Đề nghị cấm phim 'cổ xúy vi phạm pháp luật'

16:59 | 15/09/2021

|
Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị nghiêm cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, như phạm tội nhưng không bị xử lý, sống ích kỷ.

Sáng 14/9, cho ý kiến về những điều cấm trong hoạt động phim ảnh quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, như phạm tội nhưng không bị xử lý, sống ích kỷ; phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.

"Điển hình như mới đây VTV1 chiếu phim Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Phim chiếu trên giờ vàng, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?", ông nói, nhấn mạnh Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim các vấn đề lại đưa cho ông trùm phán xử, thậm chí phán xử cả lực lượng công an.

Theo thiếu tướng Lê Tấn Tới, việc phổ biến phim trên không gian mạng cũng phải quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Những người này phải tự phân loại và chịu trách nhiệm, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, trẻ em, tôn giáo, dân tộc.

Đề nghị cấm phim 'cổ xúy vi phạm pháp luật'
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới. Ảnh: CAND

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo định lượng cụ thể, chính xác các quy định cấm trong hoạt động điện ảnh ở Điều 10. "Cần thể hiện lại khoản 1 Điều 10 theo hướng cấm hành vi sản xuất, phát hành, phổ biến phim có nội dung vi phạm", ông Vinh nói.

Ông Vinh đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi quay trộm, sao chép phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim; cấm các rạp chiếu phim để lộ, lọt phim khi đang chiếu.

Theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, cần bổ sung thành phần thẩm định phim. Dự thảo nêu thành phần thẩm định có 2/3 là nhà chuyên môn, 1/3 là nhà quản lý điện ảnh là chưa phù hợp, cần bổ sung nhà chuyên môn, chính trị, chuyên gia liên quan đến nội dung điện ảnh, đặc biệt là an ninh, quốc phòng, tín ngưỡng, tránh để lọt những phim làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, như vừa qua để lọt phim Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh "đường lưỡi bò".

"Phải quy định rõ trách nhiệm của nhà thẩm định phim để bảo đảm chất lượng, hiệu quả", bà Thanh nói.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là xây dựng các chính sách phát triển điện ảnh theo hướng hiện đại. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ học tập các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển khi xây dựng chính sách, chú ý khuyến khích đầu tư phim trường vì "một số nước hiện nay có phim trường làm giả cổ rất hoành tráng".

Theo ông Huệ, điện ảnh phải là ngành công nghiệp dịch vụ văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Dự luật nên thể hiện điện ảnh là ngành văn hóa có tính tổng hợp, liên ngành; phải có hệ sinh thái cho việc làm phim, có chính sách ưu đãi về thuế, vốn...

Đề nghị cấm phim 'cổ xúy vi phạm pháp luật'
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội sáng 14/9. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chung ý kiến, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh dự án luật cần quy định phát triển phim trường khi xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. "Việt Nam có cảnh quan, địa chính trị rất thuận lợi, tôi cảm giác ở đâu cũng có thể trở thành phim trường. Như Ninh Bình thời gian qua có quần thể di sản thế giới Tràng An trở thành phim trường của bộ phim nổi tiếng Đảo đầu lâu, hay là phim trường của phim Hương vị tình thân", bà nói.

Bà Thanh cho rằng Bộ Tài nguyên Môi trường, các địa phương nên chung tay với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cấp phép xây dựng trung tâm kỹ thuật điện ảnh, trường quay, có cơ chế chính sách đầu tư, khai thác, lưu giữ, bảo tồn giá trị. Ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cũng phải nghiên cứu tổ chức các sự kiện liên hoan phim để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại dự án luật. Khi điện ảnh là ngành nghệ thuật sáng tạo thì luật phải điều chỉnh một ngành, không chỉ riêng sản xuất, phát hành mà cả nghiên cứu khoa học về phim, đào tạo cán bộ làm phim, quy định sự ra đời và tồn tại của các chủ thể tham gia.

"Dự luật cần làm rõ cơ sở điện ảnh là gì, ai là người thành lập? Có phải mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi được thành lập không? Luật không chỉ quy định các vấn đề liên quan đến phim mà những nội dung ngoài phim cũng phải đưa vào, ví dụ đầu tư trường quay, sản xuất trang thiết bị phục vụ làm phim", ông nói.

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau hơn 14 năm thi hành, dự án luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa 15 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, khai mạc cuối tháng 10.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để xin ý kiến. Phương án 1 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; phương án 2 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu.

Đa số thành viên Chính phủ thống nhất phương án 1 vì phim là tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, sản xuất phim mang đặc thù riêng, không thể chia cắt đứt đoạn, không thể đấu thầu kịch bản. Tuy nhiên, phương án này chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thì cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban lựa chọn phương án 2 vì thực hiện hình thức đấu thầu sẽ tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị, phù hợp với Luật Đấu thầu. Đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian thì có thể không cần đấu thầu.

Nguồn: Đề nghị cấm phim 'cổ xúy vi phạm pháp luật'

Hoàng Thùy

Vnexpress