Đồng Nai: Đổi mới tư duy về phát triển bền vững

08:54 | 04/06/2023

|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh vừa có buổi nói chuyện chuyên đề với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã về định hướng tầm nhìn cho Đồng Nai phát triển bền vững.
Đồng Nai: Để mọi trẻ em được quan tâm, chăm sócĐồng Nai: Để mọi trẻ em được quan tâm, chăm sóc
Đồng Nai: Để du lịch ven hồ Trị An phát triển bền vữngĐồng Nai: Để du lịch ven hồ Trị An phát triển bền vững
Đổi mới tư duy về phát triển bền vững
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ ba từ phải sang) và lãnh đạo UBND tỉnh, Huyện ủy Thống Nhất tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của người dân. Ảnh: Phương Hằng

Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Thời gian qua, tôi rất trăn trở về sự phát triển bền vững của Đồng Nai. Từ trải nghiệm thực tế của bản thân, tôi đúc kết có 3 cơ hội và 4 thách thức cho Đồng Nai”.

* Nhận diện cơ hội, thách thức

Các cơ hội đó là, Đồng Nai nằm trong tứ giác phát triển kinh tế (cùng với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu); là trung tâm kết nối các vùng kinh tế, vùng nguyên liệu và nguồn nhân lực ở khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long); giao thông ở Đồng Nai rất thuận lợi, có đủ 5 phương thức: đường bộ, các tuyến đường cao tốc, đường thủy, đường sắt và đường hàng không quốc tế.

Bên cạnh những cơ hội để phát triển, Đồng Nai đang đối mặt với các thách thức: tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh, thành lân cận; chậm phát triển hạ tầng xã hội, chăm lo cho người dân; an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp và khả năng hành động của đội ngũ cán bộ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, để Đồng Nai phát triển bền vững, cần phát huy cao nhất lợi thế, tiềm năng của địa phương để thúc đẩy sự phát triển. Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội; không để hệ lụy cho tương lai và được xã hội đồng thuận.

Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH chia sẻ, trong 1-2 năm nữa có thể Đồng Nai chưa tạo ra dự án này hay sản phẩm kia và thu ngân sách cũng chưa tăng tốc được nhiều, chỉ mong trong thời gian tới đây, Đồng Nai có đội ngũ cán bộ thực sự hết mình vì mảnh đất này để nhiệm kỳ sau Đồng Nai “cất cánh”.

Trong đó, về phát triển kinh tế phải hướng vào mục tiêu: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đồng thời, phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Những năm qua, Đồng Nai là tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, kéo theo tăng dân số cơ học quá nhanh, với hơn 1 triệu người trong vòng 30 năm qua. Dân số cơ học tăng nhanh làm cho các vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự của tỉnh rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, hiện nay đòi hỏi tỉnh phải thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng hàm lượng tri thức trong khoa học công nghệ, qua đó để thu hút lao động có tay nghề cao, tạo giá trị gia tăng trên 1ha đất, nâng cao chất lượng tăng trưởng GRDP của tỉnh...

Vừa thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh cần quan tâm kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ để không bị lệ thuộc vào đầu tư từ nước ngoài.

Thời gian tới, các trụ cột phát triển kinh tế của Đồng Nai là: công nghiệp; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; logistics, dịch vụ, du lịch, thương mại, cảng hàng hải và hàng không; xây dựng.

Bí thư Tỉnh ủy thông tin, vừa rồi có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu về phát triển du lịch ở Đồng Nai nhận xét, Đồng Nai có tiềm năng về du lịch nhưng du lịch Đồng Nai đang “lơ lửng”. Năm vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố đạt doanh thu du lịch từ hàng chục ngàn tỷ đồng đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, còn ở Đồng Nai chỉ đạt 1,1 ngàn tỷ đồng.

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, phải nỗ lực bảo vệ môi trường và chăm lo mục tiêu phát triển con người. Làm được những điều này, người dân rất tự hào về đội ngũ cán bộ lãnh đạo của địa phương đã tận tâm phụng sự xã hội, phục vụ nhân dân; còn người lãnh đạo thì tự hào vì đã dẫn dắt được một vùng đất mà ở đó người dân sống hạnh phúc và bình yên.

* Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Bên cạnh việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, chăm lo mục tiêu phát triển con người thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh là những yếu tố quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, bất cứ bộ máy cầm quyền nào trên thế giới cũng có một tổ chức đảng lãnh đạo. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là một tổ chức chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương. Đảng hoạch định đường hướng để phát triển đất nước. Do đó, Đảng phải trong sạch, gương mẫu, trí tuệ, nhân văn.

Người đứng đầu còn phải là người tạo động lực cho đội ngũ cấp dưới. Làm người đứng đầu mà để đội ngũ của mình mất “lửa” thì “thua” chắc.

Đảng không trí tuệ thì không lãnh đạo được Nhà nước. Đảng không gương mẫu thì không lãnh đạo được xã hội. Để Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, mỗi đảng viên của Đảng phải là người ưu tú trong quần chúng, luôn tiên phong tình nguyện đi đầu, dẫn dắt sự phát triển.

Còn đối với bộ máy công quyền, đội ngũ công chức không được nhầm lẫn giữa phục vụ nhân dân với cai trị nhân dân. Khi hiểu sai phục vụ thành cai trị, công chức sẽ làm mất đi bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân, dẫn đến hạch sách dân.

Bất cứ cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu có đầy đủ kiến thức tư duy, quan điểm, quyết tâm hành động để trở thành những người xứng đáng phụng sự nhân dân.

Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ như thế, phải chú trọng đến người tài, người giỏi. Thời kỳ nào quy tụ, sản sinh ra người giỏi thì thời kỳ đó cực thịnh. Địa phương nào biết giữ chân, trân trọng người giỏi, tạo ra đội ngũ giỏi giang thì phát triển vượt bậc.

Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải luôn suy nghĩ tìm cách để thu hút, giữ chân người giỏi. Vấn đề đặt ra cho người đứng đầu là có dám sử dụng người giỏi hơn mình hay sợ nếu sử dụng người giỏi thì hình ảnh của người lãnh đạo bị lu mờ, người giỏi sẽ làm phức tạp vấn đề, người giỏi hay phản biện… Người đứng đầu khi có bản lĩnh sử dụng người giỏi thì xứng đáng làm lãnh đạo vì đã biết đoàn kết, huy động người giỏi phục vụ sự phát triển của địa phương.

Không chỉ biết sử dụng người giỏi, người đứng đầu còn phải có năng lực lắng nghe người khác nói và thuyết phục được người khác lắng nghe tư duy phát triển của mình; luôn biết mình phải làm gì, làm đúng pháp luật và lương tâm, không cần chờ hướng dẫn này kia, mất hết cơ hội.

Trong công tác cán bộ phải công tâm, công bằng, khách quan, phải đánh giá đúng cán bộ. Ở đơn vị nào cũng vậy, người giỏi không được bố trí làm lãnh đạo mà người không giỏi lại làm lãnh đạo thì ở đó không ổn. Nếu người làm lãnh đạo có thua một chút về năng lực nhưng phải đổi lại bằng phẩm chất rất tốt, có phương pháp lãnh đạo thì chấp nhận được. Khi bố trí cán bộ không đủ năng lực, không được cấp dưới tâm phục khẩu phục thì làm mất động cơ phấn đấu cho người khác, không sản sinh ra người giỏi cho đơn vị.

Người đứng đầu phải luôn tôn trọng người giỏi, tạo môi trường cho đội ngũ nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung; thường xuyên tổ chức học tập, mở mang kiến thức cho đội ngũ cấp dưới. Người đứng đầu phải biết lấy tài để dùng người, lấy đức để đãi người, lấy tâm để thu phục người. Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa, đòi hòi sự dấn thân thực sự và hết lòng của lãnh đạo.

Nguồn: Đổi mới tư duy về phát triển bền vững

Phương Hằng

baodongnai.com.vn