Đồng Nai: Doanh nghiệp nội vẫn khó vào khu công nghiệp

17:15 | 04/05/2023

|
Đồng Nai hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, số lượng DN hoạt động trong khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại vẫn đang sản xuất trong khu dân cư hoặc các khu đất chưa phù hợp quy hoạch.
Đồng Nai: Doanh nghiệp nội vẫn khó vào khu công nghiệp
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn phải sản xuất ngoài khu công nghiệp. Ảnh minh họa: V.GIA

Khó khăn về nguồn lực khiến DN khó tiếp cận mặt bằng sản xuất tập trung, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, cần có giải pháp sớm tháo gỡ để nâng cao nội lực cho DN.

* Chưa vào được KCN

Ngành sản xuất có thể nói đến đầu tiên là chế biến gỗ. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1 ngàn DN chế biến gỗ (chưa tính trên 500 cơ sở sản xuất hộ gia đình), chiếm 30% của toàn vùng Đông Nam bộ. Trong tổng số các cơ sở chế biến gỗ, Đồng Nai có trên 200 DN có quy mô vừa và lớn (trong đó có khoảng 50 DN có vốn đầu tư nước ngoài). DN sản xuất gỗ phần lớn vẫn đang hoạt động ở ngoài khu vực công nghiệp tập trung. Mới chỉ có khoảng 13% số DN có nhà máy đặt trong các KCN và CCN, đây là những DN lớn, hoạt động sản xuất tập trung vào thị trường xuất khẩu.

Ở các ngành sản xuất khác cũng tương tự. Chủ một DN công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay, cách đây 2 năm, DN thuê nhà xưởng có sẵn quy mô nhỏ để sản xuất. Hiện nay, do vướng mắc việc cung ứng điện nên khả năng DN phải di chuyển nơi sản xuất. Tuy nhiên, hiện DN vẫn chưa biết phải về đâu vì muốn vào KCN thì tiền thuê đất rất cao; đồng thời, phải tốn khoản tiền lớn để đầu tư nhà xưởng đạt yêu cầu.

DN nhỏ khó di dời vào các KCN là một lẽ, ngay cả DN quy mô vừa cũng chưa chắc thuê được bởi quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê không còn nhiều và giá đất cho thuê liên tục tăng. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2022, giá thuê đất KCN trên cả nước tăng khoảng 10% so với năm trước. Tại Đồng Nai thì dao động từ 100-200 USD/m2/chu kỳ thuê. Các địa phương lân cận như: TP.HCM dao động từ 180-300 USD/m2, Long An có giá thuê từ 125-175 USD/m2, Bình Dương từ 100-250 USD/m2. Đây đều là những mức giá cao hơn so với các khu vực còn lại trên cả nước nên DN nội rất khó tiếp cận.

* Cần tìm giải pháp tháo gỡ

Thực tế khảo sát nhiều DN cho thấy, phần lớn DN hiện có quy mô nhỏ, nhu cầu thuê đất chỉ từ 1-3 ngàn m2, thậm chí có DN chỉ cần thuê vài trăm m2. Thế nhưng, tại các KCN, CCN, DN cho thuê hạ tầng vẫn phân lô với diện tích từ 5 ngàn m2 trở lên, số nhà xưởng có diện tích vài trăm m2 cho thuê không nhiều và cũng được sàng lọc kỹ. Điều này khiến cho các DN thứ cấp, DN mới thành lập rất khó tiếp cận.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, tỉnh có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 10,2 ngàn ha, các KCN đã cho thuê được hơn 6 ngàn ha trong tổng số hơn 7 ngàn ha đất mặt bằng sản xuất. Hiện quỹ đất có thể cho thuê không còn nhiều nên ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư lựa chọn ngành nghề đầu tư. Trong quý II-2023, các công ty hạ tầng đang triển khai điều chỉnh quy hoạch mở rộng và quy hoạch mới các KCN. Vì vậy, kỳ vọng các KCN sẽ tăng diện tích đất để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có các DN Việt.

Đồng Nai: Doanh nghiệp nội vẫn khó vào khu công nghiệp
Sau nhiều năm sản xuất ngoài khu dân cư, hiện Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa) đã thuê đất, đầu tư được nhà xưởng sản xuất trong Khu công nghiệp Amata

Đánh giá về điều này, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định, các DN tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận các KCN lớn, bởi rào cản về quy định diện tích tối thiểu, điều kiện thanh toán, phí sử dụng hạ tầng cao. Nhiều năm qua, các địa phương cũng chưa có chương trình riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực và nỗ lực cho các dự án lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Muốn phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nội lực của cộng đồng DN thì phải có giải pháp càng sớm càng tốt.

Thiếu mặt bằng sản xuất ổn định khiến DN mất đi những cơ hội để mở rộng quy mô nhà xưởng, xây dựng chiến lược phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua khảo sát của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, có hàng chục DN thành viên có nhu cầu đưa nhà máy vào khu sản xuất tập trung. Hội này cũng đang xúc tiến đầu tư phát triển các CCN, ưu tiên cho hội viên thuê.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long, mặt bằng sản xuất đang là vấn đề quan tâm đặc biệt của các DN; ngoài nỗ lực của DN thì rất cần tới những chính sách hỗ trợ mạnh hơn từ Nhà nước trong thời gian tới để các DN nhỏ và vừa có thêm cơ hội tiếp cận.

Nguồn: Doanh nghiệp nội vẫn khó vào khu công nghiệp

Văn Gia

baodongnai.com.vn