Đồng Nai: Hướng mở cho du lịch canh nông

07:30 | 17/04/2023

|
Thời gian qua, Đồng Nai phát triển mạnh mô hình du lịch vườn nhưng chỉ mới dừng lại ở mức thu hút du khách về vui chơi, thưởng thức đặc sản nên giá trị mang lại chưa cao.
Đồng Nai: Gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp cho đường cao tốc Phan Thiết - Dầu GiâyĐồng Nai: Gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp cho đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Đồng Nai: Không để phát sinh du lịch tự phátĐồng Nai: Không để phát sinh du lịch tự phát
Đồng Nai: Hướng mở cho du lịch canh nông
Sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa cung cấp cho khách du lịch tham quan tại điểm du lịch sinh thái vườn của xã Bình Sơn (H.Long Thành). Ảnh: B.NGUYÊN

Bắt kịp xu hướng mới hiện nay là du lịch canh nông không chỉ dừng lại ở việc khai thác tiềm năng sẵn có, nhiều nhà vườn đang nỗ lực đa dạng thêm sản phẩm, nhiều dịch vụ để du khách về vườn tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm.

* Lợi thế sẵn có để phát triển

Với lợi thế có những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn, trong đó có nhiều loại đặc sản trái cây ngon, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn phát triển nhanh trên địa bàn Đồng Nai. Bắt kịp xu thế du lịch canh nông, các mô hình du lịch này không chỉ khai thác những lợi thế sẵn có như vườn trái ngon mà còn chăm chút về ẩm thực cũng như đa dạng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành về tình hình du lịch Đồng Nai thời gian gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG, Phó trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh đề nghị Sở VH-TTDL phối hợp với các sở, ngành rà soát, chọn lựa những địa phương làm tốt nông thôn mới với những thế mạnh về du lịch để thí điểm mô hình du lịch canh nông đầu tiên của Đồng Nai.

Ông Văn Thành Toàn, chủ vườn hoa Bốn Mùa tại xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) cho hay: “Tuy điểm nhấn của khu du lịch là sự đa dạng, độc đáo của các mùa hoa nhưng chúng tôi cũng đầu tư trồng thêm các vườn cây ăn trái; đa dạng về ẩm thực để phục vụ du khách. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là mở rộng liên kết với các nhà vườn tại địa phương; hình thành chuỗi dịch vụ khép kín từ tham quan, ăn uống, cung cấp các đặc sản du lịch để gia tăng giá trị cho các mô hình nông nghiệp tại địa phương”. Thực hiện chương trình nông thôn mới, các xã vùng sâu được đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường giao thông khang trang, rộng rãi về tận vùng sản xuất khiến nhiều nhà vườn tại các xã Bình An, Bình Sơn (H.Long Thành) mạnh dạn đầu tư làm mô hình du lịch vườn. Khai thác lợi thế về thổ nhưỡng trồng được nhiều đặc sản trái cây ngon, nhiều nông dân tại các địa phương này vừa khai thác những vườn đặc sản sẵn có như các giống sầu riêng hạt lép, các vườn măng cụt, bòn bon vừa đầu tư vốn lớn trồng thêm các giống mới. Đặc biệt, nhiều nhà vườn trồng thêm giống sầu riêng vua Musang King có nguồn gốc từ Malaysia có thời điểm bán ra thị trường với giá tiền triệu đồng/kg. Ông Trần Thanh Tùng, nông dân sản xuất giỏi tại xã Bình Sơn (H.Long Thành) chia sẻ: “Vụ thu hoạch năm nay, tôi đã có đặc sản sầu riêng Musang King cung cấp ra thị trường. Trong vườn cũng trồng đa dạng sản phẩm trái cây, mở thêm dịch vụ ăn uống để đón du khách về vui chơi, cùng ra đồng trải nghiệm cuộc sống làm nông dân”.

* Nâng tầm du lịch vườn

Trước đây, nhiều mô hình du lịch vườn chỉ dừng lại ở việc đón khách đến thưởng thức trái cây ngon, ẩm thực dân dã. Nhằm nâng tầm cho du lịch vườn, nhiều trang trại, nhà vườn không ngừng đa dạng sản phẩm, dịch vụ để tạo thêm giá trị gia tăng.

Ông Lâm Phi Hùng, chủ vườn du lịch sinh thái Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) đi tiên phong làm thí điểm gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho cây trồng. Thay vì chỉ đến vườn cây chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức trái ngon thì du khách có thể chủ động quét mã QR để được cung cấp đầy đủ thông tin về chủ vườn, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi loại cây, tọa độ, vị trí của vườn cây trên Google Map. Việc quét mã này cũng giúp du khách trải nghiệm được làm nông dân khi nắm rõ về quy trình sản xuất, nhật ký canh tác… Qua đó, du khách yên tâm thưởng thức cũng như chọn mua các sản phẩm trái cây ngon, an toàn.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) đang đầu tư hoàn thiện mô hình trồng sen hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát cho biết, trước đây HTX tập trung chế biến hàng chục sản phẩm từ cây sen. Đến nay, HTX đang nhân rộng diện tích trồng sen hữu cơ gắn với làm du lịch sinh thái. Với mô hình này, du khách về tận đồng sen mục kích sở thị quy trình trồng sen sạch cũng như quy trình thu hoạch, chế biến. Khai thác du lịch không chỉ giúp HTX tạo thêm giá trị gia tăng cho đồng sen quê nhà mà còn góp phần quảng bá, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm chế biến từ đồng sen hữu cơ của HTX.

Có thể nói, HTX Du lịch Dốc Mơ (H.Thống Nhất) là đơn vị đi tiên phong thực hiện hiệu quả mô hình du lịch canh nông trên địa bàn Đồng Nai. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm làm nông dân khi trực tiếp tham gia các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; tự tay làm các sản phẩm thủ công như dầu gội đầu, sữa tắm, kem đánh răng hoàn toàn từ các loại thảo dược trồng trong vườn… Nông trại này tổ chức nhiều hoạt động lễ hội theo mùa như: lễ hội tết quê, lễ hội trung thu với các hoạt động phong phú như tham gia đổ bánh xèo, bánh khọt; gói bánh tét, làm trà hoa đậu biếc; hái và làm sương sâm; tham gia tát cá và cùng thưởng thức cá nướng từ thành quả lao động của mình…

Ông Hoàng Công Phước, Giám đốc HTX Du lịch Dốc Mơ chia sẻ, nông trại nuôi trồng theo tôn chỉ nông nghiệp tử tế là tôn trọng tự nhiên, tôn trọng người nông dân cùng cây trồng và vật nuôi. Các nông phẩm làm ra sẽ được chế biến thành sản phẩm ngon và tốt cho sức khỏe của người dùng. Nông trại đang xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến kết hợp với du lịch cộng đồng để nâng cao giá trị nông sản.

Nguồn: Hướng mở cho du lịch canh nông

Bình Nguyên - Ngọc Liên

baodongnai.com.vn