầu, bếp phục vụ vài trăm suất ăn/lần. Dần dần, mọi người biết và tìm đến ngày càng nhiều, số lượng suất ăn vì thế cũng tăng lên 1.000 - 1.500 suất/lần. Theo bếp trưởng Phạm Thị Hoa, đối tượng phục vụ chính của bếp là người già neo đơn, người lao động nghèo, những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Bên cạnh đó, mỗi tháng 2 lần, bếp còn tổ chức nấu và phát tổng cộng 1.400 suất ăn cho bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Ung bướu nhằm san sẻ yêu thương với bệnh nhân nghèo.

“Để có kinh phí hoạt động, các thành viên của bếp tự nguyện góp một phần tiền lương hằng tháng vào quỹ chung; vận động người thân, bạn bè cùng hỗ trợ để duy trì ngọn lửa tại gian bếp 0 đồng, tiếp tục mang yêu thương đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ”, chị Trang chia sẻ.

Một địa chỉ nhân ái khác tại phường Thọ Quang được những hoàn cảnh khó khăn thường xuyên lui tới là “Gian hàng 0 đồng” của Chi hội Phụ nữ Lộc Phước 2. Bà Phạm Thị Sáu, Chi hội trưởng cho biết, gian hàng được thành lập từ nguồn kinh phí phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, những mạnh thường quân trong khu dân cư cũng thường xuyên ủng hộ những vật dụng, trang phục còn sử dụng tốt. Mỗi tuần 1 lần vào sáng Chủ nhật, gian hàng mở cửa trao những phần quà ý nghĩa đến hội viên khó khăn, tô thắm thêm phong trào thi đua “Mỗi hội viên - một cử chỉ đẹp, mỗi tổ chức hội - một hành động ý nghĩa”.

Suốt 4 năm qua, “Bếp ăn miễn phí” của thầy và trò Trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu) vẫn đều đặn “đỏ lửa” mỗi tháng 1 lần. Thầy Trương Vĩnh Đặng (giáo viên Trường Tiểu học Tây Hồ) là người khởi xướng cho biết, bếp ăn được ra đời trên tinh thần nhân ái vì những hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn kinh phí đóng góp của giáo viên và phụ huynh học sinh, vào ngày cuối tuần, thầy cô giáo tự tay chuẩn bị khoảng 200 suất ăn để gửi tặng đến người lao động nghèo: xe ôm, vé số, ve chai… trên địa bàn quận Hải Châu.

“Đây là hoạt động ý nghĩa được ban giám hiệu nhà trường chọn là mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm giáo dục truyền thống nhân văn, nhân ái trong đội ngũ giáo viên và học sinh”, bà Trương Thị Hồng Thanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều tháng qua, tại kiệt 164 Nguyễn Chánh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) “mọc” lên “Gian hàng yêu thương” do Chi hội Phụ nữ Hòa Phú 2 khởi xướng. Trên khoảng đất trống, căn nhà nhỏ được dựng lên với bảng hiệu “Gian hàng yêu thương” màu đỏ nổi bật. Bên trong, những chiếc kệ chất đầy quần áo, giày dép, mũ còn sử dụng tốt. Với phương châm “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”, gian hàng mở cửa vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần phục vụ những ai có nhu cầu.

Bà Trần Thị Hảo (quê tỉnh Quảng Ngãi, làm nghề bán vé số) là “khách hàng” quen thuộc với gian hàng. Bà Hảo kể: “Gần như cuối tuần nào tôi đi bán về cũng ghé vô đây để chọn đồ. Khi thì chiếc áo sơ mi, khi thì áo khoác, mũ hoặc đôi dép. Tất cả quần áo, vật dụng ở đây đều còn mới, sử dụng tốt, rất hữu ích với người lao động nghèo”. Trong khi đó, ông Lê Hữu Đại (quê tỉnh Quảng Nam, làm nghề thợ nề) cũng thường xuyên lui tới gian hàng để chọn quần áo. “Nghề thợ nề quần áo thường xuyên lấm lem, vào mùa mưa nên giặt giũ khó khăn. Nhờ có tủ quần áo miễn phí này mà tôi có quần áo để mặc luân phiên. Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã mở ra gian hàng này”, ông Đại chia sẻ.

Nguồn: Sẻ chia với người nghèo

Huy Hoàng

baodanang.vn